Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.

Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.

Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group: 'Nếu chỉ đầu tư phần ngọn, thì không thể phát triển lâu dài'

0:00 / 0:00
0:00
Luôn tìm kiếm cơ hội, nắm bắt xu hướng, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng công nghệ, doanh nhân Phan Minh Thông đã đưa Phúc Sinh Group vượt qua khó khăn, vững vàng phát triển.

Bản lĩnh tiên phong

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, xung đột chính trị, vũ trang…, Phúc Sinh Group - doanh nghiệp có tới 99% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu - dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Phan Minh Thông vẫn vững vàng tiến lên.

Ông Thông nói rằng, có được kết quả đó là nhờ doanh nghiệp luôn tiên phong, nắm bắt xu hướng của thị trường trước nhiều năm và không ngừng nỗ lực.

Thời điểm Covid-19 bùng phát, trong khi nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, căn cơ từng đồng lợi nhuận để duy trì hoạt động, thì ông Thông quyết định “dốc vốn” đầu tư chuyển đổi số để kết nối kinh doanh toàn cầu. Nhờ vậy, ngay trong mùa dịch, Phúc Sinh vẫn hoạt động với 100% công suất, đạt kết quả kinh doanh tốt, tạo nhiều việc làm cho người lao động, động viên tinh thần của nhân viên.

Thực tế, không phải đến khi đại dịch ập đến, mà từ nhiều năm trước, ông Thông đã nắm bắt xu hướng, xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, chuẩn bị cho tiến trình chuyển đổi số, nên quá trình triển khai đạt hiệu quả.

Khi “vua hồ tiêu” viết sách và “xuất khẩu” sách

Không chỉ nổi tiếng với những thành tựu trong chế biến và xuất khẩu nông sản, gần đây, doanh nhân Phan Minh Thông còn viết sách. Ông đã cho ra mắt hai tựa sách là “Vượt lên, những con đường trong kinh doanh” và “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho các thế hệ doanh nhân đi sau.

Cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” đã bán hết 15.000 bản; cuốn “Vượt lên, những con đường trong kinh doanh” còn được xuất bản tại Anh với tựa đề “Overcoming business journeys” và được đón đọc tại nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Áo…

Ngay sau khi Covid-19 được khống chế, tâm lý chung của không ít doanh nghiệp là căng thẳng, e ngại, còn ông Thông lại khẳng định, đây chính là cơ hội của Phúc Sinh. “Khi dịch bệnh diễn ra, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp ở các nước khác cũng phải đóng cửa rất nhiều. Ở thời điểm này, nếu tìm đúng đối tác kinh doanh, nhìn ra được vấn đề của mình…, thì sẽ tạo cú hích mạnh mẽ giúp doanh nghiệp vươn lên”, ông Thông lý giải.

Nhìn vào quá trình sản xuất, chế biến hồ tiêu của Công ty Phúc Sinh, sẽ càng thấy rõ hơn bản lĩnh tiên phong của doanh nhân Phan Minh Thông. “Khi mọi người còn sử dụng tiêu lẫn nhiều tạp chất, Phúc Sinh đã có nhà máy chế biến sạch. Khi các doanh nghiệp tiếp cận với chế biến sạch, thì chúng tôi đã có nhà máy chế biến tiệt trùng”, ông Thông tự hào nói.

Với hướng đi này, Phúc Sinh đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam, chiếm thị phần đang kể trên thị trường thế giới. Doanh nhân Phan Minh Thông được mệnh danh “vua hồ tiêu” cũng là vì vậy.

Hiện tại, Phúc Sinh đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng phương pháp chế biến sâu nông sản. Theo ông Thông, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển lâu dài, bền vững đều cần tái đầu tư với quá trình nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt đang bỏ quá nhiều tiền vào marketing, mà quên mất điều cốt lõi này.

“Nếu chúng ta chỉ đầu tư phần ngọn, thì sẽ không thể phát triển lâu dài”, ông Thông nhấn mạnh.

Tư duy mới trong xuất khẩu nông sản

Thành lập Phúc Sinh Group vào năm 2001 với định hướng xuất khẩu nông sản chế biến sâu, doanh nhân Phan Minh Thông là một trong những người tiên phong mở ra con đường mới, tư duy mới trong xuất khẩu nông sản.

Trong quá trình hoạt động, Phúc Sinh liên tục đầu tư thiết bị, nhà máy, công nghệ chế biến. Ông Thông chia sẻ, việc đầu tư vào chế biến sâu giúp doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, tăng thời hạn bảo quản của sản phẩm nông sản, tránh được tình trạng bị ép giá, rớt giá... Bên cạnh đó, chế biến sâu còn giúp mở rộng đầu ra cho nông sản, tăng được cả sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Vừa qua, sau quá trình đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng và ứng dụng công nghệ, Phúc Sinh cho ra mắt sản phẩm tiêu sấy lạnh, sốt tiêu xanh. Sản phẩm được thị trường đón nhận, giúp “vua hồ tiêu” vượt lên từ trong nghịch cảnh của ngành hồ tiêu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về các sản phẩm này, doanh nhân Phan Minh Thông kể: “Trong một lần đi Đức, bắt gặp sản phẩm tiêu ngâm giấm giòn của nước bạn, tôi nghĩ rằng, tiêu Việt Nam cũng có thể làm ra những sản phẩm có giá trị cao tương tự”.

