Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco: Chinh phục biển lớn

0:00 / 0:00
0:00
Trăn trở với sản xuất công nghiệp bài bản, không ngại thách thức, mong muốn làm được mô hình lớn để cạnh tranh tầm khu vực và thế giới là những điều mà doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) luôn đau đáu.
Ngày 27/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến tham quan, làm việc tại khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Ngày 27/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến tham quan, làm việc tại khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Căn cơ, bài bản

Tháng 3/2022, sau khi dành cả tiếng đồng hồ ngồi xe điện đi thăm khoảng 50% cơ sở sản xuất của Thaco tại Chu Lai, vào hội trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất vui vẻ cho biết: “Hôm nay được anh Dương chiêu đãi một bữa tham quan mãn nhãn”.

Là người quan tâm và mong muốn sản xuất công nghiệp trong nước phát triển để có được sự chủ động, Thủ tướng Chính phủ đã rất vui khi đi thăm một cơ sở công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo được đầu tư bài bản bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Nhà xưởng bề thế, khuôn viên sạch sẽ, cây cối xanh mát, gọn gàng, đường sá rộng rãi, kết nối thuận tiện; bên trong là các dây chuyền sản xuất hiện đại, gọn gàng; người lao động làm việc với không khí khẩn trương, nhộn nhịp.

Đó là thành quả của 20 năm đầu tư vào sản xuất công nghiệp của doanh nhân Trần Bá Dương tại Chu Lai, khi quyết định chọn nơi đây để khởi nghiệp với ngành cơ khí và ô tô cùng khát vọng lớn mạnh.

Vị “thuyền trưởng” của Thaco từng chia sẻ: “Nếu chỉ nghĩ cho bản thân, cho gia đình, thì tôi không cần phải đi xa, vất vả như vậy. Cơ sở sản xuất xe ở Đồng Nai cũng đủ. Quyết định ra Chu Lai là bởi khát khao và mong muốn làm được điều gì đó lớn lao hơn”.

Bây giờ, từ TP.HCM di chuyển tới Chu Lai rất thuận tiện, kể cả bằng đường hàng không lẫn đường bộ. Cũng nhờ số hóa, Internet phát triển mạnh, mà khoảng cách không còn là vấn đề. Nhưng 20 năm trước, quyết định cùng ông Dương ra Chu Lai gây dựng cơ ngơi, nhiều cộng sự ở TP.HCM, Đồng Nai đã âm thầm chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi về tinh thần khi phải xa gia đình. Dù vậy, họ luôn đặt niềm tin nơi người thuyền trưởng với tầm nhìn rất xa lẫn khả năng biến mong ước thành hiện thực, tạo dựng được vị thế cho Thaco.

Nhiều người đến Chu Lai bây giờ đã không khỏi bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy những dãy nhà máy, cơ sở khang trang, ngăn nắp không kém gì các cơ sở sản xuất công nghiệp của nhiều tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới.

Chu Lai - từ vùng đất chỉ có cát trắng, giờ đã có cả loạt nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của nhiều thương hiệu nước ngoài như KIA, Mazda, Peugeot, Mitsubishi Fuso hay xe bus Mercedes-Benz cùng thương hiệu của chính Thaco là Thaco tải, Thaco bus.

Toàn cảnh Nhà máy Thaco tại Chu Lai (Quảng Nam).
Toàn cảnh Nhà máy Thaco tại Chu Lai (Quảng Nam).

Cũng để khẳng định vị thế của Thaco trong chuỗi giá trị ngành ô tô nói chung và đưa công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển, ông Dương không ngừng trăn trở, suy nghĩ phương án đẩy mạnh các ngành phụ trợ.

Ngoài Thaco Auto đang đảm trách hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô của các nhãn hàng trên, Thaco Industries đã được thành lập nhằm đáp ứng xu hướng dịch chuyển đầu tư chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.

Tổ hợp 19 nhà máy sản xuất cơ khí và linh kiện phụ tùng, Trung tâm R&D và Trung tâm Thử nghiệm tại Chu Lai đã giúp cho giá trị nội địa hóa tại Việt Nam của các loại xe mà Thaco lắp ráp đạt tới 22 - 40% ở xe du lịch; trên 45% ở xe tải và trên 60% cho xe bus Thaco.

Sự nỗ lực và bài bản của Thaco với khả năng đáp ứng nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã mở ra những đơn hàng cung cấp chi tiết, linh kiện, phụ tùng cho Toyota, Hyundai, Isuzu hay xe máy Piaggio tại Việt Nam.

Đồng thời, Thaco cũng đang cung cấp nhiều chi tiết cơ khí chế tạo cho các doanh nghiệp FDI như GE, Doosan, Makitech…

Với thị trường xuất khẩu, ngoài những đơn hàng linh kiện, phụ tùng, của ô tô, thậm chí là cả xe KIA nguyên chiếc cho một số thị trường trong khu vực, danh tiếng chế tạo của Thaco đã bay tới Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đơn hàng cung cấp hơn 40.000 sơ-mi rơ-moóc có giá trị 565 triệu USD trong 2 năm 2022 - 2023 cho PITTS Enterprises tại Mỹ đầy ấn tượng, Thaco cũng nhận được nhiều đơn hàng gia công chế tạo cơ khí đến từ Hàn Quốc, Australia...

