Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ: Hành trình xây dựng chuỗi “thực phẩm hạnh phúc”

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 10 năm trước, với mong muốn cung cấp chuỗi “thực phẩm hạnh phúc”, doanh nhân Nguyễn Văn Thứ thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, trong đó, nha đam là sản phẩm chủ lực.
Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C.

Nâng giá trị thương hiệu nha đam Việt

Theo doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, trong cả 3 khâu của quá trình sản xuất - tiêu thụ nông sản: từ khâu trồng trọt ở trang trại; tới sản xuất, chế biến ở nhà máy và bán hàng ở các kênh tiêu thụ đều đang tồn tại các mâu thuẫn và thiếu sự đồng bộ, khiến chất lượng sản phẩm không đảm bảo, giá nông sản thấp và cuộc sống của người sản xuất khó khăn hơn.

Vì vậy, ông Thứ cùng đội ngũ GC Food quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng - chuỗi “thực phẩm hạnh phúc” - để có thể điều phối sản xuất một số mặt hàng nông sản, đảm bảo quyền lợi và sự liên kết của các bên tham gia, dựa trên tiêu chí thực phẩm an toàn, nhằm hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Hành trình xây dựng chuỗi thực phẩm hạnh phúc của ông Thứ bắt đầu từ năm 2011, với việc xây dựng nhà máy sản xuất nha đam ở Đồng Nai.

Cuối năm 2011, sau khi nhà máy đi vào hoạt động, GC Food “mở hàng” với các đơn hàng nội địa. Đầu năm 2013, doanh nghiệp có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, sau gần 1 năm thiết lập mối quan hệ với đối tác.

Hiện tại, GC Food bao gồm 4 công ty thành viên, văn phòng tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) và các nhà máy tại Ninh Thuận, Đồng Nai. Trong đó, nhà máy chế biến nha đam hiện đại và lớn nhất Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ khoảng 35.000 tấn lá nha đam, tương đương 15.000 tấn thành phẩm.

Đưa sản phẩm tới hơn 20 thị trường trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á… và cạnh tranh tốt tại những thị trường này, G.C Food đang là đơn vị xuất khẩu nha đam hàng đầu Việt Nam. Ở trong nước, các sản phẩm từ nha đam của GC Food cũng đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng lớn chuyên sản xuất sữa chua, nước giải khát và chuỗi nhà hàng, quán cà phê…

Trong kinh doanh, thành quả chỉ đến khi doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, hợp lý và hiệu quả. Để có được những kết quả ngày hôm nay, ông Thứ đã dồn rất nhiều tâm huyết vào vùng trồng tại Ninh Thuận; mạnh tay đầu tư máy móc, thiết bị tại nhà xưởng và hệ thống xử lý nước thải; đào tạo nhân sự chất lượng cao, chăm lo đời sống người lao động…

Ngoài ưu tiên mở rộng vùng nguyên liệu tại Ninh Thuận, GC Food còn mở rộng hợp tác, liên kết với một số công ty và hộ gia đình tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên… để trồng thử nghiệm.

Trong dự kiến của ông Thứ, trong vòng 3 năm tới, tổng diện tích vùng nguyên liệu của GC Food đạt khoảng 200 ha, cung cấp đủ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đáp ứng xu hướng sử dụng sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Điều hành, dẫn dắt và cùng đội ngũ xây dựng GC Food trở thành một thương hiệu mạnh, đi đầu trong việc góp phần nâng cao giá trị thương hiệu nha đam Việt, những nỗ lực của ông Thứ đã được ghi nhận. Cuối năm 2022, doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt (một trong 4 công ty con thuộc GC Food) vinh dự nhận Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, ông Thứ được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ.

Từng là một “tay ngang”

Khi quyết định đầu tư phát triển nông nghiệp, doanh nghiệp phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng, an toàn và giúp người nông dân sống tốt trên chính vùng đất của mình.

- Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C

Trước khi thành lập GC Food, doanh nhân Nguyễn Văn Thứ từng làm việc tại một ngân hàng thương mại với mức thu nhập được nhiều người mơ ước.

Quyết định khởi nghiệp ở tuổi 36 của ông Thứ bắt nguồn từ những trăn trở với nông sản Việt. Khi đó, ông nhận thấy, hầu hết doanh nghiệp sản xuất nông sản chủ yếu thu mua nông sản thô, xuất khẩu với giá trị không cao. Những mặt hàng xuất khẩu tốt như hạt tiêu, cà phê, hạt điều… cũng đều khó tránh khỏi câu chuyện giá cả lên xuống thất thường…

Chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về ý tưởng kinh doanh, thực hiện các khâu thu mua, sản xuất nông sản rồi xuất khẩu sản phẩm ra thế giới, ông Thứ nhận được… sự can ngăn của mọi người và hàng loạt câu hỏi về việc kết nối với khách hàng nước ngoài; cách thức, quy trình chế biến nông sản; chiến lược cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu…

“Những câu hỏi đó rất khó trả lời và khiến tôi phải suy nghĩ nhiều hơn, đặt ra bài toán tiếp cận đối tác nước ngoài, nắm bắt cơ hội kinh doanh để nâng cao giá trị nông sản”, ông Thứ kể.

