Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong 3 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã phục vụ 11,57 triệu lượt phương tiện trên tổng chiều dài gần 500km đường cao tốc đơn vị quản lý (chưa tính 137.300 lượt phương tiện miễn phí), giảm 2,4% về lượng và 3% về doanh thu so cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tuyến cao tốc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 chính là cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khi mà lượng phương tiện qua tuyến trong quý I vừa qua chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, với 2,86 triệu lượt phương tiện; doanh thu giảm 14,1%.
Phương tiện qua đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng sụt giảm 1,8%, chỉ còn khoảng 4,3 triệu lượt phương tiện.
Có 527.200 lượt phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong quý I/2020, nếu so với 514.400 lượt phương tiện trong 3 tháng đầu 2019, con số này lại nhỉnh hơn 2,5% về lượng. Đây là tuyến duy nhất trong 4 tuyến cao tốc VEC quản lý có sự tăng trưởng về lưu lượng trong quý đầu năm nay.
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiếp nhận trên 4 triệu lượt phương tiện, sụt giảm không đáng kể về lượng, nhưng doanh thu lại thấp hơn cùng kỳ 2019 là 1,5%.
Tuy nhiên, bước sang tháng 3/2020, doanh thu thu phí các tuyến đường cao tốc của VEC gần như rơi thẳng đứng so cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%, khiến Tổng công ty hụt thu 58 tỷ đồng doanh thu thu phí.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình bị thiệt hại lớn nhất khi doanh thu thu phí của 2 tuyến này sụt giảm tới 28,6% và 15,4%; tiếp đến là cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cũng mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019.
“Nguyên nhân là bởi một loạt các hoạt động giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19”, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho biết.
Tại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, doanh thu thu phí của Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng đã giảm từ 25- 30% trong tháng 3/2020.
“Do thực hiện chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 3 ngày đầu tháng 4 chỉ còn ¼ so với cùng kỳ”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết.
Tình trạng sụt giảm lưu lượng phương tiện tại tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong 3 ngày đầu tháng 4 thậm chỉ còn bằng 1/5 so với ngày thường.
“Nếu tình hình sụt giảm kéo dài từ 1 -2 tháng nữa, phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án BOT cao tốc chắc chắn sẽ cần phải xem xét lại do các doanh nghiệp hạ tầng giao thông không phải là đối tượng nhận gói ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tín dụng”, ông Khôi cho biết.