Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit: Gây dựng nền nông nghiệp vì sự sống

0:00 / 0:00
0:00
Dưới bàn tay “lái thuyền” của CEO Nguyễn Lâm Viên, Vinamit đã thành thương hiệu lớn của Việt Nam trên thế giới.

Nhưng ít ai biết, giờ này đã 60 tuổi, không sang Mỹ ở cùng vợ con, ông quyết định ở lại Việt Nam gây dựng các nông trại hữu cơ, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, thu hút các nhà khởi nghiệp trẻ đến góp sức và từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi cách làm của những kỹ sư, nông dân canh tác “nghiện” công nghệ cao hiểu theo nghĩa phiến diện. Ngày Xuân tĩnh tại, CEO Nguyễn Lâm Viên đã cởi lòng chia sẻ.

CEO Nguyễn Lâm Viên

CEO Nguyễn Lâm Viên

Sau 30 năm gây dựng Vinamit, ông đã chứng minh con đường hữu cơ là đúng. Liệu ông có phải trả giá điều gì không?

Mất chắc chắn nhiều. Tôi thích chia sẻ về thất bại của mình, vì đó là một cách cảnh tỉnh, cuộc đời của doanh nhân không chỉ đi lên, mà có đi xuống. Luôn luôn cảnh tỉnh mình phải kiên trì, thất bại hôm nay chỉ là thách thức để cho mình thành công.

Đi vào con đường hữu cơ là con đường khó. Nhiều người hay nói: Ghét ai thì… xúi làm nông nghiệp hữu cơ. Người ta chắc chắn biết việc làm hữu cơ dễ thất bại, không có nhiều sự hỗ trợ, vì là ngành hoàn toàn mới, canh tác cây trồng thì không tránh khỏi sâu bệnh. Nếu đi vào con đường hữu cơ mà không xài thuốc, thì chết chắc vì sâu bệnh. Nên nhiều người sau một thời gian làm nông nghiệp hữu cơ cũng phải quay lại làm nông nghiệp vô cơ. Nông pháp hóa học đã có nền tảng vững chắc lâu rồi. Bởi vì cây cối và động vật luôn phải đối mặt với bệnh tật. Và khi có bệnh thì phải có thuốc.

Nên khi đi vào con đường hữu cơ, các nhà canh tác hữu cơ phải có kiến thức rất nhiều để tìm cách ứng phó với sâu bệnh và cách thức thay thế phương pháp hóa học. Thứ khác thay thế là một nông pháp mới đã được hình thành - nông pháp sinh học - tức dùng nền tảng sinh học để giải quyết vấn đề.

Chính vì dùng nền tảng sinh học để giải quyết, nên mọi vấn đề phải được để lên bàn, thay vì phun thuốc, thì tôi phun sinh học; chữa bệnh cũng bằng sinh học, giải pháp tăng trưởng cũng từ sinh học. Từ trên quan điểm lý luận đó mới có nền tảng vững chắc mà đi đường dài.

Ông có thể lý giải rõ sự thiệt thòi khi làm nông nghiệp hữu cơ?

Để làm hữu cơ, phải biết chấp nhận mất mát, thiệt thòi. Như tôi từng chia sẻ, một người gieo giống bằng hóa học, hạt giống của họ 100% đều nảy mầm. Một người gieo giống bằng sinh học, thì phải chấp nhận 40% bị côn trùng ăn. Bởi vì hạt đó là thức ăn tốt cho côn trùng, nên không thể cấm côn trùng ăn, mất thêm công để gieo lại.

Khi trồng lên cũng vậy, cây trồng vốn đa dạng sinh học, nếu không biết cách sẽ bị các loại sâu bệnh ùa về tấn công. Mùa này tốt, nhưng mùa sau chưa chắc còn cây nào hết. Côn trùng, sâu bệnh, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn đều tấn công thức ăn ngon. Chúng ta phải biết giải pháp trồng luân canh, thay đổi ký chủ hoặc dùng tác động sinh học để những loại vi khuẩn có hại trở thành thức ăn cho những vi khuẩn có lợi, giảm bớt rủi ro. Nhưng nhìn chung lúc nào cũng có rủi ro, nên người trồng sinh học phải chịu thiệt hơn người trồng hóa học, đổi lại, mình mang lại giá trị sức khỏe, mang lại sự sống cho người tiêu dùng vì những sản phẩm đó là thức ăn tốt cho sức khỏe của họ. Đó mới là ý nghĩa của sinh học.

