Non trẻ nhất trên thị trường hiện nay là CTCK Artex, với mức vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Buổi giới thiệu thông tin của Artex vừa qua khiến không ít người ngạc nhiên và thú vị, vì lần đầu tiên tại Việt Nam, một CTCK đưa ra dịch vụ cảnh báo rủi ro cho NĐT. Theo đó, NĐT sẽ nhận được thông tin cập nhật bằng email hoặc tin nhắn (sms) cung cấp thông tin liên quan đến các mã chứng khoán mà họ quan tâm. Phía Artex còn cho biết, Công ty trước mắt sẽ cung cấp dịch vụ trên miễn phí cho tất cả các khách hàng quan tâm, dù có thể mở hoặc chưa mở tài khoản giao dịch tại đây. Giải thích về việc đưa dịch vụ trên vào hỗ trợ khách hàng, một đại diện của Artex cho rằng, Công ty muốn phần nào chia sẻ, giúp đỡ NĐT hạn chế những rủi ro trong đầu tư. Ngoài ra, Artex còn tăng lợi thế cạnh tranh của mình với các CTCK đã hoạt động lâu năm bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng rất tiện nghi, đặc biệt là dạng bảng điện tử hiện đại mà Công ty là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng.
Cũng là một chiêu thu hút khách hàng, CTCK Hà Thành (HASC) lại chọn cách thức giữ chân NĐT cũ và thu hút khách hàng mới bằng việc đa dạng hóa các kênh đầu tư. Theo đó, HASC làm đại lý giao dịch cho sàn vàng SJC, các khách hàng tại Công ty có nhu cầu đầu tư vàng có thể đăng ký để giao dịch vàng trên chính tài khoản chứng khoán. Như vậy, HASC là CTCK đầu tiên đa dạng hóa các kênh đầu tư cho khách hàng của mình, do sớm đánh giá được tính trái chiều của giá vàng và TTCK.
Bên cạnh những cạnh tranh về dịch vụ mới như trên, một số CTCK cũng hướng đến sự cạnh tranh sâu hơn từ mảng công nghệ giao dịch. CTCK FPT (FPTS) là CTCK duy nhất của Việt Nam hiện nay có bảng giá sàn HASTC trực tuyến với nhiều tiện ích liên quan như khối lượng đặt lệnh giao dịch trong phiên của cả thị trường và của NĐT nước ngoài, giá bình quân trong phiên của mã chứng khoán... Ngoài ra, FPTS còn cung cấp dịch vụ tạm ứng tiền bán chứng khoán, chuyển tiền ra tài khoản ngân hàng..., nếu khách hàng có mua thẻ bảo mật token card.
Nếu CTCK Tân Việt (TVSI) là một trong những đơn vị đi đầu trong đầu tư công nghệ hiện đại, cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến thì giờ đây, giao dịch trực tuyến không còn quá mới lạ với các NĐT. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có CTCK Vincom cho phép khách hàng có thể đặt lệnh mua/bán trước một số phiên giao dịch mà không phải chờ đến sát ngày giao dịch.
Nhiều CTCK lại thu hút khách hàng bằng những buổi cung cấp thông tin thị trường thường xuyên (CTCK Quốc tế Hoàng Gia tổ chức 3 buổi/tuần) hoặc giữ chân khách hàng bằng chính sự thân thiết, thái độ nhiệt tình, thậm chí bằng cả những dịch vụ "ngoài luồng" như: cho vay tiền mua chứng khoán T+2, những hợp đồng hợp tác đầu tư hỗ trợ vốn thậm chí lên tới gần 100% số tiền trong tài khoản của khách hàng...
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều chiêu thu hút khách hàng của CTCK, điều này cho thấy, trong bối cảnh các CTCK được thành lập ngày càng nhiều, tìm ra một lối đi riêng, đi đầu trong một dịch vụ tiện ích để lôi kéo khách hàng là một điều cần thiết. Và đương nhiên, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các khách hàng, NĐT trong "cuộc chiến" cạnh tranh này.