CEO Nguyễn KIm Toản tại Chương trình “Có hẹn với sài Gòn” vào thứ Bảy hàng tuần trên bến Bạch Đằng (TP.HCM).

CEO Nguyễn KIm Toản tại Chương trình “Có hẹn với sài Gòn” vào thứ Bảy hàng tuần trên bến Bạch Đằng (TP.HCM).

Doanh nhân Nguyễn Kim Toản: Đưa sông Sài Gòn thành “dòng chảy vàng”

0:00 / 0:00
0:00
Là người khởi xướng hình thành giao thông đường thủy từ năm 2010, đến nay, Nguyễn Kim Toản, CEO Công ty TNHH Thường Nhật đã phát triển nhiều tuyến du lịch trên sông Sài Gòn.

Tiên phong phát triển giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn

“Tuổi thơ tôi gắn với tiếng sóng vỗ dạt dào mỗi ngày ở xóm chài ven biển. Đến năm 10 tuổi, tôi cùng gia đình vào TP.HCM lập nghiệp. Những hồi ức đẹp đẽ trên dòng sông Sài Gòn cùng đám bạn đã đem đến cho tôi nhiều cơ duyên với sông nước, biển cả”.

Đó là mở đầu cho câu chuyện của người khởi xướng phát triển du lịch đường thủy tại TP.HCM từ năm 2010 đến nay - doanh nhân Nguyễn Kim Toản, CEO Công ty TNHH Thường Nhật, với thương hiệu xe buýt đường sông Saigon Waterbus, xuất phát từ tình yêu đất nước, kỷ niệm với quê hương và sự kỳ vọng về một thành phố phát triển phương tiện giao thông đường thủy.

Năm 1992, khi có cơ hội làm việc cho một tỷ phú người Mỹ với 3 dự án đầu tư tại TP.HCM, Phan Thiết và Đà Lạt, Nguyễn Kim Toản được giao nhiệm vụ đóng tàu để đưa khách miễn phí từ bến Bạch Đằng đến khu vực Thảo Điền (TP.HCM). Từ đó, khái niệm về tàu vận chuyển trên sông và đưa đón khách hàng ngày đã hằn sâu vào trong tâm trí ông.

Nhờ vậy, đến năm 2006, Nguyễn Kim Toản thành lập Công ty TNHH Thường Nhật với hoạt động chính là vận tải hành khách trên sông, tổ chức tour sông nước nhằm đưa du khách từ Sài Gòn đến các vùng cảnh quan nội đô và khu vực lân cận như Củ Chi, Long An, Cần Giờ, Vũng Tàu, Đồng Nai, Mỹ Tho, Bến Tre, Châu Đốc... và tiếp tục phát triển thêm phân khúc dịch vụ đưa người dân đi lại hàng ngày trên sông đến các khu dân cư như SwanBay và King Bay (tỉnh Đồng Nai), nhà máy nhiệt điện, cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Có thể thấy, TP.HCM, với gần 1.000 km đường thủy địa phương và quốc gia, cùng luồng tuyến sẵn có, được đánh giá là có tiềm năng sông nước rất lớn, thế mạnh phát triển các loại hình du lịch, giao thông đi lại. Tuy nhiên, để phát triển hệ thống đường thủy xứng tầm, cần phải có nhiều “cú hích” để vực dậy tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, thực tế là, hơn 80% người lao động tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung không có khả năng trải nghiệm các dịch vụ đắt đỏ này.

Đó cũng là trăn trở thôi thúc Nguyễn Kim Toản tìm ra sản phẩm với mức giá có thể phục vụ đại đa số người dân lao động. Một dự án với mục đích phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường sông cho TP.HCM được hình thành, mang tên Saigon Waterbus.

Trải qua 6 năm ấp ủ đứa con tinh thần, năm 2017, tuyến buýt đường sông số 1 ra đời với chiều dài 10,8 km, lộ trình từ Bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và quay lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (TP. Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới.

Trên tuyến này có 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón, trả khách, buýt đường sông chỉ mất 30 phút để hoàn thành lộ trình, giảm được 1/3 thời gian so với buýt đường bộ trên cùng tuyến, với giá vé 15.000 đồng/lượt.

