Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh và “bức tâm thư nước sạch” tới người dân quê hương

Dịu dàng, nhưng mạnh mẽ và quyết đoán. Những tính cách tưởng chừng trái ngược ấy lại tồn tại song song trong con người bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh. Có lẽ, cũng chính những phẩm chất ấy đã giúp bà đưa Công ty Mai Thanh đi đến những thành công ngày hôm nay.

1.

Gặp và trò chuyện với bà Thanh khá nhiều, nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất lại chính là bức tâm thư mà bà gửi tới những người nông dân quê mình ở Nghĩa Hưng (Nam Định). Bức tâm thư ấy bắt đầu bằng câu chuyện về những người Việt Nam mắc bệnh và tử vong chỉ vì hàng ngày phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và khát khao cháy bỏng để “người dân quê mình” được sử dụng nước sạch.

Khát khao đó đã được “chắp cánh” khi Nam Định có chủ trương đưa nước sạch về nông thôn. Đó là ngày mà theo bà Thanh thì cuộc sống của bà “bỗng chốc đứng trước sự thay đổi lớn”.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh và “bức tâm thư nước sạch” tới người dân quê hương ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh: Đề cao lời hứa với chính mình và với khách hàng. 

Thay đổi là phải, bởi người dân Nam Định đều biết, Mai Thanh là cái tên gắn liền với các loại ống nhựa uPVC, HDPE, PRR mang thương hiệu Phú Mỹ Tân và Tuấn Huy.

Hơn 10 năm nay, Mai Thanh đã được định danh là một công ty nổi tiếng vùng Đồng bằng sông Hồng, chuyên sản xuất và phân phối các loại ống nhựa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vậy mà, lần này thì khác hẳn, Mai Thanh quyết định xây dựng một nhà máy cấp nước sạch, hiện đại có hệ thống điều khiển tự động công nghệ nhập khẩu từ Mỹ cho ra sản phẩm nước sạch của Bộ Y tế, bắt đầu từ xã Nghĩa Sơn và đã khởi công xây dựng từ cuối năm 2016.

Dự kiến, 1 - 2 tháng nữa, người dân Nghĩa Sơn sẽ được dùng nước sạch.

Bây giờ thì đã đến lúc hái quả ngọt và đã có thể tạm yên lòng. Chứ nhắc lại chuyện của 1-2 năm về trước, bà Thanh cho biết, suốt một năm ròng, bà đã phải lao tâm khổ tứ đi tìm hiểu các nhà máy nước ở Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM, thậm chí sang Singapore, học hỏi cả Israel…

Đi nhiều và nghiên cứu để biết và hiểu rằng, không thể làm nửa chừng, không thể sử dụng công nghệ lạc hậu. Phải sử dụng công nghệ tốt nhất của nước ngoài, ống dẫn nước cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu, bởi với bà Thanh, chỉ những gì tốt nhất mới bền vững và mang lại giá trị cho người dân.

Công nghệ là một chuyện. Lo vốn cho dự án cũng không hề đơn giản. Ban đầu, dự án được UBND tỉnh phê duyệt chỉ có công suất 3.500 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng - hoàn toàn từ vốn của Mai Thanh. Nhưng bắt tay vào làm rồi mới phát sinh nhiều vấn đề. Nguồn nước của địa phương bị xâm  mặn nhiều quá, công nghệ phải thay đổi, đường ống nước cũng phải thay đổi.

Hơn nữa, chỉ cung cấp nước cho Nghĩa Sơn thôi thì không hiệu quả. Vì vậy, bà Mai Thanh quyết định xin phép lãnh đạo tỉnh cho xây nhà máy để cấp nước cho suốt dọc các địa phương trong huyện. Tính toán lại, vốn đầu từ phải lên tới 124 tỷ đồng, chứ không ít. Nhưng Mai Thanh vẫn quyết tâm làm, tất cả vì nguồn nước sạch cho bà con quê hương.

