Trời Gia Lai một sáng mùa Thu trong vắt, ngồi trên chòi cao phóng tầm mắt ra xa là những rẫy cà phê xanh ngút tầm mắt. Ðây đó trên những rặng cà phê sai trĩu quả điểm xuyết những trái chín đỏ.
Thời gian như đang trôi chậm lại và chẳng còn gì tuyệt hơn khi giữa đất trời, cây cỏ khoáng đạt đó, nâng trên tay một tách cà phê, hít hà vị thơm mê đắm của nó rồi chậm rãi cảm nhận tuyệt phẩm của thiên nhiên.
Ðã từng trải nghiệm nhiều không gian cà phê khác nhau, đi hàng chục cây số trên cung đường ngoằn ngoèo của Ðà Lạt để thưởng thức cà phê chồn, cà phê cao nguyên, nhưng tôi nhớ mãi những ly cà phê trên thủ phủ Gia Lai hôm đó.
Ly cà phê nâu sóng sánh quyến rũ, mới uống có vị đắng dịu, một chút chua thanh, sau đó là vị chát nhẹ và ngọt ngào, sâu lắng. Và càng không thể quên những chia sẻ của chủ nhà - doanh nhân Thái Như Hiệp, rằng “cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ, bạo liệt như rượu. Cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn.
Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn với những môn đồ của giáo phái cà phê, đó là sự hấp dẫn của người đàn bà mang bùa ngải trong mình…”.
Mối duyên lành với nghiệp kinh doanh cà phê
Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, trong những ngày khốn khó của thời bao cấp, Thái Như Hiệp sớm ấp ủ giấc mơ làm kinh doanh để thay đổi cuộc đời. Năm 1979, ông quyết định vào Nam lập nghiệp.
Năm 1991, cơ sở kinh doanh Vĩnh Hiệp do Thái Như Hiệp làm chủ ra đời ở quận 6, TP.HCM với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, 6 công nhân, làm việc trong một nhà kho đi thuê có diện tích 500 m2. Doanh nghiệp tập trung chế biến và cung cấp các sản phẩm nông sản như đậu phộng, mè, đậu trắng, ớt khô, gừng khô, tiêu… cho các công ty xuất khẩu nhà nước đối lưu đi Nga, Algeria.
Tình cờ một ngày nọ, ông Hiệp và cộng sự đến vùng đất đỏ Gia Lai để tìm hiểu về kinh doanh cà phê và từ đây, ông đã gặp người bạn đời của mình cũng như bén duyên với nghiệp kinh doanh thức uống đặc biệt này. Năm 1999, Vĩnh Hiệp chính thức thành lập doanh nghiệp tư nhân tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Kinh doanh lấy nguyên tắc tử tế làm đầu, Vĩnh Hiệp dần lớn mạnh. Ðến nay, Công ty đầu tư các nhà máy chế biến tại Pleiku, xuất khẩu trực tiếp vào thị trường nước ngoài với công suất 300 tấn mỗi ngày và sức chứa của kho là 5.000 tấn.
Công ty xây dựng được nhiều kho thu mua và chứa hàng, được đặt tại nhiều điểm thu mua giao dịch trực tiếp với nông dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Ðăk Ðoa, ChưHrông và ChưPrông. Nhà máy được xây dựng và chuyển đổi theo nhu cầu của khách hàng rang xay, sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao. Công ty đã từng bước tiếp cận các nhà bán lẻ, chế biến trong nước nhập khẩu cà phê và hạt tiêu của Việt Nam.
Cho đến nay, Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu trong ngành cà phê Việt, được Bộ Công thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín nhiều năm liền, với kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD/năm. Mỗi năm, Vĩnh Hiệp cung cấp khoảng 70.000 tấn cà phê nhân các loại ra thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Nâng tầm hương vị cà phê Việt
Ði nhiều nơi, chứng kiến cà phê ở những vùng đất không có nhiều lợi thế thổ nhưỡng như Việt Nam vẫn thu được giá trị rất lớn cho chuỗi giá trị khép kín, nhiều lần ông Hiệp đau đáu với câu hỏi: Có cách nào để nâng tầm cà phê Việt?
Sau rất nhiều trăn trở, một chiến lược mới được thực thi. L'amant Café, sản phẩm đặc biệt của Vĩnh Hiệp ra đời. Trên vùng đất đỏ bazan Gia Lai, một nông trại cà phê hữu cơ quy mô lớn được đầu tư, chăm chút theo quy trình sản xuất khép kín, thân thiện với môi trường với các quy chuẩn quốc tế: UTZ, Rainforest, 4C.
Với phương châm "Sạch từ nông trại đến ly cà phê", L'amant Café áp dụng các quy trình khoa học, nông nghiệp công nghệ cao và trở thành nông trại cà phê hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Organics của Tổ chức USDA - Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.