Đó cũng là lý do sản phẩm hữu cơ đắt hơn sản phẩm thông thường và người tiêu dùng cần chia sẻ cùng người canh tác thì mới có thể hiểu được giá trị của sự sống, mới thấy sự đổi thay trong mỗi con người.

Chính từ đó ông nảy ra ý tưởng “nông nghiệp vì sự sống”?

Đúng vậy! Nếu chúng ta là những người thông minh, giỏi giang mà không biết nuôi dưỡng sức khỏe của chính mình, thì đâu giỏi giang gì? Phải ý thức đầu tư cho cuộc sống bản thân, phải biết lắng nghe mình trước rồi hãy làm cho người khác. Nếu không lắng nghe chính mình để làm cho mình tốt hơn, thì có kinh doanh tốt bao nhiêu, về già cũng sẽ phải bỏ tiền ra để chữa bệnh. Sức khỏe bao nhiêu tiền cũng không mua được là vì lẽ đó.

Từ chuyện trồng trái cây và rau, củ, quả sẽ hình thành một triết lý làm nông nghiệp vì sự sống. Để có một nền nông nghiệp vì sự sống, thì phải khép kín trang trại của mình lại, kiểm soát sự sống này từ đầu vào đến đầu ra.

Khi nói đến hệ sinh thái sức khỏe, phải nhớ, nhóm trái cây và rau củ chính là hai nhóm nuôi dưỡng sức khỏe. Vi sinh vật trong ruột cũng cần ăn rau củ, trái cây. Tế bào ở trong máu cũng chỉ cần có gluco, kali và natri mà thôi. Ăn thịt, tinh bột cũng chuyển hóa thành gluco, nếu chúng ta chỉ ăn trái cây để chuyển hóa sang gluco, chúng ta có đủ chất để nuôi nhóm tế bào và hệ vi sinh vật đường ruột rồi. Nói cách khác, 2 nhóm này cộng sinh để sống chung với mình.

Từ chuyện trồng trái cây và rau, củ, quả sẽ hình thành một triết lý làm nông nghiệp vì sự sống. Để có một nền nông nghiệp vì sự sống, thì phải khép kín trang trại của mình lại, kiểm soát sự sống này từ đầu vào đến đầu ra. Mà khi kiểm soát sự sống đó, mình phải hiểu cây cần những loại phân gì từ động vật và thực vật. Mong muốn của tôi là phải kiểm soát cả thực vật. Có nghĩa là, đầu tiên, mình phải nuôi động vật, cho ăn thực vật trong trang trại. Động vật ăn vào thì chất thải của nó mới được kiểm soát để làm phân và cây trồng. Tôi dùng vi sinh vật phân hủy phân động vật (heo, gà, bò…) bón cho cây. Khi đã thiết lập vòng tròn hoàn chỉnh đó, thì tất cả sẽ trở thành hoạt động 0 đồng. Giống do mình trồng, phân do mình lấy từ vật nuôi, còn lại, con người canh tác và ăn uống trên cánh đồng của mình. Của cải của mình, mình lấy ra bao nhiêu, thì phải nhớ trả lại. Nghĩa là, khi hàng tự nhiên của mình dư ra mới được đem sản phẩm đi bán, còn chưa đủ thì không được làm vội.

Ông có thể giải thích về nguyên tắc ứng xử công bằng với muôn loài của nông nghiệp hữu cơ?

Muôn loài có sự cộng sinh, cân bằng với nhau. Nếu có một sự sống mà anh không cho nó tồn tại là đã làm mất cân bằng rồi, cho dù đó là một con vi khuẩn, một sinh động vật, nếu đối xử không công bằng, thì tức khắc anh gặp khủng hoảng, dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng lên, thì không thể đổ thừa cho ai được.

