Doanh nhân Nguyễn Thành Nhân, CEO Kalapa.
Từng gắn bó cùng Google gần 6 năm với vị trí kỹ sư phần mềm cho đến trưởng nhóm nghiên cứu tại WalmartLabs, đã thử sức tại các start-up khác nhau về lĩnh vực công nghệ, Nguyễn Thành Nhân trở về quê hương – nơi làn sóng khởi nghiệp bùng nổ và thử sức với vị trí CEO tại Kalapa.
Sinh ra trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ quá hạn, đe dọa thu nhập của các ngân hàng và đà tăng trưởng vốn. Giới chuyên gia kinh tế đã nói đến thực trạng này, kèm theo cảnh báo, nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn và loay hoay với nhiệm vụ giảm tỷ lệ nợ xấu khi tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn.
Nhưng, Kalapa lại được sinh ra, để giải quyết bài toán đau đầu trên. Kalapa đã tìm giải pháp giúp các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Việt Nam đánh giá mức độ rủi ro của từng khách hàng, để đưa ra quyết định chính xác hơn khi cung cấp khoản vay.
Hai bài toán chính được đặt ra để giải.
Thứ nhất, có lừa đảo tín dụng không, thông qua xác nhận đối tượng dùng chứng minh thư nhân dân giả, số điện thoại giả... từ đó loại ra đối tượng lừa đảo.
Thứ hai, ai là người có khả năng trả nợ cao, để chọn ra những khách hàng uy tín.
Công nghệ máy học (machine learning) được sử dụng để xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng (credit scoring), từ đó phân loại từng trường hợp để “may đo” đúng với nhu cầu của đơn vị cho vay.
Mô hình này được kỳ vọng có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh và tốn ít nguồn lực hơn so với phương pháp thẩm định truyền thống, như chấm điểm tín dụng theo thang điểm định sẵn, CEO Nguyễn Thành Nhân của Kalapa tin như vậy, y như niềm tin khi Nhân quyết định về nước lập nghiệp.
Trước đó, năm 2018, khi còn ở Mỹ, Nhân bị tác động bởi nhận định từ các chuyên gia.
Một là, ông Peng ở Singapore, làm cho Quỹ Beverly Hills Venture đã đến San Francisco với một thông điệp rằng, khu vực Đông Nam Á có nhu cầu vay 1.000 tỷ USD mỗi năm, do khu vực này đang phát triển nên cần vốn và cơ hội rất nhiều.
Hai là, ông Lê Hồng Minh, sáng lập VNG khi nói chuyện ở San Jose cũng nhấn mạnh, cơ hội không nằm ở Mỹ, mà là khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
“Tôi tin tưởng ông Peng và ông Minh”, Nhân nói về lý do trở về Việt Nam và đầu quân cho Kalapa.
Từng là nguồn “oxy” tăng trưởng cho Google
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên, chàng trai 8X Nguyễn Thành Nhân bộc lộ sự thông minh sớm hơn các bạn đồng lứa. Nhân là cựu học sinh THPT Chuyên Toán – Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp cấp 3, anh sang học tập tại Đại học Simon Fraser (SFU), Canada và là trợ lý cho Chương trình Xây dựng thời gian biểu cho vệ tinh quan sát Trái đất của Canada.
Đó là bước đệm, là bệ phóng để sau khi tốt nghiệp đại học, Nhân bước chân vào thung lũng Silicon, nơi có tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới – Google.
Năm 2008, Nhân thực tập tại Goolge và tạo tiếng vang lớn khi giúp giải được bài toán khó của Tập đoàn tại thời điểm ấy, đó là phân loại nội dung quảng cáo. Với thành tích ấy, người phỏng vấn nhân sự viết thư thuyết phục Nhân ở lại Google với lý do “kỹ năng của bạn sẽ phục vụ được rất nhiều người trên thế giới”.
Tuy nhiên, Nhân từ chối vì muốn thử sức với một start-up có tên Chai Labs, một công ty công nghệ cao về ứng dụng Internet, trụ sở tại Mỹ. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Thành Nhân đã đưa Chai Labs từ công ty mới ra đời thành thương hiệu đáng chú ý và sau đó được Facebook mua lại với mức giá không được tiết lộ.
Sau đó, Nhân về làm cho Google, ở bộ phận quảng cáo, nơi mang lại thu nhập lớn nhất cho Tập đoàn.
Trở lại Google, Nhân tiếp tục xác lập tăng doanh thu cho “gã khổng lồ”. “Mức tiến bộ đột phá của nhóm Nhân là nguồn gốc sự phát triển của Google và bạn chính là nguồn oxy để tăng trưởng cho Google”, Giám đốc tài chính Google từng viết thư khen ngợi tới Nguyễn Thành Nhân như vậy.
Nhân bảo, để tăng doanh thu cho Google không phải là chuyện đơn giản và nó cần sự chăm chỉ hết nấc. Sau 6 năm làm việc tại Google, Nhân chuyển sang làm trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ của WalmartLabs, nhằm phát triển các công nghệ, tái định hình trải nghiệm mua sắm của khách hàng, phù hợp với sự biến đổi nhu cầu tiêu dùng tại bất cứ đâu, từ bán hàng trực tiếp, thiết bị trực tuyến như website, smartphone...
