Doanh nhân nữ vượt qua nghịch cảnh

Doanh nhân nữ vượt qua nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ sức mạnh và bản lĩnh vững vàng của đội ngũ doanh nhân nói chung và nữ doanh nhân nói riêng khi phải đối mặt với nghịch cảnh.

Phụ nữ trên khắp thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó 87% nữ chủ doanh nghiệp phải đối mặt với những tác động tiêu cực.

Việc phụ nữ đang tham gia tập trung trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do suy thoái kinh tế (như du lịch, bán lẻ, hay ăn uống), khoảng cách giới rõ ràng về kỹ thuật số trong thế giới ngày càng số hoá, đi kèm áp lực chăm sóc con cái là một vài trong số rất nhiều yếu tố khiến phụ nữ dễ bị tổn thương, nhất là tại các nền kinh tế như Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan.

Dựa trên dữ liệu công khai từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lao động Quốc tế, “Chỉ số Nữ doanh nhân 2020” của Mastercard đã cung cấp bảng xếp hạng toàn cầu về sự tiến bộ của phụ nữ trong kinh doanh trước đại dịch ở 58 nền kinh tế (trong đó có 15 thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương), chiếm gần 80% lực lượng lao động nữ.

Lần đầu tiên, Israel vươn lên từ vị trí thứ 4 năm 2019, trở thành nền kinh tế lý tưởng nhất cho các nữ doanh nhân trên toàn thế giới. Với tham vọng tăng gấp đôi số lượng nữ doanh nhân trong 2 năm, thành công của Israel được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ thể chế tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhờ đó, xếp hạng “Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” của Israel đã tăng từ vị trí thứ 42 năm 2019 lên hạng nhất năm 2020.

Hai quốc gia đứng ở vị trí số 1 và số 2 trong khảo sát năm 2019 là Hoa Kỳ và New Zealand giảm lần lượt xuống vị trí thứ 2 và thứ 4 trong báo cáo năm 2020, song kết quả này vẫn cho thấy họ tiếp tục tập trung vào các điều kiện thúc đẩy phụ nữ trong kinh doanh.

Ở cả hai nền kinh tế, nhận thức văn hóa về khởi nghiệp, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo nữ làm hình mẫu cho các chủ doanh nghiệp đầy tham vọng và các điều kiện hỗ trợ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong thành công của các quốc gia này.

Đáng chú ý, phần lớn các nền kinh tế (34/58 nền kinh tế trong báo cáo này) đạt điểm từ 60 đến 70 như Australia, Indonesia, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam (63,87) và Malaysia trong khi 13 nền kinh tế có điểm thấp hơn – từ 50 đến 60 điểm, có Nhật Bản và Ấn Độ.

Trong số 58 thị trường được xếp hạng, có 12 thị trường tăng trưởng từ 5 bậc trở lên so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi 10 thị trường giảm từ 5 bậc trở lên. Các thị trường đang tăng trưởng nhanh của châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc (+6) và Indonesia (+5), trong khi mức giảm nhiều nhất là Singapore (-12), Philippines (-10), Hồng Kông (-8) và Việt Nam (-7).

Phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt được những tiến bộ đáng ngưỡng mộ trong kinh doanh. Philippines, Thái Lan, Việt Nam và New Zealand lần lượt xếp ở vị trí thứ 2, 6, 9 và 10 về “Kết quả tiến bộ của phụ nữ”, đo lường sự tiến bộ cũng như mức độ thiệt thòi về kinh tế và nghề nghiệp với tư cách là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia, doanh nhân và những người tham gia vào lực lượng lao động.

Kết quả đã nhấn mạnh bất bình đẳng giới vẫn tiếp tục tồn tại, bất kể mức độ thịnh vượng, phát triển, quy mô và vị trí địa lý của nền kinh tế, thậm chí từ trước đại dịch.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng tình trạng vốn hiện hữu từ trước đó, làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của phụ nữ ở một mức độ lớn hơn so với nam giới do các yếu tố tồn tại từ trước, bao gồm công việc và lĩnh vực phụ nữ có xu hướng làm việc, chăm sóc trẻ em và trách nhiệm gia đình cũng như bất bình đẳng giới trong kinh doanh.

Đại dịch đã tác động xấu đến mọi cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, các nữ doanh nhân đã thể hiện khả năng phục hồi của mình bằng cách nhanh chóng thích ứng với các cách thức làm việc kỹ thuật số mới, xem xét các mô hình hiện có và khai thác các cơ hội kinh doanh mới.

Áp lực điều hành doanh nghiệp thời Covid-19 rất lớn

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Flamingo.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Flamingo.

Tập đoàn Flamingo gặp nhiều khó khăn khi đại dịch y tế toàn cầu Covid-19 càn quét nền kinh tế. Chúng tôi có các mảng kinh doanh dịch vụ, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Đây cũng là những lĩnh vực chịu tổn thương lớn khi Covid-19 xảy ra.

Tại Tập đoàn Flamingo, số lượng nữ lãnh đạo tham gia điều hành cũng chiếm phần đông nên chúng tôi cũng có nhiều áp lực khi công việc kinh doanh khó khăn hơn. Chúng tôi phải thay đổi chiến lược kinh doanh mới cho phù hợp với tình hình.

Đối với mảng kinh doanh dịch vụ, chúng tôi phải đưa ra những chính sách phù hợp trong tình huống hiện tại nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời cũng phải đảm bảo giữ an toàn cho cán bộ nhân viên của mình và toàn bộ resort. Hay đối với mảng kinh doanh bất động sản, chúng tôi có những đầu tư mới nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giữ chân nhóm khách hàng cũ và thu hút thêm các khách hàng mới.

Tôi kỳ vọng triển vọng kinh doanh năm nay sẽ sáng hơn, xác định dịch bệnh không thể kết thúc sớm được, nhưng không vì thế mà tất cả ngừng lại.

Đồng lòng vượt khó

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.

Năm qua là khoảng thời gian đầy khó khăn và thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp. Thay vì lo sợ, FPT Retail đã chọn cách đối mặt với thách thức và đồng lòng vượt khó.

Chúng tôi đã nhanh chóng đổi mới phương thức bán hàng, điển hình là đẩy mạnh bán online trong giai đoạn giãn cách xã hội…

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang tính cực chuyển đổi số để tối ưu chi phí, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Với sự kiên định, nữ doanh nhân sẽ luôn có mục tiêu rõ ràng trước mắt để hướng đến mà không bị phân tán bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, sự mềm mỏng sẽ giúp nữ doanh nhân uyển chuyển, linh động trong cách quản lý, từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn, dễ chạm gần đến với số đông nhân viên bởi ‘lạt mềm buộc chặt’.

Năm 2021, FPT Retail kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng trở lại sau một năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, chuỗi ICT sẽ có sự hồi phục nhẹ trong khi chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến doanh thu tăng gấp 2 lần năm 2020.

Tôi tự tin về sự phát triển của Long Châu khi đa số các cửa hàng hoạt động trên 6 tháng của Long Châu đều có lãi, do đó khi số lượng cửa hàng này đủ lớn để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và phần lỗ của các shop mở mới thì Long Châu sẽ đạt được điểm hòa vốn.

Tin bài liên quan