Doanh nhân Trần Hoàng Thái, Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty cổ phần Dewoo.
“Tất tay” khởi nghiệp
Mới hơn 30 tuổi, Trần Hoàng Thái, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dewoo đã sở hữu những danh hiệu đáng nể trong giới doanh nhân. Thành tích của chàng trai này khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi ở miền Trung, không nhiều doanh nhân thế hệ 9x có thể làm được điều tương tự.
“Mình đã thất bại không biết bao nhiêu lần. Tưởng như không thể gượng dậy”, Trần Hoàng Thái cười hiền, khi bắt đầu câu chuyện về hành trình khởi nghiệp.
Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo, cánh cửa sự nghiệp rộng mở, khi Thái nhận được nhiều lời đề nghị làm việc trong nước và cả ở nước ngoài, với mức lương mơ ước của nhiều người. Ở miền quê Hà Tĩnh, bố mẹ mừng vui với những nấc thang sự nghiệp đầu tiên của con trai. Nhưng sau một năm, Thái quyết định nghỉ việc để theo đuổi giấc mơ “khởi nghiệp”.
Không vốn, không quan hệ, không kinh nghiệm; động lực duy nhất để chàng trai vừa rời giảng đường đại học bước chân vào con đường sản xuất, kinh doanh là niềm đam mê khởi nghiệp. Hẳn nhiên, với gia đình, đó là ý tưởng điên rồ.
“Tôi băn khoăn giữa ở lại Việt Nam lập nghiệp hay là đi nước ngoài để học hỏi và tích luỹ về tài chính. Đó là lựa chọn khó khăn. Nhưng rồi, tôi quyết định khởi nghiệp tại Đà Nẵng với ngành cửa nhựa giả gỗ uPVC. Quan trọng hơn, tôi thích được trải nghiệm. Tuổi trẻ mà không được trải nghiệm với đam mê và những điều mới mẻ, thì sẽ rất uổng phí”, Thái nhớ lại lúc bắt đầu.
Năm 2013, Trần Hoàng Thái đoạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) với đề tài Chế tạo thiết bị máy móc sản xuất ngành nhựa. Từ nghiên cứu này và nhìn thấy tiềm năng của những vật liệu trong tương lai sẽ thay thế gỗ tự nhiên, cuối năm 2014, Thái bắt đầu khởi sự kinh doanh trong ngành cửa nhựa giả gỗ uPVC, với niềm tin về một ngành sản xuất mới nhiều tiềm năng, triển vọng.
“Nếu không thành công, mình sẽ quay trở lại đi làm thuê”, nghĩ giản đơn thế, nên Trần Hoàng Thái quyết định “tất tay”.
Ngoài 30 triệu đồng tích góp được, gia đình vay mượn thêm cho Thái gần 100 triệu đồng để mở cơ sở kinh doanh, sản xuất cửa nhựa giả gỗ uPVC tại Đà Nẵng. Ở vùng quê nghèo khó, đó là số vốn quá lớn, để đầu tư vào một ý tưởng khởi nghiệp.
“Tuần trăng mật” sớm qua. Khi vẫn còn mơ màng với các hoạch định kinh doanh, thì Trần Hoàng Thái bị thực tế thương trường dội một “gáo nước lạnh”. Cửa nhựa giả gỗ là sản phẩm rất mới ở thị trường Đà Nẵng, rất hiếm người tiêu dùng lựa chọn; cùng với việc chưa có kinh nghiệm và khách hàng, việc kinh doanh của anh rơi vào bế tắc.
Trong 8 tháng đầu tiên, cơ sở sản xuất của Thái lỗ liên tục, số vốn tích góp ít ỏi chưa làm được gì đã mất sạch.
“Đó là giai đoạn rất khó khăn. Tôi đã làm việc liên tục ngày đêm, nhưng không có thu nhập. Nhiều lúc nghĩ không thể vượt qua”, Thái trải lòng.
Chơi vơi, Trần Hoàng Thái trở lại căn gác nhỏ để suy nghĩ về nguyên nhân thất bại, tìm đọc những cuốn sách thay đổi tư duy và quan trọng hơn là nghĩ đến lý do để bắt đầu.
“Kinh doanh chưa thành công, nhưng đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Đó là lý do tôi đã bắt đầu kinh doanh. Thất bại cũng là một vốn liếng. Vì vậy, không thể bỏ cuộc khi khó khăn chỉ mới bắt đầu”, Thái kiên trì vượt khó.
Thành công hôm nay là quá khứ của ngày mai
Niềm tin và sự kiên trì đã giúp Trần Hoàng Thái vượt qua khởi đầu gian khó, khi sau gần 1 năm, những đồng lợi nhuận đầu tiên xuất hiện.
Cuối năm 2015, Thái thành lập Công ty TNHH MTV Nhựa gỗ LX Việt Nam và bắt đầu phát triển thương mại thêm dòng cửa gỗ nhựa composite cho một đối tác từ Đài Loan. Tuy nhiên, giống như chiếc tàu đi trong sương mù, bến bờ thành công cứ xuất hiện rồi lại tan biến, chuyện kinh doanh của Thái hết gặp rắc rối này, lại đến trở ngại khác.
