Anh Nguyễn Thái Hoàng trực tiếp tới các vùng nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp để gây dựng chuỗi liên kết.

Anh Nguyễn Thái Hoàng trực tiếp tới các vùng nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp để gây dựng chuỗi liên kết.

Doanh nhân Nguyễn Thái Hoàng, Giám đốc CTCP Tập đoàn Bữa ăn an toàn: Nhân lên điều tốt đẹp từ những gian bếp nhỏ

Khôi phục niềm tin của người tiêu dùng với thực phẩm Việt là lý do khiến Nguyễn Thái Hoàng, từ một thạc sỹ xây dựng, quyết định chuyển sang lĩnh vực thực phẩm sạch và gây dựng chuỗi siêu thị BAAT bài bản, chuyên nghiệp theo đúng tiêu chí “an toàn từ nông trại đến bàn ăn”.

Gây dựng chuỗi liên kết

Hẹn gặp Nguyễn Thái Hoàng, Giám đốc CTCP Tập đoàn Bữa ăn an toàn (BAAT Group), anh mời tôi tới siêu thị BAAT vừa khai trương tại Tòa F, ngõ 28 - Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Tới nơi, anh Hoàng vẫn đang bận rộn hướng dẫn các nhân viên sắp xếp những mặt hàng vừa được nhà sản xuất trong chuỗi liên kết giao tới lên kệ và nhập mã code sản phẩm để phục vụ các giao dịch mua, bán trên trang web baatgroup.vn. 

“Siêu thị hiện có gần 200 loại thực phẩm thiết yếu được sản xuất theo chuỗi liên kết của BAAT Group trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Điểm khác biệt của hệ thống siêu thị BAAT là những quy định đối với nhà cung cấp được công khai và các sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn”, Hoàng chia sẻ.

Trong các tủ bảo quản và kệ hàng của BAAT, có thể tìm thấy nhiều đặc sản vùng miền, như gạo Séng Cù (Lào Cai), gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), cá sông Đà (Hòa Bình), trạch sụn và dê núi (Ninh Bình), cam xoàn (Đồng Tháp), bơ (Đắc Nông) chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai)... Bên cạnh đó là những mặt hàng thực phẩm quen thuộc gắn với “thương hiệu” của Hà Nội như gà đồi Đông Yên, vịt cỏ Vân Đình, lợn sinh học Quốc Oai, sữa Ba Vì… hay những loại rau được trồng tại các vựa rau sạch của Hà Nội và các địa phương trong dự án của JICA (Nhật Bản) triển khai tại các tỉnh Bắc bộ.

Để có được nguồn thực phẩm phong phú và đảm bảo an toàn, Hoàng đã bỏ công tìm hiểu, trực tiếp đi khắp các quận, huyện của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm kiếm đối tác xây dựng chuỗi liên kết. Anh cũng là người trực tiếp kiểm tra, giám sát các quy trình sản xuất và khâu cuối cùng là test nhanh sản phẩm tại Trung tâm Kiểm định của Học viện Nông nghiệp trước khi đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BAAT.

“Một sản phẩm chỉ thực sự được gọi là an toàn khi được kiểm soát theo chuỗi và phải đảm bảo an toàn ở mọi đầu mối liên kết, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác… đến công đoạn giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là cách chúng tôi định vị thương hiệu BAAT với người tiêu dùng Thủ đô”, Hoàng nhấn mạnh.

Định vị thương hiệu

Nguyễn Thái Hoàng từng có nhiều năm công tác tại Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng). Có được sự ổn định của một công chức nhà nước, được làm việc đúng ngành nghề đã học, lại là người có tính cách khá ôn hòa, chính Hoàng và những người thân trong gia đình cũng không nghĩ rằng, có một ngày anh sẽ thay đổi công việc.

Cách đây 4 - 5 năm, Hoàng giúp một người họ hàng cung cấp vật tư, chế phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, anh có cơ hội đến nhiều vùng chăn nuôi, trồng trọt, được chứng kiến các mô hình nông nghiệp sạch nở rộ, nhưng đầu ra còn bấp bênh. Trong khi đó, trên thị trường, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ tràn lan, khó kiểm soát, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng nhiều hơn, nhưng không dễ tiếp cận nguồn cung cấp đảm bảo.

Lúc đó, ý tưởng xây dựng một chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đã manh nha xuất hiện trong đầu Hoàng, nhưng sự đắn đo khi phải từ bỏ công việc ổn định khiến anh chưa mạnh dạn thực hiện.

Đến tháng 8/2017, Hà Nội  phát động Chương trình Bữa ăn an toàn với sự tham gia của các sở, ban, ngành nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức toàn dân về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn có kiểm soát, kết nối nhà sản xuất tới người tiêu dùng thông qua chuỗi siêu thị tại các khu dân cư, Hoàng quyết định rẽ ngang để khởi nghiệp ở tuổi 44, dù biết phía trước sẽ nhiều thử thách.   

Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn (BAAT Group) đã ra đời với vai trò đơn vị đồng hành và phối hợp cùng TP. Hà Nội triển khai Chương trình Bữa ăn an toàn. Công ty mở siêu thị BAAT đầu tiên tại  198 - Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) và siêu thị thứ 2 tại số 114 - Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) để giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.

BAAT Group hoạt động với cam kết “an toàn nhất, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng”; góp phần giúp các nhà cung cấp, sản xuất, kinh doanh đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, Hoàng đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, từ nguồn vốn, đến cách thức quản trị, vận hành, đặc biệt là những kiến thức về nông nghiệp. Anh đã tự học hỏi, tìm hiểu từ sách báo, Internet và các chuyên gia nông nghiệp về từng loại nông sản, về quy trình sản xuất “sạch”, để cùng các cơ sở sản xuất nông nghiệp trong chuỗi liên kết áp dụng, thực hiện. Bên cạnh đó, anh còn tìm hiểu, tích lũy các kiến thức về chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm an toàn và áp dụng một cách bài bản, khoa học.

Để vận hành chuỗi siêu thị BAAT hoạt động hiệu quả và bắt kịp xu thế phát triển của thương mại điện tử, Hoàng nghiên cứu rất kỹ các mô hình chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã rất thành công tại Việt Nam như Co.opmart, Vinmart, Circle K… hay nhỏ hơn như Bác Tôm, Big Green…

“Vừa học, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, giờ đây, tôi rất tự tin về các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản mà mình đã gây dựng được. Với quy trình quản lý chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: lựa chọn cây, con giống - nuôi, trồng - sơ chế, chế biến - tiêu thụ, chuỗi siêu thị BAAT sẽ đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm an toàn cho những người tiêu dùng thông minh hiện nay”, Hoàng nói.

Tuy nhiên, kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch, an toàn không hề đơn giản. Thực tế, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cũng đang gặp khó khăn, đối mặt với nghịch lý “phá sản vì… sạch” vì những khó khăn trong khâu tiêu thụ, niềm tin của người tiêu dùng…

Theo anh Hoàng, dư địa của ngành kinh doanh thực phẩm sạch tại Hà Nội còn rất lớn. Cụ thể, theo báo cáo của TP. Hà Nội, lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể, hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm, đáp ứng 2% nhu cầu tiêu dùng.

“Lượng thực phẩm an toàn mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây chính là cơ sở để tôi tin rằng, nếu triển khai, vận hành tốt các chuỗi liên kết và chuỗi siêu thị BAAT, thì hoàn toàn có khả năng thành công”, Giám đốc BAAT khẳng định và cho biết thêm, Công ty dự kiến liên kết với các đối tác để mở thêm các điểm siêu thị trên địa bàn Hà Nội trong năm 2019.

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị đề nghị hợp tác với BAAT Group để mở rộng chuỗi siêu thị. Trong đó, đối tác bỏ vốn, đầu tư mặt bằng, trang thiết bị, vận hành và bán sản phẩm, còn BAAT Group chịu trách nhiệm về nguồn hàng đảm bảo an toàn, chất lượng.

“BAAT Group hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ để được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, đồng hành trên những chặng đường dài phía trước, nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm Việt. Đó cũng là cách nhân lên những điều tốt đẹp cho xã hội bắt đầu từ những gian bếp nhỏ”, Hoàng trải lòng.

Trò chuyện với Nguyễn Thái Hoàng

- Khi ra mắt chuỗi siêu thị BAAT, anh nhắm đến phân khúc khách hàng nào?

Tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để có nhiều sản phẩm tốt, an toàn, giá cả hợp lý và đưa sản phẩm đến với tất cả mọi người, bởi ai cũng xứng đáng được nhận điều này.

- Thị trường đón nhận thương hiệu BAAT ra sao?

Hai siêu thị BAAT đầu tiên đã được người tiêu dùng đón nhận, bởi nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng là rất lớn, trong khi các hệ thống phân phối thực phẩm sạch trên thị trường chưa nhiều. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục khai trương siêu thị BAAT thứ ba.

- Từ một kỹ sư xây dựng “lấn sân” sang mảng nông nghiệp sạch, chắc chắn sẽ gặp không ít trở ngại, đã bao giờ anh hối hận vì quyết định của mình?

Tôi cho rằng, mọi sự đều có cơ duyên và tôi thuận theo cái duyên ấy. Cho đến giờ, những khó khăn gần như đã qua và tôi tự tin với quyết định của mình. Nhân lên những điều tốt đẹp sẽ khiến người ta thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Tin bài liên quan