“Đốc” giải ngân đầu tư công để “thúc” tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tới kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy tăng trưởng, càng cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên).

Thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên).

Vẫn chưa thoát điệp khúc “cuối năm vất vả”

Giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng vẫn tiếp tục chưa đạt kỳ vọng. Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ hồi đầu tháng 9/2024 là, tính đến cuối tháng 8/2024, ước thanh toán vốn đầu tư công hơn 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức giải ngân 42,35% của cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn trong nước trên 270.469 tỷ đồng (đạt 41,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài hơn 4.031,4 tỷ đồng (đạt 20,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Điểm tích cực là trong số này, riêng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trên 4.931 tỷ đồng, đạt 79,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân này không quá thấp so với tỷ lệ chung những năm gần đây, song một cách thẳng thắn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: “Vẫn chưa giải quyết được vấn đề mang tính đặc thù của đầu tư công”.

Đặc thù ấy chính là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thường đạt thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân là đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thường tập trung công tác thanh, quyết toán vốn năm 2023 (kể cả số vốn được kéo dài sang năm 2024); còn các chủ đầu tư có thói quen dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm do tâm lý ngại làm thủ tục giải ngân nhiều lần.

Đó là một trong những lý do mà điệp khúc “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” thường được nhắc tới. Và bây giờ chính là lúc bắt đầu bước vào thời điểm “vất vả” trong giải ngân vốn đầu tư công. Bởi lẽ sau 8 tháng, mới có 40,5% vốn kế hoạch năm 2024 được giải ngân, tức là vẫn còn khoảng 50,5% vốn kế hoạch, tương đương hơn 390.000 tỷ đồng nữa cần được tập trung thực hiện và giải ngân.

Kể cả mục tiêu của Chính phủ là giải ngân 95% trong năm nay, thì đây vẫn là một nhiệm vụ khá nặng nề. Chưa kể, còn một áp lực nữa là ngân khoản của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội phải giải ngân hết trong năm nay.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện vẫn còn 34 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (40,49%).

Đáng chú ý, một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, do đó ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

TP.HCM là một ví dụ. Đầu tàu kinh tế của cả nước được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79.300 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 8 tháng mới đạt 13.142 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, số vốn giải ngân 8 tháng đầu năm của TP.HCM giảm khoảng 6.600 tỷ đồng.

Có 8 địa phương trong diện được giao vốn lớn, nhưng giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu 8 địa phương này duy trì số vốn đầu tư công giải ngân tương đương mức đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023 của chính địa phương đó, thì tổng số vốn giải ngân kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng đầu năm cao hơn khoảng 15.600 tỷ đồng.

Bắc Ninh cũng nằm trong số địa phương này. Ít ngày trước, khi UBND tỉnh Bắc Ninh họp thường kỳ tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã chỉ đạo, phải nhanh chóng xác định rõ những điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công để tháo gỡ.

Năm 2024, Bắc Ninh được giao kế hoạch vốn là 8.600 tỷ đồng, nhưng tính đến giữa tháng 9, mới giải ngân được 2.435 tỷ đồng (gồm cả vốn kéo dài), đạt 26,6% so với số vốn Chính phủ giao. “Tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh tuy có tăng, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với trung bình cả nước”, ông Vương Quốc Tuấn thừa nhận.

Con số này thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, chỉ trong vòng 8 tháng, Bắc Ninh đã giải ngân được hơn 3.260 tỷ đồng.

“Đốc” giải ngân để “thúc” tăng trưởng

Không chỉ để thực hiện mục tiêu giải ngân 95% số vốn kế hoạch năm nay, mà để thúc đẩy tăng trưởng, việc đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội Việt Nam, có thể làm tăng trưởng GDP giảm 0,15 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng 7% trong năm nay. Do đó, bên cạnh các động lực về xuất khẩu và tiêu dùng, thì giải ngân đầu tư công là động lực hàng đầu.

“Khó khăn đến mấy vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo như vậy hôm chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải.

Mục tiêu ở đây không chỉ là xây dựng 3.000 km cao tốc tới năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra và giờ là thời điểm cần “bứt phá, tăng tốc”, mà còn để thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục hậu quả, thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, thiên tai gây ra.

Tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão”, chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi để triển khai các công việc đáp ứng tiến độ yêu cầu... cũng là điều được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nhưng không chỉ với các công trình trọng điểm, giải ngân đầu tư công nói chung cũng tiếp tục được thúc đẩy. TP.HCM đang rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh giải ngân. “Thành phố phấn đấu cả năm đạt tỷ lệ giải ngân 95%”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thậm chí để khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển, việc sửa đổi Luật Đầu tư công đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 5 nội dung chính được sửa đổi lần này.

Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

“Một trong những tư duy đổi mới trong lần sửa luật này là chúng tôi sẽ thiết kế các điều khoản theo hướng cởi mở để khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực và kiến tạo sự phát triển”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và bày tỏ hy vọng, khi Dự thảo được thông qua, sẽ không còn chuyện “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, “vốn chờ dự án” nữa.

Tin bài liên quan