Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG: Quyết tâm ”phá rào” với trung tâm tài chính quốc tế

Ở tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG vẫn miệt mài đeo đuổi kế hoạch tư vấn, tìm kiếm nhà đầu tư sừng sỏ và tài trợ để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Thời cơ chín muồi

Đối với một “ông trùm” trong lĩnh vực thiết kế các khu nghỉ dưỡng tích hợp trên thế giới như Paul Steelman, Tổng giám đốc Steelman Partner, việc có văn phòng đại diện tại Việt Nam trong những năm qua thật sự là điều may mắn. Khi chứng kiến Việt Nam phát triển nhanh chóng mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống…, ông không khỏi đặt nhiều kỳ vọng vào sức bật của đất nước xinh đẹp này.

Steelman Partner đã hoàn thành hơn 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng tích hợp ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Australia, Italy... Ông đã thiết kế nhiều khu nghỉ dưỡng kết hợp ở khắp nơi trên thế giới, nhiều trong số đó có sự tham gia của Bill Weidner, cựu Chủ tịch Công ty điều hành sòng bạc Las Vegas Sands Corp.

Tám năm trước, Paul Steelman đã cùng ý tưởng với Howard Lutnick của Cantor Fitzgerald, Johnathan Hạnh Nguyễn của IPPG và Bill Weidner của Las Vegas Sands Corp về việc xây dựng kết hợp trung tâm tài chính với khu nghỉ dưỡng theo phong cách của Singapore tại Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng, Dự án trung tâm tài chính và khu du lịch nghỉ dưỡng tích hợp mà chúng tôi thiết kế và phát triển tại Đà Nẵng và TP.HCM trong tương lai sẽ là công trình tốt nhất trên thế giới, thay đổi hoàn toàn hoạt động đầu tư nước ngoài và du lịch khắp Việt Nam”, ông Paul Steelman chia sẻ.

Ông Paul Steelman có được niềm tin đó là do các quy định, chính sách mới sẽ cho phép các nhà đầu tư trên thế giới rót hàng tỷ USD vào Việt Nam, không chỉ ở trung tâm tài chính và các khu nghỉ dưỡng tích hợp, mà còn tại các khu vực kinh doanh khác trên cả nước, giúp Việt Nam thực hiện hóa tương lai đáng kinh ngạc.

Trong khi đó, ông Howard Lutnick, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald đã thông qua ông Johnathan Hạnh Nguyễn để làm việc với Chính phủ Việt Nam, qua đó hiểu tường tận về môi trường đầu tư thuận lợi là như thế nào. “Có thể hiểu rằng, nếu tạo ra được một hệ thống pháp luật phù hợp, những nhà đầu tư sẽ được hưởng một môi trường đầu tư thuận lợi. Các công ty ở Mỹ như chúng tôi và một số nước khác tất nhiên sẽ chọn đến với Việt Nam khi môi trường đầu tư thuận lợi”, ông Howard Lutnick khẳng định.

Cùng các cộng sự của mình, ông Barney Reynolds, đại diện Công ty luật quốc tế Sherman và Sterling (trụ sở ở London - Anh chuyên về xây dựng các định chế tài chính toàn cầu) cũng muốn hỗ trợ dự án xây dựng hai trung tâm tài chính mới tại Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh tài chính trong khu vực Đông Nam Á. “Việt Nam được một loạt tổ chức quốc tế và các chuyên gia đánh giá công nhận là một quốc gia sẵn sàng cho những bước đột phá đáng kể trong những năm tới”, ông Barney Reynolds chia sẻ.

Chung quan điểm với doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, các đối tác, tư vấn đầu tư đều cho rằng, rất nhiều công việc đã được thực hiện để hiện đại hóa nền kinh tế và hiện là thời điểm chín muồi để tận dụng các cơ hội. Tuy nhiên, thành công của bất kỳ khu vực tài chính và trung tâm tài chính nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào các điều luật và quy định cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để thị trường đổi mới mà vẫn đảm bảo các hoạt động tài chính được tiến hành một cách an toàn.

Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh, có một số lượng lớn các khu tài chính cạnh tranh thu hút các ngân hàng, doanh nghiệp và các tổ chức. Chính vì vậy, các quy định pháp luật là rất cần thiết để đảm bảo một hệ thống pháp lý và quy định hấp dẫn, đáng tin cậy và vững vàng.

Một hệ thống pháp luật tốt không chỉ cần tuân thủ các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt, mà còn cần được thiết kế cẩn thận dựa trên nhu cầu và lợi ích của phần lớn những thành phần tham gia thị trường. Điều này cũng cho phép những thành phần tư nhân tham gia đầu tư trong sự tin tưởng và nghiêm túc để kỳ vọng vào một trung tâm tài chính.