Công sức bao năm bền bỉ đầu tư bài bản vào lĩnh vực cơ khí chế tạo cùng những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức bởi tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới qua các giai đoạn 2008 - 2009, 2012 - 2013 hay năm 2018 mở rộng cánh cửa với khu vực ASEAN giờ đây đã được đền đáp bằng những trái ngọt.

Đã có thêm những đơn hàng chế tạo thiết bị dây chuyền từ châu Âu đến với Thaco gần đây.

“Trước đây, khách hàng đặt ở Trung Quốc, nhưng giờ họ đã chuyển sang đặt ở Việt Nam. Năm nay, chúng tôi mới làm thí điểm vài chục dây chuyền, nhưng sang năm, số lượng sẽ lớn hơn”, ông Dương phấn khởi chia sẻ.

Vươn tầm khu vực

Ngày 12/10/2022, siêu thị Emart tại THISO mall đặt ở khu đô thị Sala (Thủ Thiêm, TP.HCM) bước vào giai đoạn hoạt động demo.

Trước đó đúng một năm, Thaco đã công bố hoàn tất việc nhận chuyển nhượng hoạt động kinh doanh của đại siêu thị Emart tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp gần đây với các đối tác chiến lược của THISO Retail - nhánh kinh doanh dịch vụ của Thaco Group, ông Dương đã cam kết đưa Emart Việt Nam trở thành hệ thống siêu thị hàng đầu, thể hiện được những giá trị tinh hoa của Emart tại Hàn Quốc và trên toàn cầu.

Theo kế hoạch này, vào năm 2026, doanh thu của hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD cùng sự hiện diện của 20 đại siêu thị trên toàn quốc, bắt đầu từ các thị trường đông dân cư.

Một mảng quan trọng khác được ông Dương dồn sức và thu hút được sự dõi theo của nhiều người chính là nông nghiệp.

Thagrico (do Thaco sở hữu 100% vốn) đang quản lý/sở hữu hơn 48.000 ha đất tại Việt Nam, Campuchia, đồng thời điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất trên diện tích hơn 36.000 ha của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia.

Tiến vào những lĩnh vực mới hoàn toàn như dịch vụ - bán lẻ hay nông nghiệp, hành trang mà Thaco mang theo chính là kinh nghiệm thực tế có được từ việc quản lý, quản trị sản xuất công nghiệp quy mô lớn trong 20 năm qua, cùng sự hiểu biết đa dạng và sâu rộng về các đối tác, khách hàng.

Bởi vậy, cách làm của Thaco cũng không giống nhiều doanh nghiệp nông nghiệp có thâm niên lâu năm trong ngành.

“Tôi chọn nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn để sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong lâu dài”, ông Dương chia sẻ.

Chủ tịch Thaco cho biết, chỉ sợ không có hàng để bán, chứ cả trăm container chuối hay hoa quả khi được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của những thị trường nhập khẩu không xa Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2021, riêng mảng nông nghiệp với xuất khẩu chuối và hoa quả đã mang lại cho Thaco hơn 200 triệu USD.

Con số chắc chắn không dừng lại ở đó, khi những nông trại quy mô lên tới 20.000 ha được ông Dương chấp nhận làm mới lại từ đầu một cách bài bản, để nông nghiệp bước lên một nấc thang mới về nền tảng, tạo ra giá trị cao hơn, thay vì tận dụng những thứ đã có sẵn nhưng chưa hợp mắt người làm sản xuất công nghiệp quy mô lớn chuẩn chỉ tại Thaco.

Thấu hiểu, “nhất nước, nhì phân” là những yếu tố quyết định lớn tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra, Thaco đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu bài bản, hợp lý nhằm đảm bảo nguồn nước ổn định. Cạnh đó, đàn gia súc lớn với quy mô dự tính tới vài ba trăm ngàn con sẽ được nuôi ở môi trường trong lành của những trang trại nông nghiệp sạch cũng là nguồn cung cấp phân bón hữu cơ để làm nông nghiệp xanh.

Những chia sẻ “nho nhỏ” này cũng cho thấy sự nghiêm túc học hỏi và nghiên cứu của doanh nhân Trần Bá Dương khi tiến vào phát triển nông nghiệp, một lĩnh vực mới mẻ, sống động, chịu nhiều tác động của môi trường xung quanh, khác hẳn với cơ khí, ô tô “vô tri, vô giác”.

Ước ao phát triển những nông trường lớn lên tới 20.000 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ bằng chính sức và lực của mình được ông Dương xem là thử thách mới trên hành trình lập nghiệp. Bởi vậy, khi cơ hội đến, ông Dương đã không ngại ngần nắm lấy.

Đã đi qua nhiều thăng trầm của hoạt động sản xuất - kinh doanh, kiếm tiền giờ không phải là động lực chính với doanh nhân Trần Bá Dương.

Khát khao được cạnh tranh sòng phẳng với khu vực và thế giới, trở thành một đối tác lớn, có vị thế nhất định trong ngành nông nghiệp quốc tế đang khiến ông Dương miệt mài dốc sức.

“Dù là thử thách mới, nhưng tôi thích và muốn dấn thân”, ông Dương nói.

Tin bài liên quan