Doanh nhân Phạm Thị Thanh Bình, đồng sáng lập Công ty Trang trí nội thất Thuận Bình: ”Vào đời từ hai bàn tay trắng thì sợ gì trắng tay”

0:00 / 0:00
0:00
Tự nhủ với mình như vậy, nhưng khi gặp khó khăn, đồng sáng lập, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trang trí nội thất Thuận Bình không buông xuôi, mà nỗ lực hơn, quyết tâm và kiên định hơn với mục tiêu đề ra.
Doanh nhân Phạm Thị Thanh Bình, đồng sáng lập Công ty Trang trí nội thất Thuận Bình.

Doanh nhân Phạm Thị Thanh Bình, đồng sáng lập Công ty Trang trí nội thất Thuận Bình.

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Từ năm 2013, chỉ sau 1 năm tốt nghiệp ngành kế toán tại Trường đại học Duy Tân Đà Nẵng, chị Phạm Thị Thanh Bình bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực trang trí nội thất. Đến năm 2015, chị đồng sáng lập Công ty TNHH một thành viên Trang trí nội thất Thuận Bình chuyên cung cấp, thi công thảm trải sàn ở Đà Nẵng và khu vực.

Vào những năm 2013-2014, lĩnh vực trang trí nội thất chưa thật sự phát triển ở Đà Nẵng, nên cô gái đến từ Quảng Bình quyết tâm lập công ty, khởi nghiệp tại đây. Thời điểm đó, sản phẩm của công ty chị gần như đi đầu trong lĩnh vực này ở Đà Nẵng, với vật liệu được nhập từ nước ngoài, mang phong cách mới lạ.

Với kinh nghiệm còn hạn chế của một người mới tốt nghiệp được 1 năm, nên chị Bình gặp vô vàn khó khăn khi khởi nghiệp, từ hạn chế về vốn liếng đến trở ngại về nguồn hàng... “Tôi gần như bắt đầu từ số không tròn trĩnh, không tiền, không mối quan hệ, không có kinh nghiệm…”, chị Thanh Bình chia sẻ.

Có được những đơn hàng đầu tiên, chị rất vui mừng, nhưng cũng đầy lo lắng, bởi vốn không đủ thực hiện, buộc phải cầm cố chiếc xe máy duy nhất để có tiền đầu tư. Rất may là dự án đầu tay đó được thực hiện một cách suôn sẻ, tạo động lực để chị tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã chọn.

Trong giai đoạn đầu, khó khăn lớn nhất là vấn đề thuê mặt bằng và tìm nhân lực. Văn phòng Công ty TNHH một thành viên Trang trí nội thất Thuận Bình ban đầu đóng trong một con hẻm nhỏ, nhưng nhanh chóng rời đi. Cứ như thế trong vòng 2 năm, chị Bình phải di dời trụ sở Công ty đến gần 10 địa điểm khác nhau.

“Mỗi lần đổi địa điểm là một lần đáng nhớ, bởi hàng hóa của Công ty đa số là đồ nặng, cồng kềnh, khó di chuyển. Ngoài ra, việc di chuyển cũng làm ảnh hưởng và khiến Công ty mất rất nhiều khách hàng”, chị Bình nói và cho biết, lao động chủ yếu thuê theo thời vụ để tiết kiệm tối đa chi phí, dành tiền tham gia các dự án.

Lúc mới thành lập, khách hàng chủ yếu của Công ty là các hộ gia đình nhỏ lẻ, rồi phát triển lên công trình, công ty, dự án lớn. Đến nay, Công ty đã và đang nhận nhiều dự án lớn trong TP. Đà Nẵng như Sân bay Đà Nẵng, Tòa nhà Trực thăng, Bà Nà Hill... Đội ngũ nhân viên đã lên đến 30 người chính thức và một số đội cộng tác viên khác.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến Công ty TNHH một thành viên Trang trí nội thất Thuận Bình bị chao đảo, nhưng đối với chị Bình, đây là quãng thời gian quý báu để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm và tạo mối quan hệ. “Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn chứ không riêng công ty nào, do đó tôi xem đây là một bước thử cho bản thân. Khi chúng ta vượt qua được thử thách này, sẽ từng bước khẳng định vị thế và tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư”, chị Bình bộc bạch.

Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trang trí nội thất Thuận Bình cho biết, các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ trước đây. Công nghệ thông tin phát triển là cơ hội để các bạn tiếp cận và phát triển hơn.