Đang có một cuộc chạy đua giữa các quốc gia tiềm năng trên toàn cầu trong việc xây dựng các cơ chế chính sách và quy định pháp luật hấp dẫn để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính, mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Việc chưa có một kế hoạch dài hạn và nhất quán về xây dựng cơ chế chính sách, cũng như lộ trình phát triển tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn muốn tham gia sớm thị trường này.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, cách đây 2 năm, nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết trước mắt rót khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP.HCM, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Điều này phần nào cho thấy những nỗ lực của ông và các cộng sự đang bị… chùn chân. Nếu tiếp tục chậm chân, Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển vào năm 2045.

“Chúng tôi đã nhận được những góp ý của các cấp, ban, ngành và sửa đổi thêm cho phù hợp, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm tiến triển gì. Tôi tin rằng, các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng, đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng.

Cả một đời nặng nợ yêu thương

Là một trong những doanh nhân Việt kiều đầu tiên về nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư và thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (hiện là Tập đoàn IPPG).

Dưới sự dẫn dắt của ông, IPPG đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng vốn hơn 450 triệu USD.

Riêng các dự án trong nước đã đem lại doanh thu gần 1 tỷ USD, tạo ra hơn 25.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Các đối tác cùng chung tầm nhìn với vị doanh nhân 73 tuổi Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, người Việt có năng lượng và nhiệt huyết kinh doanh vô cùng to lớn. Ai cũng có thể cảm nhận điều đó khi đến đất nước này. Vậy nên, cùng với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, họ cũng dốc hết sức mình để giúp Việt Nam tạo dựng một địa điểm, xây dựng đô thị, tạo được một môi trường đầu tư cạnh tranh cho các hoạt động kinh doanh quốc tế.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cả một đời nặng nợ yêu thương với một tiếng quê hương. Ông cũng là người tiên phong mở đường bay kết nối Việt Nam với thế giới. Tại thời điểm mở đường bay đầu tiên của Việt Nam tới Philippines (TP.HCM - Manila ngày 9/9/1985), ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa tròn 35 tuổi.

Điều gì khiến một người đang có cuộc sống bình yên với công việc thu nhập cao, ổn định lại dám mạo hiểm mở đường bay có một không hai, đánh đổi bằng sự an toàn của bản thân như vậy? Ông bảo, nếu mình chỉ biết bản thân mà không dám dấn thân, thì đợi ai đây? Khi Tổ quốc cần, phải luôn có mặt. Tất cả điều đó đều xuất phát từ hai tiếng “quê hương”.

Đặc biệt, có hai điều dặn dò của ông Trần Quỳnh khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khiến ông Johnathan Hạnh Nguyễn mãi sau này mới hiểu. Đó là, khi làm ăn ở Việt Nam, phải kiên nhẫn, kiên trì; phải làm đúng pháp luật, đúng quy định thì Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân sẽ đứng sau bảo vệ mình.

Quả thực, Việt Nam bắt đầu mở cửa sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, dễ xảy ra đụng chạm, nên phải kiên nhẫn và phải kiên trì giữ đường bay. Ngày đó, chỉ vì duy trì đường bay mà trong 3 năm, ông đã cắn răng chịu lỗ tới 5 triệu USD. Nhưng nếu vì lỗ trước mắt mà đóng cửa đường bay, thì công sức sẽ đổ sông, đổ biển. Việc đầu tư tại Việt Nam liên quan đến nhiều quy định, nhiều vấn đề luật pháp còn chưa được đề cập, nếu không giữ mình, thì rất dễ đi sai đường...

Giờ đây, ở tuổi 73, tư duy, tâm huyết, quyết tâm “phá rào” một lần nữa đang được ông Johnathan Hạnh Nguyễn thực thi với việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Dù mọi chuyện chưa ngã ngũ, nhưng ông luôn ghi nhớ trong lòng và làm theo lời căn dặn đó trong suốt 40 năm qua. Với ông, làm một người con yêu Tổ quốc, là một doanh nhân tử tế mới là đích đến trong cuộc đời.

Để hoạt động trên thị trường, doanh nhân cần có tư duy táo bạo, đột phá, vượt khỏi rào cản... Về vận hành doanh nghiệp, cần phối hợp 3 yếu tố: tốc độ, sự thích ứng và sự liên kết hợp tác. Trong đó, cần tìm hiểu cơ hội hợp tác phù hợp với các đối tác, nhà phân phối, thậm chí là đối thủ cạnh tranh.

Tin bài liên quan