Từ mức 24% trước đây, tỷ lệ bán lẻ tại Vietcombank hiện chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ

Từ mức 24% trước đây, tỷ lệ bán lẻ tại Vietcombank hiện chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ

Doanh thu bán lẻ của ngân hàng tăng mạnh

(ĐTCK) Mảng bán lẻ đã và đang được các nhà băng đẩy mạnh khi cạnh tranh ở khối bán buôn khó khăn hơn. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ trong tổng doanh thu của nhiều ngân hàng được cải thiện rõ rệt.  

Ông Huỳnh Song Hào, Trưởng văn phòng đại diện Vietcombank tại khu vực phía Nam cho biết, tổng dư nợ tín dụng cá nhân của toàn hệ thống Vietcombank hiện chiếm khoảng  48% tổng dư nợ của Ngân hàng. Trong đó, dư nợ cho vay mua nhà chiếm khoảng 40% trên tổng dư nợ cá nhân. Sở dĩ tín dụng cá nhân, nhất là cho vay mua nhà của Vietcombank tăng trưởng mạnh là do lãi suất cho vay ở mức phù hợp, bởi chi phí đầu vào của nhà băng này tương đối cạnh tranh trên hệ thống.

Theo ông Hào, Vietcombank trước đây chú trọng đến bán buôn, nhưng những năm gần đây bắt đầu chuyển hướng tăng trưởng mạnh về bán lẻ.

Hiện tỷ trọng bán lẻ của Vietcombank vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn bán buôn trong tổng dư nợ và doanh thu của Ngân hàng, nhưng sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. Từ mức 24% trước đây, tỷ lệ bán lẻ tại Vietcombank hiện chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ.

Lãnh đạo nhà băng này cho biết, để có thể cạnh tranh được trong xu hướng thị trường ngày càng hội nhập và sự phát triển của làn sóng công nghệ số, Vietcombank đang từng bước đẩy mạnh mảng bán lẻ.

Sở dĩ các ngân hàng chạy đua bán lẻ, nhất là trong phát triển tín dụng cá nhân là bởi tỷ lệ sinh lời của mảng này cao hơn so với bán buôn. Mặt khác, cạnh tranh trong bán buôn thường gay gắt hơn bán lẻ. Vì thực tế, một doanh nghiệp có sức khỏe tốt và kinh doanh hiệu quả hầu hết các ngân hàng đều cạnh tranh cho vay.

Do đó, việc tập trung chiến lược bán lẻ được xem là cốt lõi của các ngân hàng, nhất là nhà băng thương hiệu – uy tín có lợi thế cạnh tranh về bán lẻ.

Tại BacA Bank, ông Nguyễn Việt Thanh, Phó tổng giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ và khối tác nghiệp chia sẻ, 10 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng bán lẻ phát triển tốt.

Ông Thanh cho rằng, tỷ trọng đóng góp của mảng bán lẻ trong doanh thu của các ngân hàng đang dần thay đổi. Tại BacA Bank, tỷ trọng vốn huy động từ khối khách hàng cá nhân đang chiếm phần lớn, đồng thời đầu ra cũng đang theo hướng tập trung vào mảng bán lẻ… Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường ngày một khốc liệt. Vì vậy, việc đầu tư, phát triển ngân hàng số là bắt buộc và tất yếu. Mỗi ngân hàng phải xác định được năng lực của mình để có sự đầu tư một cách đúng đắn.

Trong khi đó, tại BIDV, theo Giám đốc Ban phát triển ngân hàng bán lẻ Nguyễn Mai Khanh, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của BIDV chiếm khoảng hơn 24% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng.

BIDV sẽ tiếp tục liên kết với các nhà cung cấp, dịch vụ để mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng khi đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ.

“Hiện BIDV có khoảng 8 triệu khách hàng bán lẻ. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị phần, BIDV tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng: chuyển dịch kênh phân phối sang kênh phân phối hiện đại, mở rộng tối đa các điểm giao dịch và quan tâm phát triển nguồn nhân lực bán lẻ, nâng cao kỹ năng mềm trong việc bán hàng cho nhân viên”, ông Khanh nói.

Định hướng của BIDV trong 5 năm tới sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống coke banking, nâng cấp toàn bộ hệ thống internet và mobile banking… nhằm xây dựng ngân hàng số hiện đại, đáp ứng các trải nghiệm cho khách hàng trong giao dịch.

Chi phí đầu tư của Ngân hàng, theo ông Khanh, sẽ tăng 23 - 28%, nhưng doanh thu tăng trưởng khoảng 43 - 47%, chênh lệch ròng khoảng 13 - 15%. Đó là giá trị kỳ vọng lớn trong phát triển bán lẻ.

Hơn nữa, các ngân hàng không có lựa chọn nào khác là phải đi theo xu hướng của thị trường phát triển ngân hàng số. Hiện tỷ trọng bán lẻ đang đóng góp hơn 1/3 trong thu nhập ròng của BIDV.

Nhìn nhận về triển vọng của mảng ngân hàng bán lẻ, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, thế hệ khách hàng của ngân hàng bán lẻ trong tương lai sinh ra và lớn lên trong thời phát triển công nghệ có hiểu biết và muốn dùng công nghệ số nên đòi hỏi chất lượng dịch vụ gia tăng như: giao dịch một cửa; cung cấp dịch vụ nhanh; đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp và chú ý đến yêu cầu riêng của mỗi khách hàng. Muốn đáp ứng được yêu cầu trên, đòi hỏi các nhà băng phải có sự đầu tư bài bản,đúng hướng.      

Tin bài liên quan