Năm 1990, khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, thuật ngữ “doanh nghiệp” với ý nghĩa là đơn vị kinh doanh mới chính thức xuất hiện. Trước đó, năm 1988, Nghị định 50-HĐBT về ban hành Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh vẫn gọi đơn vị kinh tế là “xí nghiệp” chứ chưa hề có thuật ngữ “doanh nghiệp”.
Cái nghề (nghiệp) kinh doanh thì gọi là doanh nghiệp, chắc người đặt ra có ý như vậy. Gọi doanh nghiệp thì tương ứng có doanh nhân là ý muốn ghép người (nhân) với kinh doanh.
Từ ngày 13/10/2004, Việt Nam chính thức có Ngày Doanh nhân.
Nhưng từ đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã có những doanh nhân – nhà kinh doanh tiếng tăm. Đó là cụ vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi, cụ tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà, cụ vải sợi Trịnh Văn Bô, cụ xà bông Trương Văn Bền... Nhưng hồi lâu, các cụ trước được gọi là thương nhân, sau một hồi nhọc nhằn, thương nhân lại thành doanh nhân.
Giờ thì có có đủ loại hình doanh nghiệp, phân chia theo thành phần kinh tế. Doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp vốn ngoài nhà nước, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng cũng xuất hiện nhiều doanh nhân theo các lớp nghĩa khác nhau của từ này.
Trừ doanh nghiệp tư nhân do chính chủ tư nhân điều hành, còn các doanh nghiệp khác thì những người điều hành đều là những người làm thuê. Liệu những người điều hành này có phải là doanh nhân hay những người bỏ tiền ra thuê họ mới là doanh nhân?
Trong nhiều trường hợp, vai trò của người điều hành đóng góp lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp, thì cả chủ doanh nghiệp và người điều hành sẽ cũng là doanh nhân.
Sao có thể nói vậy? Trong bối cảnh hiện nay, có những người điều hành doanh nghiệp không bỏ một chút vốn nào vào doanh nghiệp, nhưng vai trò của họ không nhỏ.
Doanh nghiệp như những con tàu lớn nhỏ trên đại dương, có vững vàng trước các cơn sóng lớn hay không, có đi đến đích hay không phụ thuộc vào tài năng cầm lái của người thuyền trưởng. Số phận của họ gắn với con tàu.
Về bản chất, những người điều hành doanh nghiệp như trên một phần cũng như những người thành lập doanh nghiệp. Họ bỏ vốn đầu tư, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, có thể thành, có thể trở thành những người giàu có, nhưng cũng không ít người tán gia bại sản. Số phận của họ cũng gắn với doanh nghiệp.
Sự thành công và cả sinh mệnh của doanh nhân phụ thuộc vào thị trường, vào tài năng kinh doanh của chính họ. Đó là đương nhiên, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách, môi trường pháp luật và cả sự nhìn nhận của cộng đồng xã hội.
Chỉ cần nhìn vào chỉ số minh bạch và liêm chính của môi trường kinh doanh, sẽ biết các ông chủ doanh nghiệp, những người điều hành có yên tâm làm ăn, có tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hay không; có sẵn sàng dốc sức lực, trí tuệ để trở thành những người giàu nhất, phát triển doanh nghiệp thành những thương hiệu có giá trị, có tầm ảnh hưởng... hay chọn cách đánh quả nhanh, rút lui chóng; chọn kinh doanh bằng quan hệ, bằng xin - cho...
Chỉ cần nhìn vào thái độ của người dân với doanh nghiệp lớn, với những doanh nhân giàu có, sẽ biết vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân tử tế, liêm chính ở đâu trong sự phát triển.
Thể chế nào, doanh nhân đó, văn hóa kinh doanh cũng nương theo đó!
Sau hơn 30 năm thừa nhận hoạt động kinh doanh của mọi thành phần kinh tế bằng các văn bản pháp luật có tính lịch sử, sau 16 năm, giới doanh nhân Việt Nam được tôn vinh bằng một ngày kỷ niệm, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục.
Nhưng câu hỏi là, trong bối cảnh hiện nay, những người dấn thân trên thương trường liệu có tiếp nối được tinh thần các thế hệ thương nhân Việt Nam đã hun đúc, có được từ một thế kỷ trước hay không. Câu trả lời đang ở phía trước, khi nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang dong thuyền ra biển lớn.