Doanh nhân Phượng Nguyễn, Nhà sáng lập Liti Florist.
Phượng Nguyễn không phải là người có trí nhớ tốt, đặc biệt là với con số, nhưng ngày 10/11/2012 là dấu mốc đã đóng đinh trong tâm trí của Phượng. “Đây là lúc tôi chính thức thông báo trên Facebook cá nhân rằng, tôi sẽ bán hoa”, Phượng Nguyễn nhớ lại.
10 năm trước, trong hình dung của Phượng, trong một cửa hàng nhỏ xinh, ngập tràn màu sắc, hương thơm, Phượng sẽ đắm mình trong thế giới của hoa tươi, của sáng tạo mỗi ngày. Cái tên Liti Florist ra đời là vì thế.
Thực tế, cửa hàng đúng là nhỏ, người sáng lập thì chỉ có tình yêu bản năng với hoa, với cái đẹp, chứ chưa có kiến thức cơ bản về ngành này. Vậy nên có lúc, hoa đến với khách mà giấy gói một nơi, hoa một nẻo. Cô chủ 8X thì vẫn chân trong, chân ngoài vừa làm, vừa nuôi đam mê...
Mọi việc thay đổi khi Liti Florist trúng thầu Dự án trang trí hoa nhân dịp Tập đoàn Lotte khai trương Trung tâm thương mại Lotte Hà Nội và khi Liti Florist trượt thầu Dự án trang trí khu đô thị mới xây xong của một tập đoàn lớn.
“Chúng tôi vượt qua 2 đối thủ trong ngành để được đối tác Hàn Quốc lựa chọn, nhưng lại thất bại trong một dự án khác vì CEO là tôi không phải là người toàn tâm cống hiến thời gian cho doanh nghiệp, dù sản phẩm của chúng tôi không thua kém bất cứ đối thủ nào. Họ nói đúng. Tôi buộc phải chọn và Liti Florist chính thức là sự nghiệp duy nhất của tôi”, Phượng Nguyễn kể con đường khởi nghiệp với hoa của mình.
Cũng từ lúc đó, Phượng nhận ra, hoa tươi là một ngành tiềm năng, chứ không chỉ giới hạn ở buôn bán nhỏ lẻ và không chỉ là đam mê. Đến nay, Liti Florits đã phát triển thành 2 mảng riêng, trong đó mảng đầu tiên gồm 6 cửa hàng bán lẻ, phục vụ khoảng 65% khách hàng cá nhân và 35% khách doanh nghiệp. Mảng thứ hai là Liti Wedding Planner, chuyên làm các sự kiện cần trang trí nhiều hoa như đám cưới, khai trương thẩm mỹ viện, hãng thời trang…
So với các chuỗi thương hiệu lớn trong những nhóm ngành như ăn uống, bán lẻ..., 10 năm với 6 cửa hàng là một con số vô cùng khiêm tốn, nhưng với ngành hoa tươi lại là một sức vươn vô cùng mạnh mẽ. Vì trong ngành này, bàn tay của con người quyết định tất cả, từ lựa hoa, đến cắt, tỉa, cắm, bó…, không robot nào có thể thay thế được.
“Trên đời không bao giờ có 2 bông hoa giống nhau. Ngay cả ở Ecuador, vùng đất đã phát triển công nghiệp trồng hoa cực kỳ mạnh, các sản phẩm xuất xưởng đều tăm tắp, nhưng không thể cho ra 2 bông hoa giống hệt nhau. Cũng không bao giờ có những bó hoa giống nhau, dù cùng một nghệ nhân. Đó chính là sự hấp dẫn nhưng cũng là thách thức của ngành này”, CEO Phượng Nguyễn khẳng định.
Chưa kể, hoa tươi đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt, tùy từng loại hoa, tùy theo thời tiết. Nghệ nhân cắm hoa không phải dễ tìm, nhất là khi nghề này vẫn được cho là lao động chân tay, rất thiếu trường hợp lớp đào tạo, chủ yếu là tự học, tự đào tạo... Chính vì vậy, tỷ lệ thất bại trong ngành này rất lớn, kể cả những người có tài chính, có danh tiếng, có thẩm mỹ, có tình yêu sâu sắc với hoa.
Bù lại, khi một doanh nghiệp tạo được chỗ đứng trên thị trường thông qua sản phẩm, chất lượng dịch vụ, thì vị thế sẽ khó bị đe dọa. Đây là điều mà Liti Florist đang làm được. Liti Florits đang đi cùng sự kiện của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam như Đỗ Mạnh Cường, Lê Thanh Hòa, Phương My..., phụ trách mảng hoa tươi trong đám cưới của nhiều nghệ sĩ Việt như Ngô Thanh Vân - Huy Trần, Phương Nga - Bình An…, hay gần đây là MV debut của ca sĩ MONO.
Phượng Nguyễn tâm sự rằng, nhiều vị khách, lúc mệt mỏi, đau buồn nhất, họ lại tìm đến với Liti Florist, tìm đến những bông hoa để được an ủi, vỗ về trong tâm hồn. “Tôi vẫn nhớ có khách hàng từng mua hoa tặng người bạn mình đang điều trị ung thư tại Viện K. Anh ấy nói đây là điều đẹp đẽ cuối cùng bạn anh nhìn thấy. Tôi tự hào vì giá trị của Liti Florist không chỉ là hoa tươi...”, nhà sáng lập Liti Florist chia sẻ.
Năm 2022 đánh dấu một thập kỷ Liti Florist chính thức xuất hiện, nhưng Phượng Nguyễn tiết lộ, mọi hoạt động kỷ niệm sẽ lùi đến năm sau. “Chúng tôi đang hoàn tất một bộ phim ngắn với tên gọi “Sau những phù hoa”, kể về nỗi vất vả của người trong nghề, cũng để cám ơn những nghệ nhân đã đi cùng với chúng tôi, thồi hồn cho hoa”, Phượng Nguyễn lý giải.
