20 năm, thắp, giữ và truyền lửa
Sao Đỏ “đời đầu” - ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT mở đầu cuộc tọa đàm bằng chia sẻ: Nếu làm như hiện nay, với tốc độ phát triển như thế này, thì phải 100 năm sau, chúng ta mới trở thành một dân tộc phát triển, đó là chưa nói đến việc có thể thế giới sẽ nâng chuẩn này lên một tầm cao mới.
Hội trường hơn 400 doanh nhân, đa phần là các doanh nhân trẻ, bỗng có một khoảng lặng.
Chủ tịch FPT nói tiếp, muốn làm được điều này trong 15 hay 20 năm, cần phải tạo nên sự thần kỳ Việt Nam, phải làm cho nền kinh tế tăng trưởng cao hơn nữa.
Và nếu nhìn xung quanh, các quốc gia láng giếng đã hóa hổ, hóa rồng, họ đều có những doanh nghiệp hùng cường, Samsung gợi nhớ đến Hàn Quốc, Honda gợi nhớ đến Nhật Bản, Alibaba gợi nhớ đến Trung Quốc…
Các dân tộc phồn vinh đều phải có những doanh nghiệp như vậy. Tôi muốn hỏi, các bạn có làm được không?
Đáp lại câu hỏi này là một tràng pháo tay tán thưởng. Dường như các doanh nhân đã chuyển hóa rất nhanh, từ bị chạm vào tự ái thành nỗi khát khao.
Trong lúc đó, tinh thần được thắp lên mạnh mẽ.
Đặc biệt băn khoăn về câu chuyện giữ lửa trong các doanh nghiệp, lại gắn nó với câu chuyện chuyển giao cho các thế hệ F2 ở các công ty gia đình, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, ở Việt Nam, câu nói “Không ai giàu ba họ” rất sâu sắc và khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Các doanh nhân khi thành đạt thường đau đầu về câu chuyện chuyển giao. Bởi với thành công, tài chính mạnh mẽ của bố mẹ, các thế hệ F2 có nhiều cái nhìn khác về tiền bạc, có suy nghĩ khác biệt về cuộc sống…
Trong đó, nhiều trường hợp thỏa mãn, hài lòng với những gì đang có, thậm chí ỷ lại và không có chí tiến thủ. Đây là băn khoăn và lo lắng chung của không ít doanh nhân.
Theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow, doanh nghiệp muốn trường tồn thì phải chuyển giao được thế hệ. Người chủ doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn, phải nghĩ đến các thế hệ F2, F3, thậm chí xa hơn, nghĩ đến cả 100 hay 200 năm sau.
Người đứng đầu Eurowindow cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhân sự của doanh nghiệp gia đình có hạn chế là không thể phát triển vượt bậc được.
Và nếu muốn duy trì thành công, điều quan trọng là phải duy trì tính kỷ luật, quản trị doanh nghiệp phải nghiêm túc, minh bạch.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam Group, để giữ lửa kinh doanh, phải chuẩn bị trong một thời gian dài cho các nhân sự F2, phải cho đội ngũ kế cận nếm trải công việc trong cùng hệ thống.
“Đến nay, thế hệ F2 của Alphanam đã được trui rèn trong hệ thống được hình thành đến 25 năm, do đó, khả năng mắc sai lầm cá nhân là ít. Nếu có sai, thì đó là sai của hệ thống, chứ hiếm khi là sai lầm cá nhân”, ông Hải nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp gia đình, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực chia sẻ về việc giữ lửa kinh doanh của mình trong suốt 30 năm, đó là không quá đề cao tốc độ tăng trưởng, chỉ cần cần duy trì mức phát triển bình thường, đảm bảo được câu chuyện quản trị và sự ổn định.
Đặc biệt, mô hình doanh nghiệp gia đình giúp Động Lực chủ động hoàn toàn mọi việc mà không bị phụ thuộc vào đối tác, cổ đông.
Ông Thành cũng cho biết, ông đang chuyển giao dần công việc cho thế hệ F2 và vẫn sẽ tiếp tục phát triển Công ty theo mô hình gia đình. C
ách ông đang làm hiện nay là chuyển giao từ từ, qua công việc và truyền ngọn lửa kinh doanh cho các con.
