1. Lễ trao Giải thưởng Top 10 Sao Đỏ năm 1999 đậm... màu xanh lá. Tấm phông màn xanh và cả chiếc cúp cũng có logo xanh.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, một trong những nhân vật chính được vinh danh ngày hôm đó vẫn không quên được nỗi ám ảnh... màu xanh trong không khí hân hoan của giới doanh nhân trẻ.
“Đó là màu đại diện của nhà tài trợ, một việc rất bình thường trong việc tổ chức sự kiện. Nhưng chúng tôi tự hỏi này, tại sao lại để một thương hiệu ngoại tài trợ cho giải thưởng dành cho doanh nhân Việt. Chẳng lẽ Việt Nam không có thương hiệu, sản phẩm nào đủ sức làm việc này”, ông Hải kể lại cuộc nói chuyện gay cấn ngay sau đó giữa các Sao Đỏ và bên tổ chức là Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, tiền thân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bây giờ.
“Chúng tôi” mà ông Hải nhắc đến hồi đó đã trở thành những doanh nhân lớn không chỉ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mà của cả nền kinh tế. Đó là Sao Đỏ Cao Thị Ngọc Dung, Vũ Văn Tiền, Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Long, Lê Văn Thành... 20 năm trước, cho dù đã có những thay đổi đáng kể sau sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty vào những năm 1990-1991, nhưng sự kỳ thị của xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước về người kinh doanh, nhất là tư nhân, vẫn nặng nề, không đơn giản để có được quyết định vinh danh họ. Chưa kể, văn hóa truyền thống của người Việt vốn không quen với cách tôn vinh cá nhân.
Chính vì vậy, Lễ trao giải Top 10 Sao Đỏ năm 1999 với sự có mặt của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tạo nên một sự ngỡ ngàng và phấn khích cho không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Câu chuyện của Sao Đỏ Vũ Văn Tiền với Geleximco trong 3 ngày nộp ngân sách 1 tỷ đồng; chuyện nhập công nghệ của Ý, của Hàn Quốc để làm dép của ông Đỗ Long với Bitas, từ đó chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi hàng nhập ngoại... được lan truyền.
“Tôi vẫn nhớ nguyên văn câu nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ngày hôm đó: “Đất nước là con thuyền, các doanh nhân là những tay chèo và Đảng là người cầm lái. Một câu nói mang âm hưởng khẩu hiệu đó đã đọng lại trong chúng tôi nhiều suy nghĩ. Khi Đảng coi doanh ngiệp, doanh nhân là tay chèo, thì chắc chắn sẽ khuyến khích, định hướng để chúng tôi chèo cùng nhịp. Trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân là phải làm được những gì đất nước cần”, ông Hải chia sẻ.
2. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam luôn là người đầy nhiệt huyết với các câu chuyện của doanh nghiệp tư nhân Việt. Trong các lần nói chuyện với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam những năm trước, ông đều nhắc đi nhắc lại nỗi lo về việc thiếu một lực lượng doanh nghiệp Việt với những cấu trúc được tính toán. Ông cho rằng, nếu thiếu lực lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất khó cải thiện.
Về lý thuyết, lực lượng doanh nghiệp là một khái niệm khá thông thường, gồm sự có mặt của các tầng lớp doanh nghiệp quy mô khác nhau trong các mối ràng buộc có mục đích. Trong mô hình này, doanh nghiệp quy mô lớn sẽ giữ vai trò trụ cột, dẫn đầu các chuỗi giá trị, tạo thế đàn sếu, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở Việt Nam, mối liên kết này chưa có, thậm chí doanh nghiệp Việt bị coi như những củ khoai tây trong bọc...
Lần này, ông Thiên đã đổi chủ đề. “Tôi đã bắt đầu thấy những tia sáng lấp lánh khi nhìn vào chân dung của nhiều địa phương và của nền kinh tế. Các nét vẽ chính đang do các doanh nghiệp tư nhân lớn dựng lên”, ông Thiên hào hứng và kể về chuyến đi đến Chu Lai xem dây chuyền lắp ráp toàn robot tại Nhà máy Thaco Mazda của Sao Đỏ Trần Bá Dương; đến Bình Định, ở trong khu nghỉ dưỡng của FLC trên vùng cát trắng Quy Nhơn của Sao Đỏ Trịnh Văn Quyết.
