Chưa có thống kê chính thức, nhưng chỉ vài ngày sau khi quy định tổng kiểm tra các phương tiện giao thông trên toàn quốc chính thức có hiệu lực, doanh thu bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự chủ xe của hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp đến 100%.
Theo ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, sau đợt tổng kiểm tra này, doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới sẽ đạt vài trăm tỷ đồng.
Nguồn doanh thu từ sản phẩm này trước mắt bù đắp được khoảng trống phí mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Về lâu dài, sau đợt kiểm tra này, bảo hiểm xe cơ giới kể cả bắt buộc và tự nguyện sẽ có thể được nhìn nhận đúng bản chất hơn.
“Khi nhận thức thay đổi thì nhu cầu mua bảo hiểm sẽ diễn ra thường xuyên. Đây mới là nguồn doanh thu ổn định mà doanh nghiệp bảo hiểm trông đợi từ cuộc kiểm tra này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Mặc dù bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ xe mô tô đang sốt và chỉ vài ngày đã đạt doanh số “trong mơ”, nhưng thực tế, tỷ trọng doanh thu của sản phẩm bảo hiểm này chỉ chiếm khoảng chưa đến 10% trên tổng doanh thu của nghiệp vụ xe cơ giới.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, nếu nói về bảo hiểm cơ giới thì doanh thu bảo hiểm xe ô tô mới mang lại nguồn thu chính.
Tuy nhiên, đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì hiện nay gần như 100% các chủ xe ô tô đều đã mua khi tham gia lưu thông, vì không có sẽ không làm được các thủ tục liên quan đến xe như kiểm định…
Chính vì thế, để tăng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải nỗ lực tìm hướng khai thác các loại hình khác như bảo hiểm vật chất xe, bao gồm bảo hiểm vật chất toàn bộ xe hoặc chỉ thân vỏ xe; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa trên xe (xe kinh doanh vận tải hàng hóa) hay bảo hiểm tai nạn lái xe, phụ xe và người ngồi trên xe (xe không kinh doanh vận tải hành khách)…
Tất nhiên, cùng với yếu tố “thiên thời” như đợt kiểm tra giao thông toàn quốc, để thúc đẩy doanh thu nghiệp vụ này, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng sẽ phải đưa ra nhiều giải pháp khác như có thể tăng tỷ lệ chi phí cho khai thác viên…
Cùng với bảo hiểm xe đang sôi động nhờ quy định kiểm tra giao thông, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người cũng đang có nhiều khởi sắc sau chuỗi ngày án binh bất động do dịch bệnh.
Bảo hiểm con người đang được đẩy mạnh qua nhiều kênh bán hàng, bao gồm cả bancassurance và kết hợp với các công ty tài chính. Riêng PTI, doanh thu từ nghiệp vụ này đang tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là hoạt động do các doanh nghiệp mua cho cán bộ nhân viên.
“Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, khi các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống như tài sản, hàng hải, xây dựng… vẫn chưa thể khởi sắc thì bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe vẫn sẽ là những nghiệp vụ chủ lực của các công ty bảo hiểm phí nhân thọ”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018. Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe con người chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, với 17.403 tỷ đồng (chiếm 33,22%). tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới với 16.010 tỷ đồng, (chiếm tỷ trọng 30,56%)… Đây là hai nghiệp vụ luôn có thị phần và tốc độ tăng trưởng cao nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nhiều năm qua.