Với quyết tâm khởi nghiệp, ông Thứ bắt đầu từ việc tìm kiếm nông sản phù hợp để thu mua và chế biến. Trong khoảng 5 năm, ông dành nhiều thời gian về các miền quê, lên cao nguyên, xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất nông nghiệp…

Sau một thời gian dài nghiên cứu và hiểu rõ về nông sản, ông Thứ quyết định chọn nha đam - loại cây “lành tính”, gần gũi với người dân, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng giá trị gia tăng còn thấp, quy mô vùng trồng và nhà máy sản xuất hạn chế.

Năm 2011, ông Thứ chính thức thành lập GC Food và xây dựng nhà máy sản xuất nha đam ở Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai).

Là “tay ngang” chuyển sang hoạt động sản xuất, nên dù đã học hỏi kinh nghiệm, đọc nhiều tài liệu… để tự viết ra quy trình sản xuất, ông Thứ vẫn gặp rất nhiều khó khăn và GC Food cũng gặp phải không ít sự cố.

Giai đoạn đầu, các lô hàng nha đam bị hư hỏng, mỗi lô khoảng vài chục tấn, giá trị thời điểm đó khoảng 2 tỷ đồng - con số không hề nhỏ với một doanh nghiệp mới thành lập.

Tiếp đến, là câu chuyện vùng trồng mà hầu hết doanh nghiệp chế biến nông sản đều gặp phải. Ông Thứ kể, khi đó, bà con ở vùng nguyên liệu thuộc tỉnh Ninh Thuận bị mất niềm tin khi nhiều doanh nghiệp hứa hẹn hỗ trợ và tiến hành thu mua nông sản, nhưng lại không thực hiện.

Để thuyết phục nông dân, GC Food cung cấp chi phí cho bà con xây dựng mương nước, mua giống hỗ trợ bà con và tăng giá thu mua khi đến mùa thu hoạch để hài hòa giữa lợi ích của người nông dân và sự ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

Khó khăn chưa hết, khi nha đam thành phẩm của Công ty bị nhiều khách hàng chê quá mềm và nhớt… Ông Thứ cùng đội ngũ của mình lại tiếp tục cải tiến, tìm hiểu thêm kỹ thuật, thực nghiệm nhiều lần để tạo ra sản phẩm nha đam vừa tươi, vừa giòn và chất lượng.

Ông nói, mình may mắn khi có đội ngũ nhân viên, cộng sự luôn biết động viên nhau, đồng lòng giải quyết các vấn đề phát sinh, chọn ra phương án tối ưu… Nhờ đó, GC Food đã vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.

Tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm

Sau 4 năm hoạt động, năm 2015, GC Food phải trả lại mặt bằng nhà xưởng ở Trảng Bom vì hết hợp đồng. Ông Thứ quyết định đến Ninh Thuận thuê đất, xây dựng nhà máy chuyên nghiệp tại vùng nguyên liệu.

Từ những thành công với sản phẩm nha đam, năm 2016, GC Food tiến thêm một bước trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu thu mua thạch dừa của Malaysia và Thái Lan, nhưng giá khá cao và không đủ sản lượng. “Rất may mắn, GC Food được một doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn để phát triển quy trình sản xuất cao cấp nhằm xuất khẩu sang thị trường Nhật. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp học hỏi kỹ thuật sản xuất thạch dừa của Nhật Bản”, ông Thứ kể.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, lại có sự hỗ trợ của đối tác, ông Thứ không ngần ngại đầu tư thêm nhà máy sản xuất thạch dừa với diện tích 11.000 m2 tại Khu công nghiệp Hố Nai (Trảng Bom, Đồng Nai). Đây là nhà máy sản xuất thạch dừa chế biến lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất trên 20.000 tấn thạch/năm.

Ngoài ra, nhận thấy vùng đất Ninh Thuận có những đặc điểm khí hậu (ánh nắng và gió) khác biệt so với các địa phương khác, nên GC Food đầu tư trồng dưa lưới, nho, táo, ổi… tại nông trại Nắng và Gió, với quỹ đất hơn 100 ha của doanh nghiệp. Các loại nông sản này được trồng theo hướng tự nhiên và đã đạt được các chứng nhận trong nước và quốc tế như Global GAP, ISO 22000:2005, FDA, USDA, Halal, OCOP…

Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, ông Thứ cho biết, GC Food sẽ tiếp tục đầu tư

mở rộng vùng nguyên liệu; chủ động mua đất và thuê đất để tự trồng nguyên liệu nhằm chủ động đáp ứng một phần hoạt động sản xuất, tiếp tục giữ vững “phong độ” của doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất và xuất khẩu nha đam.

“Chúng tôi có kế hoạch hợp tác với một số công ty nước ngoài để chế biến chuyên sâu, hướng tới thành lập nhà máy nước giải khát chuyên về nha đam với mục tiêu phục vụ xuất khẩu và góp phần mở rộng danh mục sản phẩm của GC Food trong thời gian tới”, ông Thứ chia sẻ.

Chủ tịch GC Food cũng nhấn mạnh, muốn sản xuất và chế biến nông sản, doanh nghiệp cần đi từ nguyên liệu tốt, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và thu hút được các thị trường tiêu thụ trên thế giới. GC Food luôn giữ vững 3 tiêu chí trên để có hướng đi phù hợp trong nhiều năm qua.

Tin bài liên quan