“Tôi đã từng nói thẳng với các doanh nhân này, rằng chắc họ phải “điên rồ” lắm khi quyết định đổ tiền của, công sức, trí tuệ... vào những vùng đất vốn hoang vu và xa xôi với chính những người dân ở đó”, ông Thiên kể.
Điều đáng nói là các quyết định làm lớn của doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra môi trường để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, kéo theo sự đi lên của cả một vùng đất, một ngành nghề và cả nền kinh tế.
Các quyết định đầu tư lớn, bài bản của các doanh nghiệp tư nhân lớn đã đưa Chu Lai thành một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp Việt Nam, đưa Quy Nhơn thành điểm đến. Và Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh...cùng nhiều địa phương trên cả nước cũng đang thay đổi hàng ngày sau khi có sân bay Vân Đồn, có cáp treo của SunGroup, có nhà máy ô tô VinFast...
Tất nhiên, trong diện mạo mới của các địa phương có dấu ấn quyết định của các cấp chính quyền khi đặt doanh nghiệp lớn vào bài toán phát triển kinh tế - xã hội, thay vì thu hút đầu tư theo kiểu dàn hàng ngang.
Bức tranh phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực cũng đang có dấu ấn tương tự. Ví dụ như thép có Hòa Phát; giao thông có Đèo Cả; hàng không có Vietjet, FLC và tới đây có thể là VinGroup và Vietravel...
Mô hình đàn sếu với những con sếu đầu đàn vững vàng đang dần thành hình.
3. Đêm trước lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 diễn ra tối nay, (18/12) tại Hà Nội, một cuộc gặp gỡ “Diên hồng” giữa các thế hệ Sao Đỏ.
“Chúng tôi đang bàn về một Hà Nội mới, bên cạnh Hà Nội xưa; bàn về những dự án hạ tầng làm thay đổi bộ mặt giao thông Việt Nam... Một, hai doanh nghiệp có thể khó làm, nhưng nếu đi cùng với nhau, cùng mục tiêu, tầm nhìn, chúng tôi tin là có thể làm được. Đã đến lúc kinh doanh là đi cùng nhau để đi xa, để làm được những công trình, dự án mà đất nước đang cần”, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tiết lộ. Tinh thần vì khát vọng vươn cao, khát vọng thịnh vượng của nền kinh tế đang cháy trong từng doanh nhân, đang lan tỏa mạnh mẽ...
Đây không phải lần đầu, Câu lạc bộ Sao Đỏ bàn tới việc này. Buổi ra mắt Ban Chấp hành mới của Câu lạc bộ hồi tháng 8/2019 cũng đã bàn tới trách nhiệm của Sao Đỏ trong tìm kiếm giải pháp phát triển cho nền kinh tế, thay vì tư duy tìm kiếm dự án đơn thuần. Các doanh nhân Sao Đỏ đã nhìn thấy rào cản lớn từ cách chơi cạnh tranh trực diện, tư duy tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, thấy cần phải thay đổi, không thể muộn hơn.
Tất nhiên, rủi ro từ sự thay đổi tư duy này là có và không hề nhỏ. Ông Thiên khi nói về tư duy chọn cuộc chơi mới của các doanh nghiệp lớn cũng đã thừa nhận điều này. Vì về bản chất, chỉ có môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, cơ chế chính sách rõ ràng, thống nhất mới tạo cơ hội để các quyết định bắt tay được thực hiện. Trong môi trường này, doanh nghiệp nào làm tốt sẽ được hưởng lợi, được tạo điều kiện là tốt hơn, năng lực cạnh tranh nâng cao hơn...
“Tôi nghĩ họ xứng đáng được tôn vinh, bảo vệ vì sự dám làm, dám chịu của họ. Chúng ta đã từng kỳ vọng vào doanh nghiệp nhà nước tạo nên những trụ cột, nhưng rồi không thành công bởi nhiều lý do. Điều đáng nói là các quyết định làm lớn của doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra môi trường để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, kéo theo sự đi lên của cả một vùng đất, một ngành nghề và cả nền kinh tế”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Thiên muốn gửi tất cả tâm tư này tới các nhà hoạch định chính sách, các cấp chính quyền địa phương. Khi có niềm tin, sẽ không có gì ngăn cản sức sáng tạo, khát vọng, thậm chí cả những ý tưởng tưởng như điên rồ của doanh nhân.