Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai.

Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai.

Doanh nhân Trần Bá Dương bắt tay bầu Đức: Đồng hành để đi nhanh hơn, tiến xa hơn

Cái bắt tay giữa doanh nhân Trần Bá Dương của Trường Hải với doanh nhân Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai hồi tháng 8/2018 đã mở ra những cơ hội mới cho cả hai bên để cùng nhau đi nhanh hơn, tiến xa hơn.

Trong thông điệp đọc vào ngày mồng 6 Tết Mậu Tuất (đầu năm 2018) trước toàn thể người lao động tại Chu Lai, công nghiệp hóa nông nghiệp đã được ông Dương nhắc tới như một ngành kinh doanh mới của Trường Hải (Thaco).

Dù chuyện liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyên về cây ăn trái và cây công nghiệp để từng bước phát triển máy móc nhằm cơ giới hóa và tổ chức sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt đã xuất hiện trong thông điệp đó, nhưng mối quan tâm của nhiều người lại dồn về Dự án Khu công nghiệp chuyên về lúa và ngũ cốc tại tỉnh Thái Bình.

Rất ít người biết là, trước lễ ra quân đầu năm 2018 không xa, người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tới gặp ông Dương với tâm thế tìm một người biết việc, hiểu chuyện và có năng lực thực tế để cùng vực dậy lĩnh vực nông nghiệp của HAGL.

Chuyện của bầu Đức

Đã trải qua 25 năm hoạt động, HAGL đến giờ được xem là một trong những tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam, với tổng tài sản lên đến 53.000 tỷ đồng và hơn 30.000 lao động trực tiếp ở trong và ngoài nước. Lĩnh vực hoạt động của HAGL lấy nông nghiệp làm chủ lực, với quy mô đất canh tác hơn 80.000 ha tại 3 quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia, cùng với Dự án Khu phức hợp HAGL nằm tại Trung tâm TP. Yangon (Myanmar).

Dẫu vậy, cú sốc mà HAGL phải đối mặt trong năm 2016 - 2017 là không hề nhỏ và doanh nghiệp này buộc phải tìm người cứu trợ. Đầu tư phát triển trồng mới cây cao su trên quy mô lớn tại 3 nước Đông Dương ở thời điểm 2007 - 2008, khi giá mủ lên tới 5.000 USD/tấn, cao su được kỳ vọng sẽ biến dòng mủ trắng thành vàng thật. Nhưng sau đó, giá dầu thế giới giảm mạnh, có lúc xuống dưới 40 USD/thùng vào đầu năm 2016 đã khiến HAGL chuyển sang vị thế bị “bóng đè” khi giá mủ cao su giảm sâu, xuống mức 1.300 USD/tấn.

“HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng. Công ty bị mất thanh khoản, không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, Công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn”, ông Đức nhớ lại.

Ở thời điểm đó, biết HAGL gặp khó khăn, không ít đại gia đã đánh tiếng hỏi mua một vài ngàn héc-ta rừng. Nhưng quyết tâm giữ nông nghiệp quy mô lớn và bài bản đã khiến ông Đức lắc đầu.

“HAGL có 53.000 tỷ đồng tài sản, có 30.000 công nhân, có quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng đã hình thành, nhưng lại thiếu quản trị và tài chính, nên muốn cứu HAGL phải có tầm và có tiền tươi. Tàu lớn đang chìm ngoài biển mà dùng các tàu nhỏ thì cứu nỗi gì”, mang tâm thế đó, ông Đức tìm tới ông Dương - người được đánh giá là có kỹ năng quản trị tốt ở quy mô sản xuất công nghiệp lớn và cũng đang dư dả nguồn tiền.

Với vị doanh nhân rất dân dã và quyết đoán như ông Đức, chuyến đi tới khu nhà máy của Thaco ở Chu Lai để tham quan đã để lại những ấn tượng rõ ràng và khát khao được cộng tác cùng ông Dương để quản lý và phát triển những tài nguyên mà HAGL đang nắm giữ.

Chọn được ông Dương để cộng tác đã giúp bầu Đức trút được gánh nặng chất chồng phải gồng mình xử lý trong hơn 2 năm qua. Cho tới trước lễ công bố về hợp tác đôi bên vào ngày 8/8/2018, Thaco đã chính thức bỏ ra hơn 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% Công ty Nông nghiệp HAGL và 51% HAGL Land. Nhưng đó chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu. “Để HAGL phát triển nhanh và bền vững, có lợi nhuận tốt cho những năm sau, Thaco cam kết thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay (khoảng 14.000 tỷ đồng) và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tiếp tục đầu tư giai đoạn II dự án tại Myanmar”, ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, đây có thể xem là thương vụ lớn nhất từ trước tới nay giữa hai doanh nghiệp trong nước trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Chuyện của “ông Dương Trường Hải”

“Đầu năm 2018, ông Đức đã gặp và nhờ giúp đỡ giải quyết những khó khăn là thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn; đồng thời, mời gọi tôi đầu tư cùng ông để vực dậy HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành dự án bất động sản tại Myanmar”, ông Dương chia sẻ.