Nhắc đến ngành hoa tươi, mọi người chỉ nhìn thấy những bó hoa đầy màu sắc, sang trọng, lấp lánh và ngát hương. Nhưng để có được những tác phẩm nghệ thuật làm nao lòng người, để những cánh hoa bung nở đúng thời khắc cảm xúc của khách hàng lên cao trào, những nghệ nhân gần như lúc nào cũng có bàn tay rướm máu, chằng chịt vết xước. Có những sự kiện quy mô lớn, khối lượng sử dụng lên tới vài tấn hoa, hàng chục nghệ nhân phải làm thâu đêm, suốt sáng...
Phượng Nguyễn không thể quên trong đám cưới của Á hậu Phương Nga - diễn viên Bình An tổ chức tại một khách sạn Hà Nội hồi tháng 10 vừa qua, ekip Liti Florist phải làm việc xuyên đêm để kịp tiến độ. Bối cảnh đám cưới diễn ra ngay gần khu vực bể bơi, buộc những nghệ nhân phải dầm mình trong sương gió để khuân vác hàng tấn hoa; sau đó lại nhẹ nhàng, nâng niu, sắp đặt từng bông vào đúng vị trí, thổi hồn vào từng cánh hoa.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn, ngành hoa nói chung và Liti Florist nói riêng tất nhiên không ngoại lệ. Doanh thu tăng, nhưng chi phí còn tăng phi mã hơn, khiến nhà sáng lập Liti Florist dự đoán, họ sẽ khép lại 2022 bằng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Đặc biệt, lợi nhuận là điều không dám nghĩ đến trong năm nay.
Nhưng đó là việc của người quản lý. Còn với nhân viên của Liti Florist, thu nhập vẫn được bảo đảm, thậm chí tăng hơn. “Tôi chấp nhận cắt giảm lợi nhuận dành cho cổ đông để chia sẻ cho nhân viên. Có những nhân sự nhận mức lương tăng gấp rưỡi năm ngoái”, CEO 8x cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi, giai đoạn này có phải thời điểm khó khăn nhất trong hành trình 10 năm khởi nghiệp hay không, nhà sáng lập Liti Florist lại khá băn khoăn. Phượng Nguyễn cho rằng, quãng thời gian áp lực nhất là lúc thương hiệu mới xây dựng được 1-2 cửa hàng, nhân sự còn mỏng, hệ thống vận hành đơn sơ, không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp, chỉ cần một nhân sự bất ngờ xin nghỉ việc là cả hệ thống sẽ chao đảo.
Còn hiện giờ, Liti Florits đã có trong tay gần 20 nghệ nhân cắm hoa chuyên nghiệp, chưa kể các nhân sự hỗ trợ trong mảng chăm sóc khách hàng hay ship hoa. Không ít nhân sự trong hệ thống gắn bó cùng tổ chức suốt 5-7 năm, có những người đi cùng với nhà sáng lập Phượng Nguyễn từ khi Liti Florist vẫn là cửa hàng nhỏ trong ngõ.
Dù Liti Florist đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, rất ít khi bị khách trả hàng trong suốt 10 năm qua (thương hiệu cho phép khách mua xong được trả lại hàng, bất kể lý do là gì), Phượng Nguyễn thấy vẫn còn quá nhiều việc có thể làm tốt hơn, từ mặt hình ảnh, quy trình bán hàng cho tới trải nghiệm mua sắm của khách. Những câu hỏi tưởng như rất đơn giản như bó hoa thế này có nặng quá không, hay giấy gói đã phù hợp với khách chưa, làm thế này khách có hài lòng hơn không... luôn được đặt ra.
“Nhưng quan trọng hơn cả kể câu chuyện gì tiếp theo cho khách hàng - những người sẵn sàng bỏ cả chục triệu mua một bó hoa để tìm kiếm những giá trị tinh thần, những trải nghiệm mà họ chờ đợi khi tìm đến Liti Florist”, Phượng Nguyễn trầm tư.
Định kỳ, Phượng Nguyễn và đội ngũ quản lý sẽ ngồi lại để phân tích xem Liti Florist đang ở đâu so với các tên tuổi trong ngành, thương hiệu có điểm gì mạnh hay điểm gì yếu để cải thiện thêm. “Chúng tôi sẽ kể câu chuyện cuộc đời qua những bông hoa, kể về niềm hạnh phúc của Liti Florist khi có mặt trong những thời khắc đáng nhớ của khách hàng...”, Phượng Nguyễn chia sẻ.
Được biết, sản phẩm của Liti Florist có nhiều mức giá, có sản phẩm chỉ 700.000-800.000 đồng, nhưng cũng có sản phẩm 30 - 40 triệu đồng hay 60 - 70 triệu đồng. Như vậy, nhóm khách hàng mà Liti Florist hướng đến là ai?
Đó là những người đã có trải nghiệm, trưởng thành, có thu nhập tốt.
Để phục vụ nhóm khách hàng này, cần chú ý điều gì?
Người ta bảo “đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”. Họ là những người quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ, từng đồng tiền bỏ ra đều phải tương xứng với giá trị nhận về. Do đó, chúng tôi chú trọng đáp ứng mong muốn, đem lại trải nghiệm cao cấp, dịch vụ vượt trội cho họ.
Chị có định gắn bó với Liti Florist cả đời không?
Không (cười). Tôi quan niệm đừng bao giờ nói tới câu chuyện mãi mãi. Tôi xác định là sau này mình cũng phải nghỉ hưu, chuyển giao dần công việc cho những người khác nữa.