Đến nay, Thường Nhật liên tục phát triển mô hình xe buýt đường sông. Dù là phương tiện di chuyển, nhưng Saigon Waterbus vẫn làm rất tốt nhiệm vụ phát triển du lịch cho người dân khi được đánh giá là phương tiện di chuyển độc đáo với hai bên bờ sông ban ngày năng động, ban đêm rất thơ mộng.

Khai thác “dòng chảy vàng”

Saigon Waterbus cũng là dự định của doanh nhân Nguyễn Kim Toản nhằm tạo nên một nền tảng để phát huy di sản “Sài Gòn 300 năm trên bến - dưới thuyền” và trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để phát huy, gìn giữ di sản này và chuyển tiếp cho thế hệ mai sau?”.

Theo CEO Nguyễn Kim Toản, nếu muốn sử dụng tài nguyên dòng sông, thì cần có những hệ thống bến cảng nhằm giúp người dân kết nối giữa đường bộ và đường thủy. Vì vậy, khi hạ tầng cảng, bến ngày càng nhiều, thì lộ trình di chuyển sẽ được đa dạng. Cũng vì vậy, Thường Nhật đã kiến nghị TP.HCM cho doanh nghiệp xây dựng thật nhiều cảng, bến nhằm phục vụ các chương trình sông nước, trong đó, không chỉ có xe buýt đường sông, mà sẽ còn tiếp tục phát triển thêm nhiều loại mô hình khác.

Rất may mắn, doanh nghiệp nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân TP.HCM nhằm hướng đến phát triển giao thông xanh, xây dựng cảnh quan sông nước. Nhờ đó, doanh nghiệp chuyên chở hơn 4.500 lượt khách/ngày khi tổng thể dự án vẫn còn dang dở với 5/19 bến được hoàn thành, gồm các ga tàu thủy Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông. Các dự án còn lại, Thường Nhật vẫn đang chờ TP.HCM cập nhật quy hoạch và tiến tới xây dựng bến.

Hiện tại, mỗi ngày, doanh nghiệp khai thác 50-52 chuyến xe buýt đường sông, mỗi chuyến có độ lấp đầy 90-100%. Theo ông Toản, những con số này cho thấy, dự án đang được khai thác rất tốt và có sự thành công nhất định.

Đặc biệt, không bó hẹp trong một loại phương tiện, Thường Nhật đang phát triển và thu hút người dân, du khách bằng các loại phương tiện khác nhau, như buýt đường thủy, taxi đường thủy, tàu nghỉ dưỡng…

Trong thời gian tới, nhằm góp phần phát triển thêm nhiều hoạt động kinh doanh trên sông, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và phát triển đội tàu, đặc biệt là tàu nhà hàng, khách sạn và du thuyền cao cấp; mở thêm nhiều điểm đến, điểm tham quan cho khách du lịch. Đồng thời, Thường Nhật sẽ phát triển những hoạt động phụ trợ và dịch vụ hậu cần cho hoạt động đường thủy với trạm cung ứng xăng trên sông, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu thủy; xây dựng, khai thác hệ thống vận chuyển khách công cộng bằng đường sông và tham gia các hoạt động kinh doanh ở các khu phức hợp, du lịch, vui chơi giải trí.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn các vướng mắc được tháo gỡ nhanh chóng nhằm phát triển hệ thống vận tải đường sông và phục vụ phát triển kinh tế TP.HCM”, doanh nhân Nguyễn Kim Toản chia sẻ.

Góp phần giới thiệu TP.HCM đến người dân và du khách

Theo tuyến buýt sông Sài Gòn, chúng ta có thể đến với bến Bạch Đằng vào mỗi sáng cuối tuần một cách nhẹ nhàng; trôi theo dòng sông êm đềm, lướt qua những cây cầu nổi tiếng như cầu Sài Gòn, cầu Ba Son - những công trình tầm vóc, đáng tự hào của Thành phố.

Không chỉ thế, trên chuyến buýt sông, du khách sẽ được nhìn ngắm cận cảnh những tòa nhà thương mại đặc trưng nhất của TP.HCM. Đây cũng là một gợi ý hay ho cho dân nhiếp ảnh.

