Chuyện làm ăn của các tỷ phú Việt Nam

“Các tỷ phú Việt Nam toàn làm giàu từ đất”, câu này không biết ai nói ra và có từ lúc nào, nhưng lại được số đông chấp nhận một cách nhanh chóng. Thế nhưng, nếu soi kỹ danh sách tỷ phú được Bloomberg hoặc Forbes công nhận, câu này hình như… không đúng.
Ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Phạm Nhật Vượng.

Đất không bao giờ là đủ

Danh sách tỷ phú USD tại Việt Nam được quốc tế thừa nhận không nhiều.

Nếu theo danh sách của Forbes công bố tháng 3 năm nay (định kỳ hàng năm) thì có 5 gương mặt được nhắc tới, gồm ông Phạm Nhật Vượng (ông chủ Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO của Vietjet Air), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank).

Còn theo danh sách cập nhật tài sản tức thời (realtime) cũng của tờ báo này cùng thời điểm, thì số tỷ phú USD của Việt Nam có thêm ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). Tuy nhiên, sang đến tháng 10/2019, ông Trần Đình Long đã không còn trong danh sách của Forbes.

Nếu tính đầy đủ 6 tỷ phú USD (gồm cả ông Trần Đình Long), thì có thể thấy ít nhất 2 gương mặt làm nên “cơ đồ” không dính gì tới đất, gồm ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang.

Trong 4 gương mặt còn lại thì ông Phạm Nhật Vượng quá nổi tiếng với đất, các đại đô thị tại Hà Nội và TP.HCM hay các trung tâm thương mại lớn ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều mang thương hiệu Vingroup.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nổi tiếng với hãng hàng không thế hệ mới Vietjet mà việc lập hãng bay này là câu chuyện đầy ly kỳ với người ngoài cuộc, hoặc rất nổi bật trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng HDBank (vai trò Phó chủ tịch). HDBank đưa “madam Thảo” có thêm danh hiệu “nữ hoàng mua sắm”, bởi đây là ngân hàng giữ kỷ lục về số thương vụ mua lại và bán vốn chiến lược, có thể kể tới vụ mua lại Công ty tài chính SGVF để sau đó bán chiến lược cho đối tác Nhật Bản để tạo thành HDSaison – Công ty tài chính trong top 3 thị trường; hay như thương vụ mua lại DaiA Bank khi thị trường tài chính đang khó khăn năm 2013, giúp HDBank nhanh chóng từ vị trí ngân hàng nhỏ lọt vào Top 8 ngân hàng cổ phần Việt Nam sau 5 năm, tới đây nữa là thương vụ mua lại PGBank (đang tiến hành những khâu cuối cùng), và rất có thể là DongA Bank – 2 ngân hàng thuộc diện yếu kém của ngành ngân hàng Việt Nam.

Chuyện làm ăn của các tỷ phú Việt Nam ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Nói dài dòng một chút về kinh doanh của bà Thảo, để tôn vinh người phụ nữ duy nhất trong danh sách tỷ phú Việt Nam, bà Thảo cũng là tỷ phú tự thân (tự làm lên sự nghiệp) đầu tiên tại Đông Nam Á.

Nhưng dù vậy vẫn phải khẳng định rằng, bà Thảo là “đại gia” trên lĩnh vực bất động sản, bà nổi danh rất sớm ở lĩnh vực này khi mua lại Furama Resort Danang từ năm 2005, resort đẹp nhất Đà Nẵng thời điểm bấy giờ. Bên cạnh đó còn nhiều thương hiệu bất động sản khác như Phú Long, Nhật Minh…

Ông Trần Đình Long và ông Trần Bá Dương, 2 tỷ phú họ Trần có điểm chung là xuất phát từ nghề cơ khí và trong quá trình xây dựng sự nghiệp đều có dính một chút tới bất động sản.

Nói về ông Trần Đình Long, thời điểm này có thể ông đang lo lắng về giá thép giảm khá mạnh khi mà Tổ hợp thép Dung Quất đang vào giai đoạn vận hành ổn thỏa.

Chuyện làm ăn của các tỷ phú Việt Nam ảnh 2

Ông Trần Bá Dương.

Có một tổ hợp thép, từng là mơ ước của nhiều thế hệ kỹ sư Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước khi công nghiệp nặng được xác định là hướng ưu tiên. Việt Nam từng rất vất vả để có tổ hợp Thép Thái Nguyên trong quá khứ, và giờ đây, ông Long làm điều đó nhẹ nhàng hơn. Hòa Phát cũng kinh doanh bất động sản, không lớn, nhưng đủ nổi tiếng với 2 khu chung cư Mandarin Garden 1 và 2 tại Hà Nội, ngoài ra còn một số chung cư khác mang thương hiệu Hòa Phát.

Quy mô bất động sản của ông Trần Đình Long chắc còn xa mới bằng Khu đô thị Đại Quang Minh tại TP.HCM có liên quan tới ông Trần Bá Dương. Nhưng với ông Dương, sản xuất cơ khí - ô tô mới là niềm đam mê và tự hào. Điểm cần nói nửa là ngành cơ khí Việt Nam giờ đây  không chỉ có Thaco, TCMotor (đại bản doanh sản xuất tại Ninh Bình) là 2 nhà lắp ráp sản xuất ô tô Việt Nam trụ lại thị trường sau hơn 20 năm, mà còn có thêm Vinfast của ông Phạm Nhật Vượng. Đây là bộ ba hy vọng của ngành ô tô “made in Vietnam” hay để tế nhị hơn là “make in Vietnam”.