Đến các khoản đầu tư của kỹ sư công nghệ
Kỹ sư công nghệ thường có lương cao, dư tiền và không biết làm gì sẽ đi đầu tư. Nguyễn Thành Nhân không phải ngoại lệ. Suốt những năm tháng trải nghiệm ở môi trường công nghệ nước ngoài, Nhân có khá nhiều “của cải bỏ ống”.
“Tôi lên chiến lược đầu tư vào những gì có lợi nhuận, đơn giản vậy thôi”, Nhân nói và kể nguyên do anh quyết định về nước lao vào đầu tư cho các start-up.
Cũng có lý do khác cho quyết định này, trong đó có sự ảnh hưởng của Dr Phelps ở Đại học Columbia, tác giả cuốn “Mass Flourishing”. Ông này cũng đến Google khi anh còn làm ở đó, để chia sẻ lý do những nước như Isarel lại phát triển về công nghệ và kinh tế đến vậy. “Bởi vì họ đầu tư vào start-up, ông ấy nói thế”, Nhân kể.
Dĩ nhiên, trên con đường này, ai cũng có thành công, thất bại và những quan điểm đầu tư riêng. Với Nhân, chọn nhà sáng lập dự án có tư cách đạo đức để đồng hành lâu dài là nguyên tắc, nên dự án có thể thất bại, nhưng công việc và ý tưởng sẽ tiếp tục.
Hiện tại, bên cạnh công việc điều hành chính ở Kalapa, Nhân vẫn là nhà đầu tư thiên thần đứng trên vai trò mentor (người cố vấn, giám sát) cho các start-up trẻ Việt Nam. Anh góp mặt vào khoảng 23 start-up, nổi bật có JupViec, Beeketing, AnVui, JunSport… và Wefit.
“Covid -19 đã thổi bay của tôi mấy căn nhà. Riêng khoản đầu tư vào Wefit đổ vỡ gần đây cũng khiến tôi mất một căn. Các thương vụ thất bại cho tôi bài học xương máu: Bớt ngu đi và nghe nhiều lên”, Nhân chia sẻ.
Từ một kỹ sư công nghệ, giờ chọn lên làm CEO với mục tiêu để Kalapa ngày một mạnh hơn, Nhân thừa nhận, không dễ, nhưng cũng không quá coi trọng bí quyết hay triết lý cao siêu. Nhưng quan điểm của CEO này khá rõ ràng, nhân viên đều phải suy nghĩ cho cả công ty và có quyền sở hữu. Đây là tư tưởng đã ngấm vào Nhân qua thời gian làm ở Google và cả Walmart.
“Tôi muốn mô hình quản lý Kalapa như thế. Bởi, tôi không thể hàng ngày đến xem nhân viên của mình có tắt điện hay chưa và đó cũng không phải là việc của tôi. Nhưng, nếu mọi người nghĩ mình là chủ của công ty thì tất nhiên họ phải tự tắt điện”, Nhân nói.
Sau hơn một thập kỷ rong ruổi học tập và làm việc tại Canada và Mỹ, Nhân rất hạnh phúc khi lần lượt chứng kiến ngày càng có nhiều người Việt thành danh tại những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới quay trở về quê hương, trong đó có anh. Nhân bảo, nếu kết hợp giữa Internet và sự chăm chỉ, thông minh của người Việt, thì sẽ có những công ty công nghệ cao được sáng lập ở Việt Nam để phục vụ không chỉ trong nước mà còn cho thị trường thế giới.
Và Kalapa là một phần trong kế hoạch chinh phục thị trường như thế của Nhân.
Tự nhận mình là chàng trai phố rất cổ, Nguyễn Thành Nhân còn cho rằng, mình siêu đanh đá vì ghét nhất ai nghĩ anh hiền. Vì thế, không ngạc nhiên khi thấy Nhân xuất hiện ở đâu đó, với chất giọng phản biện trong veo khiến người đối diện nếu không cứng rắn có thể im thin thít, ngượng ngùng. Thế nhưng, cũng có lúc chàng trai siêu đanh đá này lại vứt bỏ guồng quay cơm áo gạo tiền, ngồi góc quán yên tĩnh nào đó để nhấm nháp cuốn sách lịch sử và thưởng thức món nhạc Jazz khoái khẩu.
Chát với Nguyễn Thành Nhân
Những dấu ấn khi làm tại những “ông lớn” công nghệ có lợi cho anh khi khởi nghiệp?
Bất lợi nhiều hơn. Vì Google là công ty lớn với quy trình rõ ràng, trong khi khởi nghiệp cần kỹ năng hoàn toàn khác, nên nếu làm đúng chuẩn Google, thì khả năng cao không thành công ở Việt Nam.
Nghe nói, anh bán nhà bên Mỹ để về ở hẳn Việt Nam?
Đúng vậy, căn hộ đó tôi từng mua với giá rẻ nhất trong hội du học sinh Việt Nam làm việc ở Google, 400.000 USD/100 m2. Thời điểm bán được 800.000 USD. Hiện gia đình tôi đang thuê nhà ở Time City (Hà Nội) với giá 17 triệu/tháng.
Quyết định trở về đó có được số đông ủng hộ?
Ai cũng nói tôi hâm, cả vợ và con, bạn bè. Nhưng, cả nhà tôi đang vô cùng hạnh phúc.