Trước mắt, nước sạch sẽ về với bà con Nghĩa Sơn, nhưng mai này, sẽ có thêm Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân…

Toàn những cái tên gắn liền với chữ “nghĩa”, cũng giống như bà Thanh và Công ty Mai Thanh của bà, nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch cũng bắt đầu bằng cái nghĩa với bà con ở quê hương…

“Cũng bởi thế, Mai Thanh không cho phép mình chỉ đầu tư cho có, mà tất cả phải vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương. Vì họ, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, thận trọng từng bước đi và trách nhiệm trong từng hạng mục đầu tư”, bà Thanh nói.

2.

Thực ra, bà Mai Thanh đã tâm niệm chữ tâm trong kinh doanh ngay từ khi bắt đầu mở Công ty Mai Thanh vào năm 2006. Vì có tâm, nên bà chẳng ngại khó, ngại khổ. Vì có tâm, nên với các sản phẩm ống nhựa, bà chỉ chọn các loại nguyên vật liệu có chất lượng tốt, nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bà cũng chỉ chọn công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Đài Loan để sản xuất và sẵn sàng đầu tư để quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn ISO, DIN 8074:1999; ISO 4422: 1996; TCVN 6151: 2002…

“Tôi không nghĩ đến hai chữ kiếm tiền đầu tiên, mà luôn tìm kiếm giá trị kép trong con đường đầu tư của mình, nghĩ đến những giá trị mang lại cho cộng đồng. Sản xuất ống nhựa, điều quan tâm hàng đầu của tôi là phải làm sao sản phẩm không thôi nhiễm, không gây độc hại cho người dùng”, bà Thanh cho biết.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh và “bức tâm thư nước sạch” tới người dân quê hương ảnh 2

 Với bà Mai Thanh, nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch cũng bắt đầu bằng cái nghĩa với bà con ở quê hương…

Giờ thì ống nhựa mang thương hiệu Phú Mỹ Tân và Tuấn Huy của Mai Thanh đã trở nên nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Chứ hồi mới “ra lò”, cũng chẳng dễ để cạnh tranh với các sản phẩm rẻ tiền và kém chất lượng khác. Ai có thể “ăn xổi ở thì, nghĩ ngắn”, chứ Mai Thanh thì nhất định không.

Mai Thanh chọn cách đầu tư vào chất lượng, kiên trì và chờ đợi khách hàng khi mua dùng một lần thấy “phê, mê dùng” rồi tự thấy lợi ích sát sườn sự khác biệt về chất lượng đi kèm giá rất hợp lý, mua lần đầu sẽ mua lần sau, không có khách nào bỏ lỡ cơ hội của mình đi lựa chọn sản phẩm của bên khác mà tiếp tục đến mua vì đã tin dùng. Không dừng lại ở đó, chính những vị khách này là kênh quảng cáo truyền miệng rất vô tư, khách quan, mách nước cho những khách khác tìm đến.

Tất nhiên, không phải là thụ động ngồi chờ, mà cũng phải vất vả ngược xuôi tìm kiếm và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình.

Tôi không nghĩ đến hai chữ kiếm tiền đầu tiên, mà luôn tìm kiếm giá trị kép trong con đường đầu tư của mình, nghĩ đến những giá trị mang lại cho cộng đồng.

Xinh đẹp và ngọt ngào, nhiệt thành và cởi mở. Đó hẳn là lợi thế rất lớn để người phụ nữ đang ở lứa tuổi mặn mà này có được cái gật đầu của khách hàng. Sinh năm 1973, ngày mai (25/3), Nguyễn Thị Thanh tròn 44 tuổi. Nhưng có lẽ, điều khiến mọi khách hàng bị Mai Thanh thuyết phục chính là vì những sản phẩm có chất lượng, vì cái tâm của người làm kinh doanh chân chính.

“Chúng tôi kiên trì theo đuổi chất lượng để khẳng định vị thế trên thị trường. Chất lượng không phải những gì doanh nghiệp nói ra, mà chính là những gì khách hàng dùng và cảm nhận. Nhiều dự án lớn ở Đồng Nai, miền Trung, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, cũng đã lựa chọn sản phẩm ống nhựa Phú Mỹ Tân của Mai Thanh”, bà Thanh cho biết.