Chuyện kinh doanh của mỗi tỷ phú Việt là câu chuyện dài kỳ, có nhiều đánh giá trái chiều, nhưng chỉ để kể chi tiết và những quyết định thì chắc mỗi doanh nhân cần thêm nhiều cuốn sách hay tự truyện sau này. Lược qua để thấy, “tỷ phú Việt Nam làm giàu từ đất” là không đúng, có thể đó là những tỷ phú tiền Việt hoặc những tỷ phú tiền USD, nhưng chưa được công nhận. Còn để thế giới công nhận, nếu làm về đất cần phải làm rất lớn cỡ ông Phạm Nhật Vượng, còn không thì phải giỏi thêm những ngành khác.

Thấy cơ hội kiếm lời đủ lớn là làm thôi

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), nhớ lại các sách kinh điển về kinh tế đều chỉ khá rõ sự thịnh vượng của quốc gia đo bằng khả năng sản xuất ra của cải vật chất. Việt Nam không có các mỏ dầu khí tự nhiên lớn như Trung Đông, không phải là một quốc đảo nhỏ với một vài lợi thế, về rừng về thông thương chẳng hạn, đủ để nuôi tốt vài triệu người. Việt Nam là một nước lớn, với dân số gần 100 triệu người, không có những lợi thế tự nhiên để thịnh vượng, và con đường đó là phải đủ năng lực sản xuất của cải vật chất, có giá trị gia tăng cao.

Đất là nguồn tài nguyên hữu hạn và đáng kể nhất bên cạnh lực lượng lao động của Việt Nam, có những giai đoạn đầu tư vào đất, “xây những công trình, dựng những ước mơ” mang lại lợi nhuận rất lớn. Xây dựng cũng là chỉ tiêu được đo đếm trong GDP, nhưng nói như một chuyên gia kinh tế thì “nếu cả nước này đi buôn đất thì khủng hoảng rất gần”.

Các tỷ phú Việt Nam nói trên, một điểm rất chung hiện nay là hoạt động kinh doanh cốt lõi không chỉ là bất động sản, mà đã chuyển sang công nghệ - chế tạo - dịch vụ. Những lĩnh vực có không gian sinh tồn lớn hơn, quy mô toàn cầu và có thể tạo được đột phá tốt hơn. Nếu giả sử chữ Samsung được thay bằng Vinsmart, nếu Emirates được đổi bởi Vietjet, các sản phẩm Nestlé được thay thế bởi các sản phẩm của Masan… Khi đó, mỗi người Việt ra quốc tế có quyền tự hào rằng Việt Nam có nhiều thứ, trong túi xách, bếp ăn của nhiều người ở nhiều quốc gia.

Nói như thế không có nghĩa là bất động sản là xấu. Bất động sản nếu được làm tốt từ quy hoạch thì các đô thị lớn tại Việt Nam không “lem nhem, ô nhiễm và tắc đường” như hiện nay.

Trong một lần trao đổi với một trong 6 tỷ phú nêu trên của người viết bài này, vị này tâm sự rất thẳng thắn: “Trong mắt người kinh doanh thì chỉ có hợp pháp và bất hợp pháp, nếu thấy một lĩnh vực kinh doanh hợp pháp, có lợi nhuận tốt thì tại sao lại không làm, dù nó là ngân hàng, hàng không, thương mại điện tử hay bất động sản”.

Cũng theo vị này, các tỷ phú Việt Nam toàn thấy tiến sĩ hay cử nhân ngành “lạ hoắc” chả thấy dính gì đến nghề nghiệp đang làm cả, là một ví dụ rất rõ ràng về việc kinh doanh không có gì là kén chọn. “Tinh thần doanh nhân mới là quan trọng, tôi có biết một anh chủ ngân hàng vừa rồi cũng nhiều tin đồn lắm, anh sống khép kín hẳn, tôi thấy tiếc vì đây rõ ràng là doanh nhân giỏi nếu anh mất đi máu lửa kinh doanh thì rất phí”.

Câu chuyện ngắn để mạn đàm về các tỷ phú Việt Nam. Không ai dám dạy các tỷ phú kiếm tiền, nhưng một đất nước có nhiều tỷ phú, sản xuất nhiều của cải vật chất, và an sinh xã hội được đảm bảo là đích ngắn hạn. Sứ mệnh này được giao cho các doanh nhân, bất kể tư nhân hay sở hữu nhà nước. Không chỉ làm cho bản thân, mà lửa kinh doanh cần được nhân lên, lan rộng trong toàn xã hội.

Tài sản của các tỷ phú Việt Nam theo thống kê của Forbes (ngày 3/10/2019)

Ông Phạm Nhật Vượng: 8 tỷ USD (xếp hạng 201 thế giới)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: 2,6 tỷ USD (xếp hạng 941 thế giới)

Ông Trần Bá Dương và gia đình: 1,7 tỷ USD (xếp hạng 1.397 thế giới)

Ông Hồ Hùng Anh: 1,6 tỷ USD (xếp hạng 1.464 thế giới)

Ông Nguyễn Đăng Quang: 1,3 tỷ USD (xếp hạng 1.791 thế giới)

Tin bài liên quan