Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức “Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN”, cùng nhau kết nối và thúc đẩy tăng trưởng
Nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp Việt
Tập đoàn An Phát Holdings (APH) và ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Tập đoàn đã vinh dự nhận được giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc và Doanh nhân xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 thuộc hệ thống giải thưởng Asia Pacific Enterprise Awards (APEA). Tập đoàn An Phát Holdings vinh dự là doanh nghiệp ngành Nhựa đầu tiên tại Việt Nam nhận giải "Doanh nghiệp xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương" cho hạng mục doanh nghiệp ngành Nhựa - Hóa chất.
Giải thưởng APEA do Enterprise Asia tổ chức được đánh giá là giải thưởng có uy tín hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. APEA đã được tổ chức thường niên tại nhiều quốc gia lớn như: Hong Kong, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xuất sắc trong khu vực.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ: “Giải thưởng này không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi mà còn là lời nhắc nhở rằng tôi cần phải cố gắng hơn nữa vì niềm đam mê với công việc kinh doanh của mình, vì trách nhiệm với xã hội”.
Hội đồng tư vấn quốc tế của Enterprise Asia đánh giá cao những thành tích trong hoạt động vận hành và chỉ số phát triển về mọi mặt của Tập đoàn An Phát Holdings trong thời gian vừa qua. Từ một doanh nghiệp nhỏ, đến thời điểm hiện tại APH đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu bao bì màng mỏng số 1 Đông Nam Á và đang trên đường trở thành Tập đoàn Nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á, sở hữu mạng lưới khách hàng rộng lớn tại gần 70 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
Bee Logistics cũng vừa trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được trao tặng giải thưởng Hội nhập trong hệ thống Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN nhân Tuần lễ cấp cao ASEAN.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics cho biết, ngay từ khi thành lập Bee Logistics, ông và các cộng sự đã có khát vọng xây dựng doanh nghiệp toàn cầu và những gì Công ty đạt được sau 15 năm hoạt động đã chứng tỏ, có khát vọng lớn sẽ chinh phục được những mục tiêu xa. Hiện Bee Logistics đã đầu tư tại thị trường Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và thiết lập đại diện tại Australia.
Khó khăn khi thâm nhập thị trường nước ngoài thì rất nhiều, nhưng CEO Bee nhấn mạnh một điều “muốn làm được, phải có hoài bão, niềm khát khao xây dựng thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài. Nói cách khác là phải có tinh thần doanh nhân Việt Nam và niềm tin người Việt có thể làm được”.
Việc tiếp cận thị trường thế giới của Bee rất thận trọng, từng bước một và phù hợp với điều kiện phát triển của Công ty. Các đối tác đều được thẩm định, lựa chọn rất kỹ càng. Hiệp định RCEP và nhiều FTA được ký kết, theo đánh giá của CEO, sẽ chắp cánh cho việc giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới, các thủ tục đầu tư và bảo hộ đầu tư được coi trọng hơn.
Điều đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tự tin để xây dựng kế hoạch tiến ra nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng năng lực cốt lõi để cạnh tranh tại Việt Nam và vươn ra thế giới, tầm nhìn của doanh nghiệp sẽ không còn bó hẹp ở thị trường trong nước, mà là tầm nhìn khu vực và toàn cầu.
“Với Bee Logistics, các FTA đem lại cả cơ hội và thách thức nhưng chúng tôi tự tin, chúng tôi như được chắp thêm cánh để hoàn thành tầm nhìn là một công ty toàn cầu cung cấp dịch vụ logistics trong tương lai”, ông Thạnh nói.
Tinh thần tích cực, khát vọng lớn của người lãnh đạo Bee Logistics đã truyền lửa cho đội ngũ. Ông Thạnh đã thành công khi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tin tưởng, cần mẫn, sẻ chia, học hỏi, cải tiến, sáng tạo không ngừng. Và với nền tảng văn hóa đó, kỳ vọng Bee Logistics sẽ còn tiến xa.
Trong khối ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao với tham vọng vươn ra khu vực và thế giới thông qua các chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh và chi nhánh tại các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Làm sao để xây dựng hệ sinh thái lên minh trong cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN là vấn đề được đông đảo doanh nghiệp quan tâm |
Cùng nhau sáng tạo, bứt phá
Nhằm góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn về một ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức “Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN” theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam và trực tuyến với các Hội Doanh nhân trẻ ASEAN.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết Chính phủ các nước ASEAN đang thúc đẩy phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, doanh nhân trẻ chính là lực lượng chủ chốt. “Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN 2020” chính là cơ hội để doanh nhân trẻ các nước ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, phát huy tính sáng tạo cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các sáng kiến, tăng cường sự liên minh, hợp tác trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại vì một Cộng đồng ASEAN ngày một phát triển và thịnh vượng.
“Doanh nghiệp được đặt vào trung tâm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng; đẩy mạnh, kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Để đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí xem xét, thiết lập hành lang ASEAN", ông Bình nói.
Theo Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự sáng tạo của doanh nhân trẻ khu vực ASEAN trong hiện thực hóa tầm nhìn về một ASEAN "Gắn kết và chủ động thích ứng". Diễn đàn xoay quanh hai nội dung chính "Hệ sinh thái và liên minh trong doanh nhân trẻ ASEAN" và "Hành trình tới tương lai số", với mục đích hướng tới một cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN cùng chia sẻ, đưa ra sáng kiến thiết thực, tạo sự kết nối cùng phát triển trong một thế giới số đang có nhiều cơ hội, thách thức.
Làm sao để xây dựng hệ sinh thái lên minh trong cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN là vấn đề được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Ông Mohit Mehrotra, chuyên gia Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trẻ ASEAN phải tận dụng được hiệu quả mạng lưới, hệ sinh thái ASEAN và từ đó tạo ra nền tảng sản phẩm, xây dựng thị trường, kết nối các công ty cùng nền tảng.
Các công ty thành công được là tận dụng mọi cơ hội, nâng cao năng lực để phục hồi và thay đổi bứt phá. Các hệ sinh thái tiêu dùng, kết nối là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng tốt như mảng ăn uống, giao thông đi lại, y tế, ngân hàng, giải trí, trường học và đặc biệt là phát triển công nghệ 5G.
Bên cạnh đó, Việt Nam nói riêng và một số nước ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 và thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến môi trường kinh doanh, mà còn làm tổn thất tài sản đã tích lũy trong nhiều năm của doanh nghiệp. Tình trạng khó khăn này đã thức tỉnh nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN về nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh doanh thông minh, thích ứng tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm gia nhập, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thúc đẩy ASEAN vươn lên mạnh mẽ, phát triển bền vững có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nhân ASEAN.