Mỗi doanh nhân một góc nhìn, mỗi người một quan điểm, nhưng tất thảy, đều đang trăn trở giữ và truyền lửa lại cho thế hệ kế cận của mình.
Truyền lửa văn hóa minh bạch
Một câu chuyện khác được các doanh nhân bàn luận nhiều là minh bạch thông tin. Điểm cốt lõi là những băn khoăn về việc nên ứng xử thế nào với sự minh bạch - một yêu cầu bức thiết của thời cuộc, nhất là với các doanh nghiệp muốn bơi ra biển lớn trong kỷ nguyên số hóa.
Các doanh nhân trao đổi bên lề cuộc tọa đàm Kết nối tạo giá trị trường tồn.
TS. Phan Đăng Tuất thẳng thắn đặt câu hỏi, mức độ minh bạch phải phù hợp với hệ sinh thái của nền kinh tế. Vậy, nếu tôi minh bạch mà đối tác, đối thủ và hệ sinh thái chưa minh bạch thì làm gì để bảo vệ sự minh bạch của tôi?
Cửa nhà tôi không có khóa thì liệu có an toàn trong điều kiện nhiều “kẻ cắp” như hiện nay không?
Tưởng chừng như chủ điểm này khó có lời giải thỏa đáng, nhưng ngay lập tức, có những ý kiến gợi nhắc đến tinh thần của doanh nhân Việt, tiên phong lan tỏa cái đẹp trên thương trường.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp là phải lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Các doanh nhân, doanh nghiệp phải thấy tự hào vì khi làm tốt sẽ thay đổi cộng đồng.
“Nếu ta cứ ngồi chờ người ta tốt mình mới tốt, người ta minh bạch mình mới minh bạch thì không thể được. Chúng ta hay trách móc, đòi hỏi về sự minh bạch của đối tác, cộng đồng, nhưng theo tôi, sự minh bạch phải bắt đầu từ chính các doanh nhân, doanh nghiệp.
Như với ngành vàng, hiện chúng ta có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, thuế má không rõ ràng và Nhà nước chịu thiệt. Riêng PNJ, năm 2018, chúng tôi đóng 700 tỷ đồng tiền thuế, lãi cả nghìn tỷ đồng. Chúng tôi tự hào minh bạch điều đó, chứ không vì thị trường chưa minh bạch mà chúng tôi không minh bạch”, bà Dung cho biết.
Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, minh bạch phải là đòi hỏi tự thân của doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp, minh bạch là thương hiệu, uy tín, là giá trị vô hình vô cùng lớn, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn tầm ra quốc tế. Minh bạch không chỉ tốt cho doanh nghiệp, giúp các thành viên công ty tin tưởng, gắn bó lâu dài, mà còn giúp ghi điểm trong mắt khách hàng.
Theo bà Thanh, nhà đầu tư ngoại không quan tâm nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế ra sao, có bao nhiêu tiền mới hợp tác, mà họ quan tâm sự minh bạch trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Họ đề cao sự đồng nhất trong phát triển, quản trị, mọi sự điều chỉnh phải có lý do và giải thích được.
Đại diện Deloitte cho rằng: “Cao hơn minh bạch, phải là tin tưởng. Các doanh nghiệp chỉ có thể đạt được sự tin tưởng của khách hàng nếu thực hiện tốt minh bạch thông tin và phải là đòi hỏi tự thân của các doanh nghiệp”, bà Thanh nhấn mạnh.
Chung nhận định này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CMC Group nhìn nhận, quan điểm về xã hội học thì minh bạch là tốt, một người tốt sẽ kéo theo nhiều người tốt. Mỗi doanh nhân cần nhận thức minh bạch là mong muốn của chính mình.
Minh bạch đem lại sự tưởng thưởng, có thể ban đầu cộng đồng chưa minh bạch, nhưng dần dần giá trị tốt đẹp đó sẽ được lan tỏa và mang đến nhiều đóng góp tốt cho cộng đồng.
Năm nay, Sao Đỏ kỷ niệm 20 năm đồng hành cùng đất nước và với vai trò của những người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa, các doanh nhân Sao Đỏ đang cho thấy sự tận hiến của mình. Họ đang sống như những đóa hoa.