Cũng bởi được tin tưởng, nên quy mô Mai Thanh ngày càng được mở rộng. Nhà máy ở Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng, Nam Định) rộng 3.000 m2 dường như đã trở nên khá chật chội. Bà Thanh đã bắt đầu nghĩ đến chuyện mở rộng nhà máy.

Năm ngoái, doanh thu của Mai Thanh đã lên tới trên 800 tỷ đồng. Sản phẩm được bán đi rộng khắp các địa phương trong cả nước. Đó là thành công lớn đối với một công ty mới chỉ có hơn 10 năm tuổi. Nhưng với bà Thanh, tất cả mới chỉ là bắt đầu…

3.

Nói đúng hơn, 10 năm qua mới là chặng đường đầu tiên của Mai Thanh. Bởi như khát khao cháy bỏng mà bà Thanh chia sẻ, bà còn nặng lòng lắm với việc đưa nước sạch đến với người dân nông thôn. Sẽ còn những nhà máy cấp nước nữa được xây dựng. Hơn nữa, trong tầm nhìn của bà, Mai Thanh sẽ không chỉ cung ứng sản phẩm ở Việt Nam, mà còn đang hướng tới đưa sản phẩm sang Lào, Myanmar, Campuchia, Malaysia…

Nghe kể, Mai Thanh đã bắt đầu đưa được sản phẩm ra nước ngoài để người ta nuôi trồng thủy sản dưới biển. Như vậy, Mai Thanh đã bắt đầu những bước đi đầu tiên để vươn ra tầm khu vực…

Ai đó có thể chưa tin, nhưng với người phụ nữ không bao giờ ngại khó, ngại khổ, dịu dàng, nhưng rất đỗi mạnh mẽ và quyết đoán này, mọi điều đều có thể.

Mai Thanh sắp mang được dòng nước sạch ngọt lành cho bà con Nghĩa Hưng, thì cũng có thể làm được nhiều hơn thế để biến ước mơ và tầm nhìn của mình thành hiện thực.

Tôi không nghĩ đến hai chữ kiếm tiền đầu tiên, mà luôn tìm kiếm giá trị kép trong con đường đầu tư của mình, nghĩ đến những giá trị mang lại cho cộng đồng.

Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Thị Thanh

Điều gì mang đến thành công cho Mai Thanh hiện nay?

Có nhiều yếu tố, nhưng nổi trội nhất là 2 chữ UY TÍN. Ở Mai Thanh, chúng tôi coi uy tín là mạng sống của mình. Đề cao lời hứa với chính mình và với khách hàng, đồng thời tôn vinh sự chính trực trong mọi việc là những gì mà những con người của nhựa Mai Thanh cam kết thực hiện mỗi ngày.

Đâu là triết lý kinh doanh mà cá nhân bà theo đuổi?

Đó là “trao đi hết mình”. Không chỉ trao đi hết mình cho cộng đồng thông qua các dự án nước sạch và phúc lợi xã hội, mà tôi còn sẵn sàng tư vấn bảo vệ lợi ích cho khách hàng như anh em trong gia đình.

Mai Thanh luôn nghĩ điều gì ý nghĩa hơn dành cho khách hàng của mình, khách vui là mình thấy hạnh phúc.

Cùng là mua ống nhựa, nhưng mua hàng của Mai Thanh là khách hàng đã nhận lấy một khoản lợi nhuận rõ ràng cả về chất lượng, tiền bạc lẫn kinh nghiệm.

Bà thích phong cách lãnh đạo như thế nào?

Tôi thích phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng. Tôi sống với nhân viên rất tình cảm, nhưng luôn đề cao tính kỷ luật và sự chính trực trong công việc. Sau tất cả, chúng ta cần mọi người tạo ra kết quả công việc thực sự.

Tin bài liên quan