Doanh thu từ dầu mỏ của Nga bắt đầu chịu thiệt hại do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một báo cáo mới công bố, doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm trong tháng 12 do chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga bắt đầu chịu thiệt hại do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt

Được xuất bản hôm thứ Tư (11/1) bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), báo cáo từ một tổ chức tư vấn độc lập của Phần Lan cho thấy, tháng đầu tiên mà Liên minh Châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và mức trần giá của G7 đã khiến Nga phải trả một khoản tiền ước tính 160 triệu euro (171,8 triệu USD) mỗi ngày.

Báo cáo của CREA cho biết, các biện pháp của phương Tây chịu trách nhiệm chính cho việc giảm 17% doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong tháng 12. Điều đó có nghĩa là Nga - một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - đã chứng kiến doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại CREA cho biết: “Lệnh cấm dầu mỏ của EU và trần giá dầu cuối cùng đã có hiệu lực và tác động đáng kể như dự kiến”.

G7 đã thực hiện mức trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5/12. Động thái này diễn ra cùng với động thái của EU và Anh nhằm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.

Các biện pháp được phản ánh cho đến nay là bước quan trọng nhất nhằm hạn chế doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các nhà phân tích năng lượng trước đó đã hoài nghi về tác động của việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, đặc biệt là khi Nga đã có thể định tuyến lại phần lớn các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển từ châu Âu đến các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã trả đũa các biện pháp của phương Tây vào cuối tháng trước bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tuân thủ giá trần.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov trước đây cho biết, việc phương Tây áp trần giá đối với dầu của Nga sẽ không ảnh hưởng đến khả năng duy trì “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Ông cũng cảnh báo biện pháp này sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.

Hôm thứ Tư (11/1), Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, mặc dù có “tin rất tốt” rằng Nga đang mất doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch do các biện pháp của phương Tây, nhưng chúng “chắc chắn là không đủ”.

Báo cáo của CREA cho thấy, các biện pháp này đã khiến khối lượng vận chuyển và giá dầu của Nga giảm, khiến doanh thu xuất khẩu của nước này giảm 180 triệu euro (193,5 triệu USD) mỗi ngày.

Bằng cách tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang EU và phần còn lại của thế giới, báo cáo cho biết Nga đã có thể thu về 20 triệu euro mỗi ngày, dẫn đến khoản lỗ ròng hàng ngày là 160 triệu euro mỗi ngày kể từ khi các biện pháp của phương Tây có hiệu lực.

Mặc dù vậy, báo cáo cho biết, Nga vẫn kiếm được khoảng 640 triệu euro (688 triệu USD) mỗi ngày từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo của CREA, việc hạ trần giá dầu đối với Nga xuống còn từ 25 - 30 USD/thùng vẫn là phạm vi cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất và vận chuyển, điều này sẽ làm giảm doanh thu xuất khẩu dầu của Nga ít nhất 100 triệu euro mỗi ngày.

CREA cho biết, liên minh giới hạn giá của phương Tây rất tự tin về “đòn bẩy mạnh mẽ” để đẩy giá trần xuống, đồng thời hiện “Nga không tìm thấy giải pháp thay thế có ý nghĩa nào đối với các tàu thuộc sở hữu và/hoặc được bảo hiểm trong G7 để vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen”.

Tin bài liên quan