Ý chí và khát khao mãnh liệt của ông đúng như hình ảnh “cánh diều càng ngược gió, càng bay cao” trong một bài hát do chính ông sáng tác.
Xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài là ý tưởng ông Hải đã nung nấu triển khai từ nhiều năm trước.
Năm 2011, Hòa Bình đã trở thành một trong những nhà thầu Việt Nam đầu tiên đặt chân vào thị trường Malaysia khi cung cấp dịch vụ quản lý thi công cho dự án chung cư cao cấp
Le Yuan Residence tại Thủ đô Kuala Lumpur, tiếp đó là dự án GEM tại Myanmar vào năm 2013. Suốt quá trình 32 năm hợp tác với các nhà thầu, nhà tư vấn nước ngoài và từ chính 2 dự án quốc tế đầu tiên này, Hòa Bình hiểu được trình độ xây dựng của khu vực, học hỏi trải nghiệm cách thức làm việc điều hành xuyên quốc gia, đào tạo nhân sự cốt lõi, xây dựng thông tin, phương thức triển khai làm nền tảng xây dựng hệ thống quản lý từ xa...
Cuối năm 2019, Hòa Bình có kế hoạch thực hiện một dự án lớn ở Canada theo mô hình đầu tư kết hợp xây dựng và hợp tác với một công ty địa phương làm tổng thầu, các công việc đang được xúc tiến.
Cách đây 2 năm, trong một buổi gặp cuối năm, ông Hải chia sẻ với tôi một đoạn video ngắn do chính ông quay thực tế công trình xây dựng cao tầng tại Úc.
“Đó, họ làm không hơn gì mình, thậm chí không bằng mình. Chỗ này, công nhân phải đội mũ. Chỗ này, dụng cụ lao động phải để gọn gàng”, ông Hải chỉ vào màn hình và thuyết minh cho video.
Đầu năm 2020, người viết có dịp gặp lại ông Hải đúng lúc ông đang thảo luận với cộng sự về kế hoạch mua cổ phần của một công xây dựng tại Rumani.
Đây là thị trường tiềm năng và cũng là cửa ngõ vào thị trường châu Âu. Ông Hải cho biết, chiến lược của Tập đoàn trong năm mới là củng cố và phát triển thị trường trong nước song song với mở rộng thị trường nước ngoài.
Ở trong nước, Hòa Bình phải duy trì năng lực cạnh tranh ở thị trường dân dụng, nhà cao tầng, phát triển mảng hạ tầng giao thông công nghiệp. Hòa Bình làm các dự án hạ tầng giao thông không nhiều, nhưng các dự án tham gia đều yêu cầu cao về chất lượng và kỹ thuật.
Chẳng hạn, dự án tổng thầu mở rộng nhà ga Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Hòa Bình thi công và cung cấp cả thiết bị chuyên ngành như ống lồng, thang cuốn, băng chuyền, thang trượt...
Hiện nay, người dân vào sân bay không phân biệt được chỗ nào Hòa Bình làm, chỗ nào nhà thầu Nhật làm, cho thấy chất lượng thi công của Công ty không thua kém nhà thầu ngoại.
Với dự án công nghiệp, năm qua, Hòa Bình thi công Nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát với sản lượng 2.500 tỷ đồng chỉ trong vòng 18 tháng, với 200 hạng mục.
Ở mảng dân dụng, Hòa Bình phát triển theo chiều sâu khi làm từ thiết kế kiến trúc, nội thất, cảnh quan, hệ thống điện nước, chứ không chỉ xây dựng.
Với năng lực chuẩn bị kỹ, Hòa Bình bắt tay triển khai dự án nào cũng thành công và được xem là nhà thầu số 1 tại Việt Nam về công trình dân dụng.
Xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài là chiến lược phát triển theo chiều rộng của Hòa Bình.
“Cái chúng ta xuất khẩu không phải là nhân công giá rẻ, mà chính là chất xám, là công nghệ, giải pháp thi công, quản lý dự án.
