Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Nashville, Tennessee, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mặc dù doanh số bán lẻ tại Mỹ đã phục hồi trở lại vào tháng 1, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát các dấu hiệu phản ánh nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt.
Trong năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp thực hiện các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát dai dẳng.
Mặc dù có những tín hiệu cho thấy chính sách này đang phát huy hiệu quả trong mọi lĩnh vực, trong đó có chi tiêu tiêu dùng, song dữ liệu mới nhất này làm dấy lên quan ngại rằng chu kỳ tăng lãi suất vẫn chưa chấm dứt.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, sau 2 tháng giảm liên tiếp, doanh số bán lẻ trong tháng 1 đã tăng 3% lên 697 tỷ USD.
Con số này vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế và là mức tăng doanh số mạnh nhất kể từ đầu năm 2021. So với 1 năm trước, doanh số bán hàng của Mỹ đã tăng 6,4%.
Trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, doanh số ôtô tăng 6,4%, góp phần lớn nhất vào thúc đẩy doanh số bán lẻ chung.
Doanh số tại các cửa hàng bách hóa cũng tăng mạnh, ở mức 17,5%, trong khi doanh số của các nhà hàng và quán bar tăng 7,2%.
Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, chứng khoán Phố Wall ghi nhận sự sụt giảm do thị trường đầu tư lo ngại Fed có thể lại đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát.
Giới chức Fed hiện đang theo dõi xu hướng tiêu dùng để xác định liệu có cần tiếp tục áp dụng biện pháp tăng lãi suất hay không. Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy nhiều khả năng cơ quan này sẽ chưa nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cùng ngày, Fed công bố một báo cáo riêng cho thấy sản xuất công nghiệp không thay đổi trong tháng 1, sau khi sụt giảm trong 2 tháng trước đó.
Giới chuyên gia nhận định doanh số bán lẻ, cũng như sản lượng công nghiệp gia tăng, có thể chỉ là tạm thời.
Chuyên gia Kieran Clancy của Pantheon Macroeconomics cho biết các điều kiện thuận lợi trong thời gian gần đây, như thời tiết ôn hòa, có thể đã thúc đẩy tâm lý tiêu dùng, theo đó hỗ trợ doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp.
Tuy nhiên, chuyên gia Clancy cho rằng xu hướng này khó duy trì lâu. Theo ông, nhìn vào "bức tranh" toàn cảnh có thể thấy xu hướng sản xuất công nghiệp đã giảm đáng kể từ giữa năm 2022, do biện pháp tăng lãi suất khiến các doanh nghiệp không dám mạnh tay đầu tư vốn.
Chuyên gia Rubeela Farooqi - nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics, cũng cho rằng chi phí vay vốn cao hơn và giá cả tăng cao là một trở ngại đối với người tiêu dùng.
Theo bà, thị trường lao động mạnh và lạm phát giảm dần sẽ hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình trong những tháng tới.
Các chuyên gia còn cho rằng yếu tố tiền lương cũng có thể tác động tới tâm lý tiêu dùng.
Chuyên gia Oren Klachkin - nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ tại Oxford Economics, cho biết xu hướng tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ đã gia tăng trong đại dịch, song nhiều dấu hiệu cho thấy họ cũng không còn quá dư dả trong bối cảnh lạm phát, theo đó mức tiêu dùng trong tương lai gần có thể giảm./.