“Trước khi khởi nghiệp, cần có kế hoạch cụ thể và kiểm soát được nguồn vốn, bởi trong quá trình kinh doanh, việc đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác có thể dẫn đến thất thoát và thua lỗ. “Ngoài ra, làm ăn trung thực, giữ chất lượng, thì sẽ được người này giới thiệu với người kia, từ đó mở rộng mối quan hệ. Đặc biệt, phải hết sức tập trung, đam mê, tận tâm với mục tiêu đặt ra, thì sớm muộn thành công sẽ mỉm cười với bạn”, chị Bình chia sẻ.

Phải có suy nghĩ tích cực

Theo chị Bình, công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió, khi không may gặp phải sự cố thì cần có suy nghĩ thấu đáo và tích cực. Khi vấp ngã, phải tìm cách đứng lên, nên nhìn nhận đó là thực trạng chung của cuộc sống, ai cũng phải trải qua thăng trầm, chứ không nên có những suy nghĩ tiêu cực.

“Khi mở doanh nghiệp, ai cũng gặp nhiều khó khăn, quan trọng là thái độ của mình, nếu có suy nghĩ tích cực thì mọi việc cũng suôn sẻ hơn. Thay vì cuồng quay với nỗi lo, nên thoát khỏi nó và dành thời gian suy nghĩ những điều tích cực, có hướng đi mới hơn”, chị Bình chia sẻ.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, ai cũng lo lắng, đặc biệt là các doanh nhân, vì sau lưng họ còn có người lao động, nhà cung ứng thì hối thúc thanh toán... Những lúc đó, cần thư giãn đầu óc bằng cách đọc sách, học thêm những khóa học online... Với những khó khăn mà mình không thể thay đổi thì tìm cách chấp nhận và giải quyết.

Chị Bình chia sẻ, có những lúc khó khăn, chị thường tự nói với mình rằng, “mình vào đời bằng hai bàn tay trắng thì ngại gì hai chữ trắng tay”. Nhưng nói như vậy không phải là buông xuôi tất cả, mà phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm, kiên định với mục tiêu mà mình đề ra.

Ngoài ra, chị Bình thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, có ít nhất 1 lần chị tham gia chương trình thiện nguyện, chia sẻ với người khó khăn. “Khi cho đi, mình sẽ nhận lại rất nhiều, tình cảm và nụ cười của người nhận làm mình hạnh phúc và quên đi mọi mệt nhọc”, chị Bình chia sẻ.

Là một doanh nhân và cũng là một người phụ nữ của gia đình, chị Bình phải cân đối hài hòa mọi thứ. Đặc biệt, chị đang có con nhỏ, nên việc chăm lo cho gia đình là hết sức quan trọng. “Tôi lấy yếu tố gia đình là cốt lõi, làm gì cũng hướng đến gia đình. Mình muốn tạo dựng sự nghiệp thì cũng hướng về gia đình, từ đó tạo sự lâu dài và bền vững hơn”, chị Bình nói.

Theo chị Bình, thiệt thòi của người phụ nữ có con nhỏ như chị là hạn chế việc đi công tác dài ngày. Tuy nhiên, chị rất may mắn khi chồng cùng đồng hành chăm lo gia đình toàn vẹn, cả hai bổ trợ cho nhau, khi người này lo công việc thì người kia lo con cái và ngược lại.

“Khởi nghiệp là một hành trình cô đơn, chông chênh và nhiều thử thách, đặc biệt là đối với phụ nữ. Họ thường bị cảm xúc chi phối và có nhiều rào cản hơn so với đàn ông. Nếu rèn luyện sự tích cực, khả năng tự chữa lành và cân bằng giữa hạnh phúc gia đình và công việc, thì mọi thứ sẽ trọn vẹn hơn”, doanh nhân Phạm Thị Thanh Bình chia sẻ.

Trao đổi ngắn với doanh nhân Phạm Thị Thanh Bình

Mỗi khi gặp khó khăn, chị làm gì để vượt qua?

Khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, chúng ta phải tập trung suy nghĩ một cách thấu đáo, tích cực tìm hướng đi tốt hơn.

Phương châm kinh doanh của chị là gì?

Đó là “làm công trình của khách hàng giống như làm công trình tâm huyết của chính mình”. Nhờ phương châm này mà tôi được rất nhiều khách hàng ủng hộ.

Người phụ nữ hiện đại cần làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình và phát triển công việc?

Cần cân đối thời gian cho gia đình và công việc một cách hợp lý, phải rèn cho mình một ý chí, lối sống tích cực, khả năng tự chữa lành và cân bằng cảm xúc.

Tin bài liên quan