Bỏ dở đại học, khởi nghiệp từ tay trắng
Xuất thân từ một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Nguyễn Xuân Diệu thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Do vậy, ngay từ nhỏ, cậu học trò nghèo đã nỗ lực không ngừng, luôn đạt thành tích cao trong học tập và nuôi chí lớn trở thành một doanh nhân.
Yêu thích công nghệ thông tin, nên chàng trai nghèo đất học Hà Tĩnh đã ghi tên mình vào Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Khoa học Huế). Tuy vậy, đến năm thứ 2 đại học (năm 2008), với niềm đam mê kinh doanh và khát khao làm giàu, Xuân Diệu quyết định dừng học đại học để khởi nghiệp với Công ty cổ phần Tuổi trẻ Việt, chuyên kinh doanh máy tính, hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên, giúp các em được tiếp cận máy tính với mức giá hợp lý. Lúc đó, trong tay Xuân Diệu chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng.
Bắt đầu từ con số 0, song nhờ cách làm việc bài bản, khoa học, trí tuệ, Xuân Diệu đã có được những thành công ban đầu. Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, Xuân Diệu tiếp tục tìm hiểu để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Năm 2011, anh “bén duyên” với lĩnh vực giáo dục và quyết định thành lập Viện Đào tạo Doanh nhân Việt nhằm tổ chức các khóa đào tạo cho sinh viên, doanh nghiệp và những người có đam mê khởi nghiệp.
Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, 2 doanh nghiệp của Xuân Diệu gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở, dù tiếc nuối những đứa con tinh thần mà bản thân đã dành rất nhiều công sức gây dựng, cuối năm 2015, anh quyết định dừng công việc kinh doanh ở Huế để vào TP.HCM kiếm tìm cơ hội mới.
Ở TP.HCM, Xuân Diệu trải qua một số vị trí, từng làm tư vấn chiến lược cho Công ty cổ phần Loca (chuyên gia công và phân phối mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất tại Thái Lan và Hàn Quốc). Năm 2016, cơ duyên đưa anh tới Tập đoàn Đại Việt.
Với kinh nghiệm và năng lực kinh doanh nổi trội, Nguyễn Xuân Diệu nhanh chóng được Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Việt bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc chiến lược.
Chia sẻ với chúng tôi về tảo xoắn Spirulina - sản phẩm thế mạnh của Tập đoàn Đại Việt, CEO Nguyễn Xuân Diệu cho biết, đây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người, được cả thế giới công nhận. Ở Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Lân Dũng (chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học) là người có công rất lớn mang giống sản phẩm này từ Pháp về Việt Nam và đã hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất với mong muốn giúp nâng cao sức khỏe cho người Việt.
Tuy nhiên, trong suốt hơn 40 năm qua, chưa doanh nghiệp nào tại Việt Nam có thể hoàn thành ước mơ đó của vị giáo sư. Khi đầu quân cho Tập đoàn Đại Việt, Xuân Diệu đã tìm gặp GS-TS. Nguyễn Lân Dũng để trình bày Dự án Sản xuất, kinh doanh tảo xoắn Spirulina trên quy mô lớn.
Với hoài bão lớn cùng dự án khoa học, trình bày thuyết phục, Xuân Diệu đã nhận được cái gật đầu quý giá của GS-TS. Nguyễn Lân Dũng. Ông đã vui vẻ nhận lời làm cố vấn khoa học cho Tập đoàn Đại Việt để phát triển sản xuất và kinh doanh tảo xoắn Spirulina.
Với sự kết hợp hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp; sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, bài bản trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh, chỉ trong vòng 3 năm, Tập đoàn Đại Việt đã gặt hái được những thành công trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tảo xoắn Spirulina mà trước đó, chưa doanh nghiệp nào đạt được.
Sản phẩm tảo xoắn Đại Việt đã vinh dự nhận giải Nhì - Giải thưởng Vifotech và được lọt vào Sách vàng Sáng tạo khoa học Việt Nam. Với cá nhân, sau hành trình dài nỗ lực nâng chất lượng, đưa sản phẩm đến với đông đảo người dân, CEO Nguyễn Xuân Diệu được những thành viên trong Tập đoàn mệnh danh là “người viết nên bản hùng ca tảo xoắn Đại Việt”.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Diệu (bên phải) |
Tham vọng đưa tảo xoắn Spirulina ra “biển lớn”
Dù Đại Việt đã đạt được nhiều thành tích kinh doanh với sản phẩm tảo xoắn Spirulina, song trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn. Để làm được điều này, Nguyễn Xuân Diệu cùng các chuyên gia ngày đêm học hỏi và nghiên cứu để tối ưu hóa tất cả các khâu, từ nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh.