Trên thế giới, có rất ít quốc gia có thị trường bất động sản nhà ở và dân dụng đang phát triển như ở Việt Nam nên ít doanh nghiệp có cơ hội xây dựng hàng trăm công trình dự án cao tầng như Hòa Bình.
Trình độ của các nhà thầu nội trong các năm qua đã phát triển vượt bậc và trở nên rất cạnh tranh”, ông Hải khẳng định.
Thực tế, Hòa Bình là nhà thầu hiếm hoi áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP, ứng dụng công nghệ BIM (mô hình thông tin công trình trong thiết kế xây dựng) và hiện nay đã tích hợp luôn các hệ thống này để xây dựng riêng cho mình hệ thống quản lý dự án PMS có tính năng ưu việt và vượt trội, giúp quản lý các công trình dự án thi công ở mọi nơi, số lượng không hạn chế.
Trình độ quản lý thi công của Tập đoàn đã đạt chuẩn mực quốc tế với rất nhiều dự án quy mô lớn của các chủ đầu tư nước ngoài và trong nước.
Sau những trải nghiệm ban đầu có tính thăm dò trên thị trường quốc tế, thời gian tới, Hòa Bình sẽ triển khai các dự án với quy mô lớn hơn và khẳng định sẽ thành công.
Nhưng ông Hải trăn trở, nếu một mình Hòa Bình phát triển thì không thể đẩy nhanh tiến độ đưa ngoại tệ về nước, trong khi cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài chỉ có trong giai đoạn 10 năm. Nếu chậm, chúng ta sẽ mất cơ hội vàng này.
“Vì thế, tôi muốn kêu gọi các công ty xây dựng khác, các chuỗi cung ứng cũng đẩy mạnh xuất khẩu và nhà nước hậu thuẫn cho hoạt động đó. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng xuất khẩu ra nước ngoài, từ sản phẩm giàn giáo, tường kính, đồ nội thất, thiết bị nội thất…
Khi nhà thầu đi trước, chuỗi cung ứng theo sau xuất khẩu sang các thị trường, tăng sản lượng giá trị xuất khẩu giảm được giá thành thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi chuỗi cung ứng cạnh tranh thì tổng thầu sẽ cạnh tranh. Thực ra, mình đã cạnh tranh rồi nhưng nếu làm được như thế sẽ cạnh tranh hơn”, ông Hải nói.
Những ngày cuối năm, giữa bao bộn bề lo toan, ông Hải vẫn xuất hiện tại các diễn đàn lớn để chia sẻ khát vọng chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài và kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ những giải pháp đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu trước Thủ tướng, ông Hải kiến nghị, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại.
Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam.
Song song đó, chương trình đào tạo của Việt Nam cần đảm bảo phù hợp với chuẩn quốc tế. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.
Theo ông Hải, ở trong nước, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cần được tạo điều kiện về thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.
Chính phủ cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự..., có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước.
Một giải pháp đặc biệt được ông chủ Hòa Bình kiến nghị, đó là cần sớm thành lập Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm; khuyến khích thành lập Hiệp hội Những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhau.
Là doanh nhân luôn chú trọng tới nghiên cứu và phát triển, ông Hải cũng kiến nghị Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức cũng như có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn quy trình cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để mở rộng ứng dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ, đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu dài, bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.
Quan trọng nhất, theo ông Hải, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng và truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành xây dựng cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Không chỉ những người chủ doanh nghiệp các ngành sản xuất công nghiệp, mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu. Cần thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp xây dựng theo chuẩn mực quốc tế.
“Mục tiêu của chúng ta là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp, tức là tổng thầu xây dựng, chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng.
Cạnh tranh không chỉ về giá, mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0”, ông Hải nhấn mạnh trong nội dung kiến nghị của mình với Thủ tướng Chính phủ.