Bác Hồ thăm Nhà máy Than Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN
Trong khoảng thời gian ấy, trung tuần tháng 5, Người đều xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết, có khi viết thêm một số trang hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Di chúc vẫn sáng tỏ con đường cách mạng chúng ta đi.
Từ những lời dặn trong Di chúc
Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong một thời gian khá dài, từ năm 1965 đến 1969. Di chúc đã vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi, trong đó có tư duy về khôi phục, xây dựng và phát triển nền kinh tế XHCN. Mỗi câu, mỗi chữ trong Di chúc dồn nén bao cảm xúc, chất chứa tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người và cuộc đời của vị lãnh tụ suốt đời “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này… không còn điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong bản Di chúc nhân dịp mừng 75 tuổi, đề ngày 15/5/1965, có chữ ký của Người và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Lê Duẩn, Người gạch chân chữ “kế hoạch” và “nâng cao đời sống của nhân dân”. Tháng 5/1968, Người thấy “cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết”, trong đó nhắc đến khi đã hoàn toàn thắng lợi, phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói nhiều về kinh tế, nhưng dưới hình thức giản dị, những lời dặn của Người chứa đựng giá trị lý luận sâu sắc. Đề cập CNXH trước hết là yếu tố kinh tế, nếu CNXH là một xã hội mà nền kinh tế thấp kém, con người phải sống trong nghèo đói thì sẽ chẳng hấp dẫn được ai, Người khẳng định: “Muốn tiến lên CNXH thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước”. Phát triển kinh tế chính là vấn đề cấp bách, cốt lõi, có tính quy luật, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân.
Đến sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chưa có kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đây là quá trình hết sức mới mẻ, phức tạp phải tìm tòi, thể nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày càng sâu sắc hơn. Với ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân và tương lai đất nước, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của một đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng ta đã không ngừng nỗ lực, không ngừng sáng tạo, đặc biệt là trong những giai đoạn thử thách quyết liệt.
Những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ là những người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của mình.
- Bà Marcela Lombardo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triết học, chính trị xã hội Mexico
Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: tiếng súng ở miền Nam vừa chấm dứt, chiến tranh lại diễn ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Mỹ và các nước tư bản đã bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, làm cho Việt Nam rơi vào thế bị bao vây về kinh tế, chủ yếu ta chỉ quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu. 30 năm liên tiếp, hai cuộc chiến tranh khốc liệt đã tàn phá nặng nề đất nước. Nước ta vẫn ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cùng lúc đó ta lại mắc sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, dẫn tới hậu quả kinh tế phát triển chậm, sản xuất trì trệ, cung không đủ cầu.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng rối ren, mất cân đối. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là quá trình không thể đảo ngược.
Đến năm 1996, nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất của đông đảo nhân dân, tạo nhiều tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lạm phát từ mức 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995. Nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN tiếp tục được xây dựng.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Ổn định và Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, tổng sản phẩm trong nước tăng hơn gấp đôi so với năm 1990. Nền kinh tế từ tình trạng khan hiếm nghiêm trọng đã chuyển sang sản xuất đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế, từ nền kinh tế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, từ chỗ chủ yếu chỉ có hai thành phần kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đã chuyển sang nền kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đất nước vượt qua được cơn chấn động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu; phá được thế bao vây, cấm vận; mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) đã xác định đường lối kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trở thành đóng góp lý luận cơ bản và sâu sắc của Đảng. Liên tiếp 4 năm (2016-2019), Việt Nam đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, năm 2020, khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, vừa học tập kinh nghiệm, tận dụng cơ hội, vừa phát triển tiềm năng đất nước, với độ mở rất lớn của nền kinh tế, Việt Nam đang có cơ hội mạnh mẽ để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất thế giới, tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trước những thử thách và vận hội song hành, cần tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, trong đó nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN giai đoạn 2021-2030.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Đặc điểm này chi phối các đặc điểm khác và tác động sâu sắc tới việc lựa chọn bước đi, biện pháp thích hợp. Người đặc biệt chú trọng tinh thần độc lập, tự chủ trong việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán, có lịch sử, địa lý khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên CNXH”.
Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Đọc Di chúc, chúng ta sẽ không tìm thấy giải pháp cụ thể, sẵn có về kinh tế. Chúng ta trở về với Bác Hồ là về với nền tảng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trở về với tinh thần sáng tạo, với sức mạnh thôi thúc hành động, như bà Marcela Lombardo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triết học, chính trị xã hội Mexico đã phát biểu: “Những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ là những người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của mình”.