Phúc Sinh Group vừa khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara tại huyện Mai Sơn (Sơn La), công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày.

Cascara là loại trà được chế biến từ vỏ của những quả cà phê Arabica chín mọng.Tại Bình Dương, Phúc Sinh cũng đang đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến sâu về lĩnh vực gia vị với các loại nông sản như hồ tiêu, quế, hồi.

Trở về nước, ông Thông quyết định đầu tư 50 tỷ đồng để nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ hồ tiêu. Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm trải qua nhiều lần thất bại. Sau đó, Công ty đã có được mẻ sốt tiêu xanh đạt yêu cầu, song vì chưa tính toán đủ thời gian lên men vi sinh, tiêu bị lên men trắng bám thành chai, toàn bộ sản phẩm phải thu hồi. Dẫu vậy, ông Thông không dừng bước.

Tiếp đó, Phúc Sinh sản xuất thành công tiêu sấy lạnh K Pepper và nước sốt tiêu, sản phẩm có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, ông Thông cho biết, sản phẩm nước sốt tiêu của Phúc Sinh đang chiếm tới 50% thị phần trên toàn thế giới. Phúc Sinh cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam có nhà máy và công nghệ để sản xuất các sản phẩm này.

“Chế biến sâu nông sản là chìa khóa để Phúc Sinh vượt qua những thời điểm khó khăn như đại dịch, suy thoái kinh tế…”, ông Thông khẳng định.

Không lợi dụng điểm yếu của người khác để tấn công

Đây là triết lý kinh doanh của Chủ tịch Phúc Sinh Group. Theo ông, muốn làm ăn lâu dài, phát triển bền vững, thì các bên phải đồng hành, cùng nhau chia sẻ, khắc phục điểm yếu.

Từ năm 2010 đến nay, Phúc Sinh đã đầu tư nhiều vùng nguyên liệu trồng hồ tiêu và cà phê. Hiện tại, vùng nguyên liệu của Phúc Sinh có khoảng 1.700 ha tại tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Bình…, thu hút khoảng 10.000 nông hộ tham gia.

Ông Thông cho biết, phần lớn nông dân sử dụng phương pháp canh tác thô sơ, truyền thống và có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Để có được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn, Phúc Sinh Group đã đầu tư nhiều tỷ đồng để tổ chức huấn luyện, hướng dẫn người dân từng quy trình, từ trồng trọt tới chăm sóc, thu hoạch…

Phúc Sinh cũng cung cấp miễn phí cho người dân tất cả công nghệ cần thiết, cam kết thu mua các sản phẩm nông sản đạt chuẩn với giá cao hơn thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu lâu dài, đảm bảo chất lượng, còn người dân thì canh tác bền vững, đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, luôn chủ động tiếp cận khách hàng, không ngừng vươn ra thế giới để học hỏi các mô hình kinh doanh, công nghệ mới cũng là một trong những chìa khóa giúp Phúc Sinh phát triển mạnh mẽ.

Ngay trước cuộc trò chuyện với chúng tôi, doanh nhân Phan Minh Thông vừa trở về từ một hội chợ thực phẩm lớn tại Đức. “Một năm thì có tới 4, 5 tháng tôi ở nước ngoài để tìm hiểu, tiếp xúc khách hàng, thị trường”, ông Thông nói.

Hiện nay, sản phẩm của Phúc Sinh đã có mặt tại hơn 100 nước trên thế giới. Sắp tới, bên cạnh việc đầu tư cho thị trường xuất khẩu, Phúc Sinh sẽ triển khai chiến lược phát triển tại thị trường nội địa, trong đó tập trung chủ yếu vào mặt hàng cà phê với thương hiệu K Coffee.

Chia sẻ lý do phát triển thương hiệu K Coffee, doanh nhân Phan Minh Thông cho biết, tuy Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, song phần lớn các loại cà phê người Việt thưởng thức hàng ngày đều có chứa chất phụ gia, đậu, bắp…, khiến người sử dụng bị đau đầu, có cảm giác đượm cổ…

“Vì đã quen uống các loại cà phê như vậy, nên khi khách hàng uống thử K Coffee sẽ thấy bị nhạt, không quen, gây khó khăn cho chúng tôi trong bước đầu tiếp cận. Nhưng chỉ khoảng một tuần sau, người sử dụng K Coffee sẽ quen với cà phê tự nhiên, không uống các loại cà phê khác được nữa”, ông Thông tự tin nói.

Nhờ định hướng tốt, tiên phong dẫn đầu xu hướng, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, có thể nói, Phúc Sinh đang đứng ngoài khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2023, Phúc Sinh ghi nhận tăng trưởng 37%. Bước sang quý III, tuy gặp khó khăn trong việc xuất khẩu cà phê, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, Phúc Sinh vẫn đạt tăng trưởng 18%.

Tin bài liên quan