Từ góp sức đem lại lợi ích cho cộng đồng…
Tôi nhớ như in những chia sẻ của Phạm Hải Quỳnh về vùng biển đảo Quan Lạn trong chuyến khảo sát du lịch miền Trung cùng anh cuối năm 2018. Trong mỗi câu chuyện, Quỳnh không giấu nổi xúc động và tự hào về mảnh đất đã sinh ra anh, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích vàng son về bến cảng giao thương đầu tiên của đất nước cùng truyền thống võ công vệ quốc hào hùng của cha ông.
“Hãy đến với Quan Lạn để thấy ý chí quật cường của người dân nơi đây. Vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn nơi đầu sóng, ngọn gió, người Quan Lạn đã kế thừa và phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân, đang từng bước đưa Quan Lạn đổi thay, phát triển”, Quỳnh tự hào nói.
Chính sự hào sảng, chân tình của người miền biển đã thôi thúc chúng tôi xách ba lô lên đường đến với Quan Lạn vào một ngày đầu tháng 6.
Xuất phát từ Hà Nội, sau hơn 3 giờ xe chạy, chúng tôi có mặt tại bến cảng Vân Đồn. Nắng vàng như rót mật, phủ lên mặt biển xanh biêng biếc một sắc màu huyền ảo. Sau gần 1 giờ lãng đãng giữa không gian bao la của biển núi, mây trời hòa quyện, thả hồn theo từng cơn gió mát rượi mang hương vị mặn mòi của biển, chúng tôi đã có mặt tại Quan Lạn - hòn đảo kỳ vỹ, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Quỳnh chẳng mấy dư dả thời gian, do đang trực tiếp điều hành, quản lý 5 doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng, nhưng anh vẫn thu xếp công việc để trở về đảo, đích thân “cầm mic, cầm lái” phục vụ cánh nhà báo trong những ngày ở Quan Lạn.
“Không ai hiểu rõ mảnh đất quê hương bằng chính bản thân mình”, Quỳnh bắt đầu bằng những hồi ức thuở thiếu thời, câu chuyện thấm đẫm dư vị cảm xúc về những tháng ngày vất vả, nhọc nhằn.
“Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi tôi được sinh ra, Quan Lạn còn là vùng đất hoang sơ, khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt. Trên đảo không có điện, thuyền máy cũng chưa có. Dù chỉ cách đất liền khoảng 40 km, nhưng mỗi lần vào bờ là mỗi lần tai ương rình rập, khi lênh đênh trên biển cả, lo giông tố ập đến. Người dân ở đảo chủ yếu làm ngư nghiệp, chăn nuôi rất khó khăn…”, Quỳnh nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Quỳnh không chọn đất liền, mà quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Lúc đó, phương tiện tàu thuyền đã được cải thiện nhiều, nhưng cũng phải mất vài giờ đồng hồ mới đến được đảo Quan Lạn. Bước vào nghề du lịch với công việc hướng dẫn viên cho Công ty Vân Hải Viglacera, sau đó, anh được bổ nhiệm trưởng phòng kinh doanh du lịch.
Công việc của Quỳnh khá suôn sẻ. Từ chỗ rất ít người biết đến, Quan Lạn bắt đầu có các đoàn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất, dịch vụ, nhân lực. Điện đã có, nhưng không ổn định, không dùng được điều hòa do điện lưới không thể đáp ứng; đội ngũ nhân lực du lịch hầu như chưa được đào tạo...
“Phải làm thế nào để cùng bà con làm du lịch, phát huy tính cộng đồng, tạo ra sản phẩm, mở rộng thu hút du khách đến với Quan Lạn và lưu trú lại lâu hơn, từ đó mang lại lợi ích cho bà con xã đảo?”, với suy nghĩ đó, Quỳnh quyết định thành lập công ty để triển khai các kế hoạch đang ấp ủ. “Nhiều dự định sẽ không thể thực hiện được, nếu mình chỉ làm thuê”, anh quả quyết.
Năm 2005, Vân Hải Xanh chính thức đi vào hoạt động, trở thành đơn vị tiên phong về du lịch cộng đồng, đặt nền tảng về tuyến điểm, dịch vụ, lưu trú cho các hoạt động du lịch tới Quan Lạn sau này.
Khởi đầu với muôn vàn khó khăn, bởi bà con chưa biết gì về du lịch, nên với cách chế biến món ăn, phục vụ du khách…, Vân Hải Xanh cũng phải hướng dẫn từng bước.
