Đọc cấu trúc lợi nhuận ngân hàng 2018

Đọc cấu trúc lợi nhuận ngân hàng 2018

(ĐTCK) Các ngân hàng đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với con số tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả kinh doanh năm 2018, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, năm qua, Ngân hàng đạt kỷ lục về hiệu quả kinh doanh, với lợi nhuận trước thuế đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.

Trước câu hỏi những mảng kinh doanh nào giúp Techcombank đạt được kết quả kinh doanh cao như vậy, ông Quốc Anh cho biết: “Trong năm qua, chúng tôi tập trung vào mảng dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Ðặc biệt, Ngân hàng phát triển các dịch vụ online, mobile cho khách hàng SME giúp giao dịch rẻ hơn, thuận tiện hơn, số tiền không kỳ hạn được gửi trong Ngân hàng cũng nhiều hơn. Một trong những thành công lớn là số tiền không kỳ hạn trong Techcombank tăng rất cao, bằng 29% tổng huy động, giúp giảm chi phí huy động cho Ngân hàng”.

VPBank vừa báo lãi trước thuế hợp nhất gần 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2017. Ðại diện VPBank cho biết, trong khi phần lớn nguồn thu của Ngân hàng tiếp tục đến từ nguồn thu lãi, thông qua các hoạt động cho vay ở những phân khúc chiến lược như tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh thu từ phí cũng đóng góp quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VPBank năm vừa qua.

Báo cáo tài chính của VPBank công bố cho thấy, năm 2018, tổng doanh thu từ phí đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của Ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017. Ðây là kết quả của việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng số.

“Nguồn thu từ phí tăng cao cũng có nghĩa rằng sự lệ thuộc của Ngân hàng vào các sản phẩm cho vay truyền thống đang giảm bớt đi và các dịch vụ của Ngân hàng đang ngày càng đa dạng hơn”, vị lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.

Tại VIB, báo cáo tài chính quý IV/2018 cho biết, với chỉ số lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2017, vượt 37% so với con số do Ðại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm. Ðây là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của VIB tăng trưởng xấp xỉ 100%/năm.

Ðại diện lãnh đạo VIB cho biết, doanh thu của Ngân hàng tăng trưởng 48% so với năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 40% và 92%. Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh nhờ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, hiện chiếm 20% trong tổng doanh thu.

Doanh thu tăng trưởng mạnh trong khi chi phí được quản lý tốt cho hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) đạt mức hiệu quả tốt 44%, giảm 13%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB tăng mạnh lên 22,5%, ở nhóm cao nhất của thị trường.

Mảng ngân hàng bán lẻ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của VIB, với doanh thu bán lẻ tăng 90% so với năm 2017. Khối Khách hàng doanh nghiệp và Khối Nguồn vốn và ngoại hối cũng đạt được hiệu quả tăng trưởng cao, với lợi nhuận tăng 22% và 49% so với năm 2017.

Một đại diện của khối ngân hàng TMCP gốc quốc doanh là Vietcombank báo lãi trước thuế 2018 lên tới hơn 18.000 tỷ đồng. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank chia sẻ: “Phương châm hoạt động trong năm qua theo định hướng mua buôn bán lẻ với ba trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư. Tín dụng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; vốn huy động từ các nguồn giá rẻ tăng mạnh (vốn bán buôn) giúp Ngân hàng giảm chi phí huy động vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động”. 

Nguyên nhân giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng mạnh trong năm qua, theo các nhà phân tích, không thể không đề cập đến việc thoái vốn tại MBB và Eximbank xuống dưới 5%. Cụ thể, Vietcombank đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank từ hơn 8% xuống còn 4,84%; tại MBB từ gần 7% xuống 4,98%. Dù chỉ thoái một tỷ lệ không lớn, nhưng lượng cổ phiếu MBB và Eximbank mà Vietcombank bán ra đều trên 40 triệu đơn vị, góp phần không nhỏ vào cơ cấu lợi nhuận của Ngân hàng năm qua.

Là ngân hàng có tuổi đời còn trẻ, nhưng TPBank cũng trình làng con số rất ấn tượng. Kết thúc năm 2018, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu kế hoạch Ðại hội đồng cổ đông đề ra.

Theo TPBank, nhờ liên tục thực hiện các chương trình cải tiến quy trình và các hình thức quản trị tiên tiến, năng suất lao động đã tăng lên đáng kể, giúp giảm số lượng nhân sự, chi phí vận hành của Ngân hàng giảm rõ rệt, qua đó, góp phần tăng trưởng đáng kể lợi nhuận của Ngân hàng.        

Tin bài liên quan