Với sự nỗ lực của tập thể và dấu ấn cá nhân của CEO Nguyễn Xuân Diệu, đến nay, Tập đoàn Đại Việt có 2 khu nuôi trồng và chế biến (hơn 10 ha) ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) và huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Đặc biệt, Tập đoàn đã xây dựng thành công nhà máy sản xuất tảo xoắn Spirulina đạt chuẩn GMP đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Đại Việt còn thành lập Viện Công nghệ Đại Việt nhằm hội tụ các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam để nghiên cứu chuyên sâu về nuôi trồng, sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
CEO Nguyễn Xuân Diệu cho biết, để nâng chất lượng sản phẩm, có mức giá phù hợp với phần đông người dân, Đại Việt luôn trăn trở tìm kiếm những công nghệ hàng đầu thế giới, áp dụng vào việc nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn Spirulina.
CEO Nguyễn Xuân Diệu tặng quà cho các nghệ sĩ trong đoàn làm phim "Trạng lợn" |
Ngoài ra, Tập đoàn còn nghiên cứu để phối kết hợp các dược liệu quý hiếm cùng với tảo xoắn Spirulina để sản xuất ra những dòng sản phẩm tốt nhất hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân Việt Nam. Trong năm 2022, Đại Việt dự kiến ra mắt 100 dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị một số bệnh lý được kết hợp từ tảo xoắn Spirulina và các dược liệu quý hiếm.
Trong hành trình của mình, Đại Việt sẽ tiếp tục đầu tư 2 dự án mới ở Hà Tĩnh và Quảng Bình nhằm đáp ứng đủ sản phẩm cho người dân trong nước, để hiện thực hóa tham vọng mỗi người dân Việt đều được sử dụng tảo xoắn Spirulina hằng ngày và hướng đến xuất khẩu trong vòng 3 năm tới.
Từ năm 2016, Nguyễn Xuân Diệu quyết định thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn DVH và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. DVH kinh doanh đa ngành nghề, là đối tác của Tập đoàn Đại Việt để cùng nhau thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường, CEO Nguyễn Xuân Diệu luôn ấp ủ mục tiêu số hóa việc vận hành, quản trị doanh nghiệp. Anh cho rằng, đây là yếu tố sống còn, quyết định thành, bại của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, Đại Việt và DVH đã ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó mà đến nay, với quy mô hàng chục ngàn nhân sự, kinh doanh ở khắp 63 tỉnh, thành phố với hơn 30 văn phòng, nhà máy sản xuất lớn, nhỏ trải dài trên toàn quốc, mọi hoạt động của doanh nghiệp luôn được vận hành trôi chảy, khoa học.
Không chỉ thực hiện chuyển đổi số thành công cho Tập đoàn Đại Việt và DVH, CEO Nguyễn Xuân Diệu còn mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện thành công định hướng này.
Vậy nên, dù công việc rất bận rộn, nhưng Xuân Diệu vẫn luôn dành thời gian để tham gia các chương trình hội thảo, đào tạo nhằm đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt.
Khi được hỏi ước mơ lớn nhất của bản thân là gì, Nguyễn Xuân Diệu chỉ cười hiền trả lời, mong mỏi lớn nhất của anh là học theo GS-TS. Nguyễn Lân Dũng, mang sức khỏe, hạnh phúc đến với mọi người dân Việt Nam; đồng thời giúp mọi người, mọi doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để phát triển kinh doanh.
Trò chuyện với CEO Nguyễn Xuân Diệu
Sản phẩm tảo xoắn Spirulina của Đại Việt có thế mạnh gì để có thể chinh phục người tiêu dùng?
Đại Việt luôn xác định rõ đối tượng sử dụng để nghiên cứu sản xuất sản phẩm đúng theo nhu cầu của người sử dụng (về độ tuổi, giới tính, bệnh lý…).
Tham vọng đưa sản phẩm tảo xoắn Spirulina ra quốc tế liệu có quá sức với Đại Việt?
Chúng tôi đặt ra mục tiêu dựa trên năng lực hiện tại. Đại Việt không chỉ nghiên cứu rất kỹ về thị trường, tổ chức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, mà luôn chú trọng nghiên cứu khoa học để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp nhất cho người sử dụng.
Luôn bận rộn với công việc kinh doanh, vậy anh sắp xếp thời gian cho bản thân và gia đình thế nào?
Tôi luôn dành thời gian rảnh để ở bên gia đình, đưa các con tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tôi cũng thường đưa các con đến tham quan, trải nghiệm quá trình nuôi cấy, sản xuất tảo để các con có thể hiểu hơn về công việc của bố.
Ngoài kinh doanh, anh có niềm đam mê nào khác?
Ngoài kinh doanh, tôi mong muốn được giảng dạy và phát triển công nghệ vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.