Từ sự tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đến công việc của người dân trên đảo hàng ngày, Quỳnh cùng bà con tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt như “Lịch sử hào hùng Quan Lạn”, “Một ngày làm ngư dân”…
Du khách đến đây sẽ trải nghiệm đi thuyền rồng, mặc trang phục của quân lính triều đình ngày xưa, chèo thuyền trên dòng sông Mang huyền thoại, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Trần Khánh Dư.
Còn nếu tham gia chương trình làm ngư dân, du khách sẽ được trang bị những dụng cụ nghề ngư, cùng ngư dân đánh bắt hải sản với những trải nghiệm rất thú vị như cào ngao, cào hến, đánh lưới, bắt ốc… “Thành quả” sau một ngày làm ngư dân sẽ được chế biến luôn hoặc sơ chế để mang về làm quà, tùy theo ý thích của du khách.
Du lịch mang lại cho bà con ngư dân tại Quan Lạn nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh nghề đi biển, khiến họ có thêm động lực để cùng chung tay làm du lịch với doanh nghiệp…
Với những nỗ lực phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Quan Lạn, Phạm Hải Quỳnh được ngành du lịch Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tin tưởng, giao trọng trách đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng (nay là Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam) với mục đích kết nối các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, các đơn vị lữ hành để tập trung khai thác, hỗ trợ sản phẩm du lịch cộng đồng.
Đến khát vọng phát triển vùng biển đảo quê hương
Hiểu Quan Lạn đến… từng centimet, Quỳnh giới thiệu, Quan Lạn nằm ở phía Nam đảo Vân Hải, như một điểm nhấn giữa hai viên ngọc nằm giữa biển khơi là đảo Ngọc Vừng và đảo Minh Châu. Đảo có 12 bãi tắm lớn nhỏ, trong đó, 4 bãi biển đẹp nhất là Sơn Hào, Quan Lạn, Minh Châu và Cồn Khởi. Bên cạnh đó, những bãi Thiên Lôi, Chân Tiên, bãi cát Công Chúa… cùng nhiều ghềnh đá, cồn đá, bãi đá gắn với truyền thuyết, tạo nên sự phong phú về văn hóa, cũng là nơi gửi gắm vào thế giới tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống của người dân trên đảo.
Gần đây, Chi hội Du lịch Vân Đồn được sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kết nối, đồng hành, mang lại giá trị chung cho cộng đồng, tăng cường đoàn kết để đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả, thu hút đông đảo khách du lịch. Nhiều điểm mới như cồn cỏ Thanh Hao, các ghềnh đá, bãi đá, đình, đền, chùa… được đưa vào chương trình du lịch, tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm du lịch trên đảo, đồng thời để nhân dân, du khách cảm nhận rõ hơn về những giá trị văn hóa - lịch sử. Tất cả những yếu tố đó đã tạo động lực để những người con của đảo phát huy thế mạnh bề dày lịch sử, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ để phát triển du lịch bền vững.
“Chúng tôi mong muốn, tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện các quy hoạch, cũng như có những chính sách hỗ trợ về hạ tầng, đường sá, điện, nước… để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, du khách cũng như các nhà đầu tư đến với Quan Lạn, tạo bước đột phá cho Quan Lạn”, Quỳnh bày tỏ.
Hiện nay, điều khiến Quỳnh trăn trở là công tác dự báo thời tiết (đặc biệt là ở các vùng đảo xa đất liền) chưa kịp thời cập nhật. Thông tin thời tiết không chuẩn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch ngoài đảo, du khách và các hãng lữ hành, nhà xe, nhà tàu…. Anh cũng đã nhiều lần đề xuất với tỉnh, các sở, ngành và hiệp hội du lịch về việc lắp đặt hệ thống camera trực diện tại điểm du lịch để có thể kiểm tra online, loại bỏ hoàn toàn các thông tin “nhiễu” về tình hình thời tiết.
“Nếu làm được điều này, không chỉ Quan Lạn mà tất cả các điểm du lịch sẽ rất tiện lợi trong việc tra cứu thông tin thời tiết, giảm đáng kể những bất lợi cho các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, dịch vụ cũng như du khách…”, Quỳnh nói.
Mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn đến nay đã phát triển được hơn 10 năm. Các sản phẩm du lịch cộng đồng trên đảo ngày một hoàn thiện và đa dạng, phong phú hơn, mang lại nhiều sự lựa chọn cho du khách.
Đặc biệt, sự đồng hành của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong lựa chọn sản phẩm du lịch và bổ sung giá trị văn hóa - lịch sử đã tạo nên sản phẩm hoàn thiện hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu và mang lại niềm vui trải nghiệm cho du khách khi đến đảo.