Thí dụ, heo bị dịch bệnh là do sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, làm mất khả năng miễn dịch. Rõ ràng, nguyên do là anh đối xử không công bằng với nó. Khi những triết lý đã được thấm nhuần rồi, thì nông trại sẽ trở thành một vòng tuần hoàn mà ai cũng đều có trách nhiệm cho hoạt động của nó để thúc đẩy, nâng cao sự sống ngày càng phát triển. Lúc đó, tự thân hạnh phúc sẽ đến, con người sẽ vui vẻ.

Hiện vẫn có quan điểm cho rằng, việc trồng vô cơ là hợp lý, chấp nhận được với dung lượng cho phép…

Có những người được đào tạo theo nông pháp hóa học. Thực ra, cây lúa có thể làm hữu cơ khá dễ vì vỏ dày. Sự tấn công của côn trùng vi sinh vật rất khó khăn. Cách đơn giản, hễ có rầy bệnh là mình bơm nước cho ruộng ngập hết, thì nó đi ra chỗ khác. Còn nếu không, dùng sinh học phun lên để chống rầy. Cách làm sinh học khá đơn giản, nhưng chúng ta lãng quên một tài nguyên mà mình từng có, từ kinh nghiệm của cha ông. Và tại đất nước nhiệt đới của mình, vi khuẩn phát triển mạnh nhất, vi khuẩn có lợi rất nhiều.

Một số người khởi nghiệp khi đến với tôi, thường được khuyên nên theo đường hữu cơ. Một số anh em lập luận, họ xài thuốc một thời gian sẽ hết tác dụng trên sản phẩm. Tôi không đồng tình với suy nghĩ đó, bởi nếu có xài thì phải ghi trên bao bì là “tôi có xài thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn cho phép”. Như vậy mới công bằng với người làm hữu cơ.

Và muốn dẹp sản phẩm hóa học, thì phải ủng hộ doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ nhỏ đang làm điều thật, điều tử tế. Dù chưa có số lượng lớn cũng phải từ từ cho họ phát triển. Lúc đó, tiền lời của họ sẽ mở rộng thêm. Càng ngày càng có nền nông nghiệp vì sự sống phát triển và tôi tin nền nông nghiệp này sẽ chiến thắng! Bởi vì ai cũng muốn sống! Chẳng ai dám ăn những món có chất bảo quản, phụ gia, thực phẩm công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... Nếu họ ăn thì tụi tôi thua, còn nếu không ăn thì cơ hội của những người làm thật đã đến!

Vì vậy, tôi về Lâm Đồng mua mấy trăm héc-ta đất làm trang trại. Cực chứ không sướng, nhưng vì đam mê và muốn làm gì đó cho nông nghiệp có một mô hình đúng trong tương lai. Trong trang trại đó, tôi xây trường, làm nông nghiệp, đưa nhà máy về thành một nông trường khép kín như mô hình các nước trên thế giới đều làm.

Nếu không có gì trục trặc, tôi đã mở trung tâm thu mua ở Đồng Tháp, làm cầu nối giữa nông dân và thị trường. Organic Town ra đời cũng vì lẽ đó. Nếu mô hình này thành công, tôi sẽ làm tiếp ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ để phát triển nhanh. Dĩ nhiên, có anh em hợp lực cùng nhau, vì kinh tế chia sẻ vẫn là điều cần thiết, là sức mạnh, phải có sự đổi thay của một ngành thực phẩm vì sự sống để áp chế thực phẩm vì công nghiệp.

Đó cũng là lý do tôi còn ở Việt Nam, là vì tôi muốn làm gì đó cho nông nghiệp, chứ cả nhà tôi đã định cư bên Mỹ. Đó cũng là động lực giúp tôi, gần hai mươi mấy năm không có vợ con bên cạnh và mặc dù trên 60 tuổi rồi vẫn đi vào nông trường, leo đèo, lội suối với các bạn trẻ.

Tin bài liên quan