Doanh nhân Trần Quí Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát: Không bao giờ bỏ cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tổng giám đốc Trần Quí Thanh chia sẻ, quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc đã giúp Tập đoàn có được sự phát triển sâu rộng như ngày nay. 
Ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Hành trình 28 năm phát triển của Tân Hiệp Phát trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng ghi nhiều dấu ấn là những câu chuyện đầy cảm hứng. Đâu là những cột mốc và câu chuyện mà ông nhớ và trân trọng nhất?

Quên hết rồi.

Tại sao ngay từ ngày đầu thành lập, ông đã có tầm nhìn đưa Tân Hiệp Phát trở thành doanh nghiệp Top 5 châu Á? Ông đã mường tượng nghịch cảnh nào mình sẽ phải vượt qua và điều gì giúp ông vượt qua được khi thực tế xảy ra?

Với tham vọng xây dựng thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu quốc gia nên tôi muốn đặt mục tiêu tầm nhìn châu Á. Tuy nhiên, đặt mục tiêu lớn cũng như đi ra biển nên phải tiên liệu trước lúc nào cũng phải đối diện nhiều nghịch cảnh. Điều giúp chúng tôi vượt qua là quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, đương đầu với nghịch cảnh để chiến đấu, để chiến thắng.

Doanh nghiệp Việt Nam bước ra toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia gặp phải những áp lực và rào cản nào?

Doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra toàn cầu đương đầu với các tập đoàn đa quốc gia phải chuẩn bị 3 yếu tố.

Thứ nhất là chuẩn bị quản trị theo phong cách toàn cầu, không phải theo phong cách gia đình. Tại vì chúng ta buôn bán xuyên quốc gia nên phải uỷ quyền nhiều.

Thứ hai là buôn bán tại nhiều quốc gia khác nhau, thị trường khác nhau nên chuyện thoả mãn người tiêu dùng với khẩu vị, tiêu chí, mong muốn khác nhau thì không dễ.

Thứ ba, việc phân phối là không đơn giản, bởi vì những đặc tính thị trường khác nhau. Ví dụ, một số quốc gia lớn thì thị trường không có cửa hàng nhỏ mà đi vào hệ thống siêu thị, nên cách mua bán khác nhau. Với siêu thị thì doanh nghiệp phải có quan hệ tốt, vì không phải lúc nào cũng ủng hộ doanh nghiệp.

Ở nhiều tập đoàn, cái “bóng” của nhà sáng lập quá lớn, vậy ở Tân Hiệp Phát thì sao? Ông đã làm gì để tạo động lực cho đội ngũ sáng tạo mà vẫn theo đường ray của cả con tàu Tân Hiệp Phát?

Để đội ngũ sáng tạo thì phải động viên, khuyến khích, cho họ được quyền suy nghĩ, phát biểu. Chúng tôi không hạn chế việc suy nghĩ của họ bằng mệnh lệnh, mà dẫn dắt họ bằng câu hỏi, để họ tự giải đáp.

Thế hệ kế cận ở Tân Hiệp Phát được chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng thế nào? Theo ông, đội ngũ kế cận ấy cần có thêm yếu tố gì?

Tôi thấy cần thêm thì rất nhiều yếu tố, việc đầu tiên là dám suy nghĩ, dám đặt mục tiêu lớn, dám mạo hiểm. Đồng thời, tôi rèn luyện kỹ năng quản trị cao hơn, độc lập hơn, hạn chế chuyện giúp người khác mà phải từ nền tảng, từ định nghĩa để tự mình phát triển, có tư duy logic, độc lập.

Quan điểm của ông về quản trị doanh nghiệp thế nào? Yếu tố nào giúp tổ chức vững mạnh?

Quản trị doanh nghiệp là chúng ta phải kiểm soát định hướng doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ. Tất cả doanh nghiệp phải tập trung vào trung tâm của quản trị là phục vụ người tiêu dùng, nâng cao dịch vụ phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng hệ thống quy trình chính xác, rõ ràng, đầy đủ sức cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực để xây dựng đội ngũ kế thừa.

Xây dựng thương hiệu là bài toán khó. Tập trung sản xuất trong giai đoạn cả thị trường đi làm bất động sản, con gái ông cũng tham gia mảng này, ông thấy sao?

Kinh doanh là trò chơi quản lý rủi ro, vấn đề quan trọng là có nhìn thấy cơ hội hay không, nhìn thấy cơ hội thì sẽ nhìn thấy rủi ro, nếu quản lý rủi ro được thì tại sao không tham gia.

Tân Hiệp Phát đã triển khai và đẩy mạnh theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ông có thể chia sẻ thêm góc nhìn làm sao để mục tiêu này khả thi trong bối cảnh hiện tại?

Trong bất kỳ giai đoạn nào thì phần nguyên liệu vẫn là quan trọng. Trong khi kinh tế tuần hoàn mong muốn làm thế nào để vật liệu không bị huỷ diệt, thì phải chuyển từ dạng này sang dạng khác để môi trường bền vững. Chúng tôi nghĩ, trong giai đoạn này có một số ngành cần phải tập trung để làm kinh tế tuần hoàn vì tính huỷ diệt chậm, còn những sản phẩm có tính huỷ diệt nhanh, dễ tuần hoàn như giấy… thì người ta làm kinh tế tuần hoàn lâu rồi.

Với một số ngành đòi hỏi công nghệ cao như nhựa, sản phẩm ngày càng nhiều, tính hữu ích cho người dùng ngày càng cao nên gặp khó khăn trong quy trình tuần hoàn. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Nhà nước và nhà sản xuất, chúng ta cũng phải đầu tư để làm kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trườngn

Điều ông mong muốn lúc này là gì?

Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức nên mong sao Nhà nước ổn định đặc biệt là các chi phí tài chính như ổn định lãi suất ngân hàng, lạm phát thấp, các doanh nghiệp cùng nhau đẩy mạnh GDP, cùng nhau phát triển.

Tin bài liên quan