Tôi vẫn đang tiếp tục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung chuyên sâu vào sản xuất, nghiên cứu để có thể sản xuất những sản phẩm mới.
Khi Công ty đang dần có chỗ đứng trên thị trường, thì Thái và người cộng sự lại xuất hiện khác biệt về định hướng phát triển. Thái muốn Công ty đi xa hơn, người cộng sự lại muốn tập trung vào mục tiêu kiếm tiền. Sự hợp tác vì thế tan vỡ.
Một lần nữa phải gây dựng lại từ đầu, nhưng tâm thế của Trần Hoàng Thái lần này đã khác: không còn là một sinh viên mơ mộng khởi nghiệp nữa, mà đã là một doanh nhân trẻ kinh nghiệm, bản lĩnh hơn, gây dựng được niềm tin ở khách hàng, chú trọng nghiên cứu để làm chủ công nghệ về cửa gỗ nhựa composite.
Năm 2017, Thái đã kêu gọi góp vốn cùng 2 người, vừa là bạn, vừa là khách hàng, thành lập Công ty cổ phần Dewoo, xây dựng Nhà máy Sản xuất cửa gỗ nhựa Composite Dewoo tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Năm 2018, Công ty phát triển thêm ngành sản xuất nội thất.
Nhưng, ngay khi Công ty đạt doanh thu, lợi nhuận tốt từ mảng thiết kế, thi công nội thất, thì Thái lại bất ngờ quyết định chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực mới - gỗ MDF phủ melamine.
“Ý tưởng này xuất hiện khi tôi ngồi trước một cái bàn làm bằng gỗ MDF phủ melamine, rồi tự hỏi, bằng cách nào chúng được tạo ra? Nghĩ thế, nên tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, rồi bay sang Thái Lan, Trung Quốc tìm hiểu mấy tháng ròng về ngành này. Sau đó, tôi quyết định xây dựng thêm nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất đầu tiên để chủ động trong sản xuất, thiết kế sản phẩm để tạo nên 2 lĩnh vực kinh doanh chính của Dewoo là cửa gỗ nhựa composite Dewoo và gỗ MDF phủ melamine thương hiệu ACC panel. Hai mảng này đều đạt tăng trưởng, doanh thu tốt”, Thái kể.
Kinh doanh phát triển, muốn mở rộng quy mô sản xuất, nên đến cuối năm 2020, Thái đầu tư xây dựng mới nhà máy, với quy mô hơn 10.000 m2 tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam). Năm 2020, Công ty cổ phần Dewoo đạt doanh thu gần 80 tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù mới đầu tư mở rộng tại Quảng Nam, gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của Công ty vẫn đạt trên 150 tỷ đồng. Năm 2022, con số này là trên 300 tỷ đồng…
Hiện tại, Công ty Dewoo đã có trên 300 đại lý ngành cửa và gỗ MDF tại các thị trường miền Trung - Tây Nguyên, có cả đại lý ở Lào, Campuchia. Sản phẩm của Dewoo chiếm hơn 80% thị phần ở thị trường miền Trung. Công ty đã và đang tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động…
Những thành công đó đã giúp CEO Trần Hoàng Thái trở thành doanh nhân thế hệ 9x duy nhất của khu vực Nam Trung Bộ được xướng tên trong “Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021” , Top 60 Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Từ số vốn ít ỏi ban đầu, Trần Hoàng Thái đã gây dựng nên một doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng - một thành tích đáng nể đối với doanh nhân trẻ.
Dẫu thế, chàng trai này lại có định nghĩa khác về thành công, theo nghĩa: thành công không chỉ được đo đếm bằng quy mô công ty hay lợi nhuận kiếm được.
“Nếu chỉ muốn kiếm tiền, thì chắc tôi đã không thể vượt qua được những ngày tháng khó khăn. Thành công hôm nay là quá khứ của ngày mai. Vậy nên, tôi vẫn đang tiếp tục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung chuyên sâu vào sản xuất, nghiên cứu để có thể sản xuất những sản phẩm mới”, Thái chia sẻ.
Điều Thái muốn hướng đến là mang lại những giá trị thực tiễn, thông qua các sản phẩm bảo vệ môi trường xanh; mang lại sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chỉ khi doanh nghiệp có những con người tốt, sản xuất được sản phẩm chất lượng, thì mới tạo được giá trị cốt lõi để phát triển bền vững.
Không bằng lòng với thành quả đạt được, CEO Trần Hoàng Thái vẫn tiếp tục khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, để tạo nên những sản phẩm mới có giá trị cao, tạo ra thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động.
Nhiệt huyết, quyết tâm cống hiến của những doanh nhân trẻ như Trần Hoàng Thái sẽ vun đắp phồn vinh cho đất nước.