Ngồi trên buýt sông về đêm, người dân được ngắm TP.HCM thơ mộng, được hóng mát, chụp hình và thưởng thức âm nhạc, ăn uống cùng bạn bè, người thân ngay trên Saigon Waterbus.

Ngoài ra, 5 giờ 30 chiều thứ Bảy hàng tuần, khi hoàng hôn dần buông trên bến Bạch Đằng, âm nhạc cũng bắt đầu vang lên và các nghệ sĩ lại cất cao tiếng đàn, tiếng hát. Bầu không khí âm nhạc trẻ trung, sôi động ấy níu chân nhiều người dân, du khách dừng chân để thưởng thức.

Đây là dự án nghệ thuật cộng đồng “Có hẹn với Sài Gòn” do 2 đơn vị là Công ty Thường Nhật và Công ty Đào tạo nghệ thuật Laam (Laam Studio) phối hợp tổ chức. Lượng khán giả đến với đêm nhạc đang ngày một đông và số nghệ sĩ đăng ký tham gia biểu diễn cũng tăng cao.

“Được sự ủng hộ, đón nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt, sẽ đưa chương trình xuống từng chuyến tàu để người dân khi đi tham quan, du lịch trên sông được đắm chìm trong không gian âm nhạc sinh động, ngẫu hứng. Tôi tin là điều đó sẽ tạo thêm nét duyên cho sông nước Sài Gòn”, doanh nhân Nguyễn Kim Toản cho biết thêm.

Mỗi buổi diễn của “Có hẹn với sài Gòn” chỉ diễn ra trong một tiếng rưỡi, từ 5 giờ 30 đến 7 giờ tối. Thật tuyệt vời với “Có hẹn với Sài Gòn” để thưởng thức âm nhạc, ngắm nhìn hoàng hôn trên sông, ngắm thành phố lên đèn và cùng cảm nhận về một TP.HCM hiện đại, năng động, nên thơ, lãng mạn.

Có thể thấy, với giá trị văn hóa lịch sử Sài Gòn 300 năm trên bến - dưới thuyền và trong hệ sinh thái sông nước Saigon Waterbus, Thường Nhật đã luôn nỗ lực phát huy giá trị trên bến tại các nhà ga tàu thủy, trong chuỗi hạ tầng cảng, bến của dự án bằng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, hòa cùng nhịp thở của người dân TP.HCM và là điểm hội tụ cộng đồng, góp phần tạo ra hồn cốt của một đô thị sông nước. Dưới thuyền, doanh nghiệp có mô hình buýt đường sông và nhiều sản phẩm vận chuyển, du lịch trên sông để phục vụ mọi nhu cầu của người dân và du khách.

Đặc biệt, sau nhiều năm kinh nghiệm phát triển, Nguyễn Kim Toản có sự sắp xếp, hình thành dự án, chương trình, câu chuyện… cho mỗi tuyến để có thể khai thác triệt để giá trị về văn hóa và du lịch như Về miền đất phúc tại Củ Chi, Khám phá cù lao Phố hoặc câu chuyện về Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây… Có thể thấy, tùy theo từng tuyến sông nước, từng giá trị văn hóa lịch sử mà Nguyễn Kim Toản sẽ khai thác những câu chuyện khác nhau.

Theo CEO Nguyễn Kim Toản, để Saigon Waterbus nhận được sự tin tưởng của người dân và du khách, doanh nghiệp đã liên tục làm việc với các nhà thiết kế, hãng đóng tàu, bộ phận kỹ thuật nhằm cải tiến động cơ điện, động cơ năng lượng tái tạo…, hướng đến sự bền vững hơn, an toàn hơn, văn minh hơn khi sử dụng xe buýt đường sông.

Trong đó, việc cải tiến kiểu dáng của xe buýt đường sông sẽ góp phần gia tăng giá trị cảnh quan của sông nước Sài Gòn nói riêng và TP.HCM nói chung để Waterbus không đơn thuần chỉ là một phương tiện di chuyển. Do đó, tính thẩm mỹ của các xe buýt đường sông luôn được doanh nghiệp chú trọng, sao cho mang giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt, mà vẫn xen lẫn được sự hiện đại, năng động của TP.HCM.

Tin bài liên quan