Nhưng chỉ vài phút sau, tôi đã biết mình quá vội vã suy đoán, vì thực ra là có nhà hàng Hachiman Kamado. Dù đó chỉ là những cái băng ghế dài đặt quanh bốn bức tường, trước những cái bàn gỗ chân cao trông giống bàn học sinh được đặt trong cái chòi làm bằng gỗ và tre rất khiêm tốn về diện tích.
Một cái lò lửa than đang rực cháy ngay giữa nhà hàng, phía trên là tấm lưới sắt và trên đó là đủ thứ nghêu, sò, bào ngư, bạch tuộc, cua, tôm, sứa... đang tỏa hương ngào ngạt thật hấp dẫn.
Phụ trách nướng sò, bưng bê phục vụ khách không phải là những tiếp viên chân dài mà là những phụ nữ luống tuổi, có người phải gọi là bà, là cụ. Toàn những nữ lao động đáng trân trọng. Họ ăn mặc kín đáo, khăn trắng trùm đầu quấn cổ tenugui, áo trắng chụp toàn thân, váy dài che đến mắt cá chân.
Nhưng tất cả những ốc, sò, bạch tuộc, tôm nướng... mà chúng tôi thích thú thưởng thức trưa hôm đó, chấm với muối tiêu chanh, wasabi, nước tương đậu nành được đưa cay với vài cốc uýt ki Nhật đều do chính các bà thu hoạch từ đáy biển, ngay trong bình minh ngày hôm ấy.
Đội ngũ 4 ama của nhà hàng Hachiman Kamado
Rất tươi, thơm ngon và bổ dưỡng! Nữ hướng dẫn viên đã nói đúng, một bữa trưa nhớ đời tại bờ biển của bán đảo Ise-Shima, thuộc tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản, đối diện Thái Bình Dương bao la. Và các bà, các cụ ấy có tên gọi là "ama"- những nữ chuyên gia lặn sâu, thu gom ốc, sò từ đáy biển bán lấy tiền sinh sống, nuôi con cháu.
Chúng tôi được nghe kể rằng, tỉnh Mie ngày nay còn chưa đến 1.000 ama theo nghề lặn biển đã có truyền thống hơn 3.000 năm tại Nhật Bản. Nếu tính tổng cộng 18 tỉnh của nước Nhật thì còn chừng 2.000 ama với tuổi trung bình là 65. Nửa thế kỷ về trước, con số này đã trên 17.000.
Nghề lặn sâu, mò tìm ốc, sò, tôm, cua đang mai một nên có những ama đã ngoài 70 tuổi mà vẫn ngày ngày ra biển. Họ vẫn tiếp tục thói quen của những ama cụ bà tổ tiên mình năm xưa với dụng cụ hành nghề rất đơn giản, gồm cái phao có dây dài cột vào cái rổ, dây lưng với vài cục sắt để thêm trọng lượng khi lặn.
Một dụng cụ không thể thiếu là "kaginomi", khúc sắt với một đầu cong nhọn trông hao hao như lưỡi câu dùng để tách sò, bào ngư ra khỏi các tảng đá sâu dưới lòng biển.
Dụng cụ hành nghề của ama
Mỗi ama thường trồi lên hít thở sau khoảng một phút lặn. Cái đầu lú lên khỏi làn nước và bỗng phát ra một tiếng rít đanh tai, nghe như tiếng còi. Đó là "isobue", âm thanh phát ra từ lồng ngực của ama sau một phút nín thở. Nó cũng là dấu hiệu thông báo cho các bạn rằng, có thêm một ama trồi lên an toàn.
"Bà có uống hay ăn gì để giữ nóng cơ thể trước khi lặn không?" tôi hỏi thăm Reiko Nomura, một ama đã có 65 năm hành nghề dưới đáy biển.
Bà trả lời: "Không. Mỗi sáng, sau hai hoặc ba giờ làm việc dưới nước biển, chị em chúng tôi lên bờ, vào ama goya (chòi) đốt lửa sưởi ấm và trò chuyện với nhau, ăn nhẹ cái gì đó là xong. Chỉ có thế thôi. Mẹ tôi, bà tôi và bà cụ, bà cố của tôi đều đã làm như vậy". Năm nay 86 tuổi, bà Reiko Nomura mới chỉ thôi lặn cách nay khoảng 6 năm.
Một bà cụ ama
"Tại sao các bà không dùng đồ lặn, bình dưỡng khí, mặt nạ, ống thở để ở dưới nước lâu hơn, thu hoạch được nhiều hơn?". Câu trả lời của bà thật là hay, phù hợp thời cấp thiết bảo vệ môi trường và cuộc sống thiên nhiên: "Vì như thế sẽ không còn là ama đúng truyền thống ngàn năm ở đây nữa. Và giới hạn về thời gian lặn không bình hơi và mặt nạ còn là cách hay nhất để chúng tôi không tận thu hải sản, để ngày mai vẫn còn ốc, sò, cua, mực cho con cháu của chúng tôi".
Theo vài sách báo đã đọc được thì các ama có lớp mỡ dưới da dày hơn nên có thể chịu được nước biển lạnh lâu hơn người bình thường, dù lặn sâu 8 - 10m. Và họ cũng giữ hơi được lâu hơn các ông, nên nghề ama vẫn chỉ là nghề của các bà, đặc biệt là tại miền trung nước Nhật. Các ama cũng có chồng con bình thường như mọi phụ nữ khác. Thực tế có những cặp vợ chồng cùng nhau đánh bắt hải sản suốt cả đời, chồng phụ trách chèo xuồng, vợ là ama.
Thu hoạch của các ama phục vụ khách phương xa
Lặn sâu dường như không có ảnh hưởng tai hại nào với họ, ngoại trừ việc khi lớn tuổi, thính giác của họ có suy giảm. Họ vẽ lên khăn trùm đầu những ký hiệu mà được giải thích là "dấu may mắn" bảo vệ họ dưới làn nước biển, đảm bảo cho việc trở về an toàn. Có bà cột lên áo mảnh "bùa" xua đuổi thủy quái, chẳng hạn như cá mập.
Và họ cũng thường xuyên tìm đến đền thờ để cầu xin các thần linh che chở cho mình. Ngày nay, trong lời nguyện ắt hẳn họ còn có thêm ý cầu cho nghề ama mãi lưu truyền.