Áp dụng công nghệ rang xay hiện đại hàng đầu châu Âu Probat (Probat là thương hiệu sản xuất rang xay cà phê đầu tiên nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới qua hàng thế kỷ), với đội ngũ các chuyên gia yêu cà phê Việt, nghệ nhân hàng đầu được lĩnh hội những kỹ thuật rang xay tiên tiến, tinh tế nhất và một tình yêu, tâm huyết với cà phê, L'amant đã tạo nên những dòng cà phê với những hương vị đặc sắc, chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất.
Các dòng sản phẩm của L'amant Café rất đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu đông đảo khách hàng yêu thích cà phê, từ dòng sản phẩm pha phin (dạng bột, dạng hạt), cà phê pha máy đến cà phê hoà tan (sữa đá, đen đá); từ cà phê vị nhẹ, hương thơm dịu ngọt, màu nâu cánh gián đến cà phê vị đậm, đắng, hương vị tinh tế của cà phê; từ cà phê truyền thống đúng khẩu vị của người Việt từ bao đời nay đến cà phê Espresso theo gout hiện đại của từng khách hàng riêng biệt.
Còn nhớ, năm 2017, tại Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2017, rất nhiều bạn bè quốc tế đã ngất ngây thưởng thức và dành nhiều lời khen tặng cho ly cà phê L'amant, thức uống chính thức phục vụ APEC.
"L'amant Café không chỉ muốn đem đến những ly cà phê tuyệt hảo, sạch từ quy trình khép kín, mà còn mang tới cho thực khách những gout ẩm thực vô cùng phong phú, để bạn trở thành một chuyên gia pha chế hoàn hảo nhất cho riêng mình”, ông nói.
Trò chuyện với doanh nhân Thái Như Hiệp
Ý tưởng phát triển dòng sản phẩm L'amant Café đến với Vĩnh Hiệp như thế nào, thưa ông?
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, chúng tôi rất trăn trở khi giá trị mang lại cho người nông dân quá thấp. Bởi vậy, Vĩnh Hiệp muốn định dạng một thương hiệu của Việt Nam về cà phê robusta và hướng tới tương lai về cà phê Việt Nam, muốn tạo ra một cuộc cách mạng về giá trị cốt lõi của cà phê Việt.
Doanh nhân Thái Như Hiệp.
Khi doanh nghiệp và người nông dân cùng nắm chặt tay nhau trên con đường phát triển, chúng tôi tin sẽ tìm được con đường mới để đi. L'amant Café đã ra đời trên những suy nghĩ ấy và hiện nay đây là thương hiệu cà phê Việt Nam duy nhất, sản phẩm đầu tiên cà phê organic xuất khẩu ra thế giới.
Chọn con đường sản xuất cà phê hữu cơ ít người đi, con đường ấy của ông ắt hẳn có nhiều khó khăn?
Chúng tôi đã đặt hết những tiềm thức về con người, lịch sử, giá trị thực của cà phê vào từng chuỗi phát triển của chúng. Một nông trại điểm được xây dựng trên núi Hàm Rồng, phải mất tới 3 năm cải tạo đất để trả lại đất một cách tự nhiên, rồi ươm giống, gieo trồng, chăm sóc bởi những người am hiểu, yêu cà phê và coi cà phê là đam mê là lẽ sống. Nguyên liệu sau khi thu hái được đưa về nhà máy lớn, ủ lạnh trong thời gian rất dài, rang xay theo công nghệ, bí quyết tinh túy của thế giới.
Chúng tôi suy nghĩ làm sao để kêu gọi người nông dân mạnh dạn thay đổi cách làm truyền thống, thay đổi cách làm mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để sản xuất ra các sản phẩm sạch, có giá trị cao hơn.
Việt Nam tới đây sẽ có nhiều vùng nguyên liệu sạch. Tôi tin, nếu chúng ta đoàn kết, nắm chặt tay nhau, tận lực hành động và sáng tạo, chắn chắn sẽ đi tới thành công.
Cà phê thường khiến cho người ta liên tưởng đến tình yêu, với đủ vị chát đắng, ngọt ngào, nỗi niềm nhung nhớ. “Một đêm L’amant Cà phê”, phải chăng cũng hướng đến những dư vị ấy?
Cà phê quả thực là một sản phẩm đặc biệt, là một thứ văn hóa, với nhiều người cuộc sống không thể thiếu cà phê. Chọn thông điệp “Một đêm L’amant Cà phê” làm thông điệp thương hiệu, chúng tôi mang khát vọng làm sao để thương hiệu đó được khách hàng coi như người tình của mình, không thể thiếu trong cuộc sống, trong công việc.
Coi cà phê là người tình, vậy vui buồn với người tình này, ông chia sẻ với ai?
Tôi may mắn có người vợ hiền và vô cùng giỏi giang, đã cùng tôi chèo lái đưa Vĩnh Hiệp ngày càng phát triển vững mạnh trên thương trường. Còn gì vui và hạnh phúc cho bằng bên mình luôn có người tình cà phê để mê đắm, khi vui buồn đều có thể chia sẻ với gia đình, với những người thân yêu nhất.
Tôi quan niệm, làm gì cũng nghĩ đến sự tử tế. Tử tế là cốt lõi trong kinh doanh và trong cả mối quan hệ với cộng đồng.