Từng hai lần đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới sức mua và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty; oằn mình gánh chịu thiệt hại của thiên tai, hay đối mặt với hỏa hoạn ngay trong ngày đầu năm 2018, ông Dương có lẽ thấu hiểu những rủi ro trong kinh doanh do những biến động khôn lường.

Sau khi tham quan những rừng cao su bạt ngàn xanh tươi, những nông trường cây ăn trái rộng lớn, cảm nhận rõ ràng về khát vọng, ý chí và nỗ lực của bầu Đức và toàn thể cán bộ, nhân viên HAGL, vị thuyền trưởng của Trường Hải đã đứng ra nhận trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và hơn hết là chia sẻ, đồng hành để giúp HAGL vượt qua khó khăn, phát triển tiếp sự nghiệp nông nghiệp với tiềm năng vốn có từ tầm nhìn ban đầu và những thành quả mà phải mất nhiều công sức và thời gian mới có được.

Từ tháng 3/2018, ông Dương đã ứng cho Công ty Nông nghiệp HAGL các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoảng nợ đến hạn là 1.577 tỷ đồng. Đồng thời, Thaco chính thức tiến hành nghiên cứu khả thi về hợp tác đầu tư chiến lược với HAGL.

Tới ngày 3/8/2018, Thaco đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HAGL và HAGL Myamar.

“Trong thỏa thuận đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HAGL, cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện Công ty, trong đó có tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, dựa trên 3 giải pháp đồng bộ. Đồng thời, sẽ ứng dụng mô hình quản trị giao khoán trong nội bộ, tiến đến áp dụng nhân rộng hợp tác với nông dân bên ngoài, góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Dương cho biết.

Cũng rất nhanh, chỉ 4 tháng sau lễ ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL và trước khi kết thúc năm 2018 nửa tháng, Thaco đã công bố hàng loạt kế hoạch đầu tư tiếp theo tại Chu Lai. Trong đó có việc đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư trong 5 năm, với các phân khu sản xuất vật tư nông nghiệp và phân khu tổng kho, chế biến sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu.

Đồng hành để cùng tiến xa

Không mang tâm thế của người có tiền, ông Dương cho hay, cá nhân ông cam kết thể hiện tinh thần hợp tác của một doanh nhân lớn với sự chân tình, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau để đồng hành và hỗ trợ ông Đoàn Nguyên Đức vượt qua khó khăn và thực hiện được hoài bão của mình trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự thay đổi tất yếu từ cuộc cách mạng 4.0, việc các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ nhau, liên doanh, liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là chủ đề được chính các doanh nhân quan tâm.

Bởi vậy, có mặt tại Lễ công bố chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn của Thaco trong cả lĩnh vực cơ khí và nông nghiệp tại Chu Lai còn có nhiều doanh nhân khác, như bà Huỳnh Thị Bích Ngọc của Thành Thành Công; ông Huỳnh Văn Thòn của Lộc Trời; ông Trần Quý Thanh của Tân Hiệp Phát, bà Nguyễn Thị Nga của BRG, ông Võ Quốc Thắng của Đồng Tâm…

Họ không chỉ đến để chia vui với ông Dương, ông Đức, mà dường như còn mong muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, nhằm tạo ra hệ sinh thái mới “Doanh nhân - doanh nghiệp”  Việt Nam trong thời đại mới, thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, đồng thời kết hợp khát vọng để tích hợp giá trị cho sức mạnh vốn có của từng doanh nghiệp, góp phần tạo sức mạnh cho nền kinh tế.

Với sự chia sẻ, cộng tác và tôn trọng này, khát vọng đi xa hơn của doanh nghiệp Việt trên thị trường cũng chắc chắn và vững vàng.

 
Doanh nhân Trần Bá Dương bắt tay bầu Đức: Đồng hành để đi nhanh hơn, tiến xa hơn ảnh 1 

 

Thaco đầu tư 3.425 tỷ đồng để hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín của Công ty Nông nghiệp HAGL

Với năng lực hiện có, ngay trong năm 2019, Thaco sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp có công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất, chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm, với vốn đầu tư 3.425 tỷ đồng. Hoạt động này nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín của Nông nghiệp HAGL tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây Nguyên và tạo đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Tin bài liên quan