Anh đã tham gia một số vụ án đình đám như vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), tham gia giải quyết các tranh chấp có giá trị hàng trăm tỷ đồng cho một số doanh nghiệp. Nay với tư cách là người chuẩn bị bước chân vào “giới chủ”, anh có cảm nhận thế nào về hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam?
Với 20 năm kinh nghiệm làm luật sư, tôi đã tham gia giải quyết nhiều vụ án, vụ kiện có liên quan đến doanh nghiệp và qua đó có hiểu biết khá sâu về hoạt động của doanh nghiệp. Phải nói rằng, việc mở công ty khá đơn giản, nhất là khi các thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay đã thông thoáng, gọn nhẹ. Vấn đề là làm sao để doanh nghiệp đó tồn tại, phát triển, có thương hiệu. Đây chính là thách thức không nhỏ.
Ngoài thử thách từ thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến quan hệ tín dụng, rủi ro với đối tác, cơ quan nhà nước…
Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, chúng ta thấy rủi ro rất lớn đối với người làm công tác lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp là rủi ro pháp lý. Những quyết định, hoạt động kinh doanh ngày hôm nay có thể tiềm ẩn rủi ro mà nhiều năm sau phải gánh chịu hậu quả, nếu như có thiệt hại xảy ra, bất kể chúng ta có tư lợi cá nhân hay không.
Đối với quan hệ tín dụng, không ít các vụ kiện, vụ án xảy ra mà trong đó doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng. Chúng ta dễ bị thiên kiến rằng, ngân hàng mới là bên bị thiệt. Điều này không hẳn là sai. Nhưng có tiếp xúc sâu hơn, trao đổi với người trong cuộc thì mới hiểu rằng, doanh nghiệp cũng khổ đủ bề. Để được ngân hàng giải ngân, doanh nghiệp phải trải qua nhiều trình tự thủ tục, hồ sơ giấy tờ, “tiền ngoài, tiền trong”. Khi xảy ra tranh chấp, ngân hàng sẽ tính sát sạt các khoản lãi, phạt… Việc đề nghị nhà băng miễn giảm lãi khi đã có tranh chấp là rất khó.
Chưa kể rủi ro trong quan hệ với đối tác. Chẳng hạn, gần đây, có tranh chấp giữa hai bên liên doanh hợp tác đầu tư dự án bất động sản ở Nam Từ Liêm. Bên có tư cách chủ đầu tư đã tự ý trao đổi và “bán đứt” dự án cho bên thứ ba mà không hề trao đổi với bên liên doanh - đối tượng bỏ vốn để thực hiện dự án. Việc đòi quyền lợi trong những vụ việc như thế này rất tốn công sức và thời gian.
Luật sư Vũ Ngọc Chi
Ở tuổi 40 mới khởi nghiệp, anh có nghĩ thế là muộn?
Cũng nhiều anh em, bạn bè là đồng nghiệp luật sư bảo tôi rằng, bây giờ mới “ra riêng” là muộn, đáng lẽ phải làm từ lâu. Nhưng quan điểm của tôi là không phải vội vàng, chậm mà chắc. Tôi không thích sự nóng vội, cùng với thời gian cái gì đến sẽ đến. Nghề luật sư đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng lời nói, từng câu chữ viết ra. Vì vậy, tôi luôn quan niệm cứ đến đúng thời điểm thì trái sẽ chín.
Vậy khi khởi nghiệp với sản phẩm dịch vụ khá đặc biệt là tư vấn pháp lý và tranh tụng, điều anh bận tâm nhất là gì?
Trước đây, với tư cách là một luật sư, tôi chỉ lo làm sao giải quyết tốt các vụ việc của thân chủ. Ở cương vị mới, mối bận tâm của tôi sẽ nhiều hơn, từ việc tìm kiếm khách hàng, quản lý nhân sự, cho tới các vấn đề với cơ quan quản lý… Nói chung áp lực sẽ lớn hơn nhiều khi phải là người đứng mũi chịu sào.
Hiện nay, cơ hội trên thị trường tư vấn pháp lý rất lớn. Đây là một trong những dịch vụ phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây, khi số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh, quy định pháp lý chặt chẽ hơn và cũng thường xuyên thay đổi, cập nhật. Chưa kể, giới doanh nhân đã nhìn nhận rõ nét hơn về rủi ro pháp lý, rủi ro được coi là rất khó chống đỡ đối với doanh nhân, nhất là khi có thiệt hại xảy ra. Vì vậy, nhu cầu tư vấn pháp lý đã gia tăng nhanh chóng.
Thị trường có nhu cầu lớn nhưng đây không phải lĩnh vực dễ dàng. Về mặt chuyên môn, tôi không lo lắng nhiều bởi đã kinh qua rất nhiều vụ án, vụ kiện đa dạng trong nhiều lĩnh vực và trải qua thời gian dài làm việc cho một số văn phòng, công ty luật. Vấn đề tôi bận tâm là làm sao để xây dựng một hãng luật chuyên nghiệp, có được niềm tin của khách hàng, có thương hiệu, doanh thu.
Khởi nghiệp khó tránh khỏi những lo lắng ban đầu, nhưng với những gì đã xây dựng được trong nhiều năm hành nghề luật sư, tôi hy vọng sẽ có khởi đầu suôn sẻ.
Trong lĩnh vực pháp lý, việc một luật sư tách ra thành lập hãng luật riêng khá phổ biến so với các lĩnh vực kinh doanh khác. Bản thân anh cũng đang tách ra để thành lập hãng luật riêng. Liệu đây có phải là thách thức về quản trị nhân sự trong tương lai đối với anh?
Không như một số nghề nghiệp khác, công việc của một luật sư khá độc lập, từ việc tiếp xúc, trao đổi, đàm phán với khách hàng cho đến giải quyết công việc sau này. Thậm chí, ngay cả việc quản lý hồ sơ tài liệu, mỗi luật sư có thói quen, cách thức riêng và trợ lý chỉ có thể giúp việc hỗ trợ đơn giản.
Có lẽ xuất phát từ quá trình làm việc độc lập và trọn bộ từ đầu tới cuối này nên các luật sư thuận lợi hơn phần nào khi muốn thành lập hãng luật riêng. Tất nhiên, việc này còn đòi hỏi luật sư có thời gian tích lũy kinh nghiệm, có sự trải nghiệm nhất định.
Với tôi, và có lẽ cũng như nhiều luật sư khác, việc tách ra thành lập công ty luật riêng xuất phát từ những ấp ủ riêng nhiều năm. Ở góc độ điều hành công ty, không chỉ đòi hỏi nắm vững chuyên môn mà còn đòi hỏi khả năng quản lý, nắm vững phương thức quản trị doanh nghiệp từ việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng hàng, quản trị nhân sự… Với cách thức điều hành riêng, tôi hy vọng các đồng nghiệp của tôi sẽ tìm thấy định hướng phát triển cá nhân phù hợp và gắn bó với công ty lâu dài.