Cộng đồng doanh nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vì một Việt Nam ngẩng cao đầu. Ảnh: Chí Cường.
Vẫn biết đầu tư vào nông nghiệp là “gai góc”, nhưng với niềm tin sẽ thu lại lợi nhuận trong dài hạn, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn “dấn thân”. Nhiều “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp với mong muốn thay đổi cấu trúc nền nông nghiệp vốn ở quy mô nhỏ lẻ và manh mún sang quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa.
Hơn 1 năm sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai Agrico), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), tiếp tục rót ngàn tỷ đồng “giải cứu” Công ty cổ phần Hùng Vương - doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh “vua cá tra” Dương Ngọc Minh.
Song trong kinh doanh, ông Dương không thích từ “giải cứu”. Nó là cơ duyên, cơ hội để ông tham gia một ngành mới, chia sẻ hợp tác để làm tốt hơn.
Cả 2 thương vụ bắt tay với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai và ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương đều vì cách chia sẻ hợp tác giữa doanh nghiệp, doanh nhân, để cùng nhau đóng góp, nâng tầm nông nghiệp Việt.
“Cuộc chơi” trong lĩnh vực nông nghiệp của Thaco gắn liền với số phận của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Là một “ông lớn” trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, khi đầu tư vào nông nghiệp, Thaco muốn “cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối”, nghĩa là Thaco quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thương vụ với ông Đức giúp ông Dương có kinh nghiệm về chia sẻ hợp tác, quản trị ở quy mô lớn; bài toán về tài chính, các giải pháp về cơ giới hóa. Đây cơ hội để ông Dương tiến vào ngành nghề mới với quy mô lớn một cách nhanh nhất.
Trong bối cảnh hội nhập, ông Dương cho rằng, nông nghiệp là ngành chiến lược của Việt Nam, hội nhập là mình mở cửa để người ta bán hàng sang thị trường mình và mình bán hàng sang thị trường người ta. Vậy Việt Nam bán hàng gì nếu không phải là nông sản?
Quan trọng hơn, sản xuất nông nghiệp xuất khẩu có thể từng bước giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại. Đây là điều rất quan trọng.
“Phải sản xuất quy mô lớn, phương pháp sản xuất công nghiệp, theo chuỗi giá trị khép kín và quản trị số hóa theo lộ trình phù hợp, thì nông nghiệp mới có hiệu quả.
Thế nhưng, xuất phát điểm của đa số doanh nhân trong ngành nông nghiệp không có được những điều này. Vì vậy, sự kết hợp của một nhà quản trị công nghiệp có thế mạnh về cơ khí với một người có nghề nông nghiệp chính là điểm cộng về hiệu quả và phép nhân về giá trị.
Ngoài những gì đã đầu tư, ông Dương chỉ hứng thú với những sản phẩm tạo ra được giá trị mang tính cộng hưởng. “Chúng ta đang làm mọi việc để thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt Nam”, ông Dương nói.
Ông thừa nhận, việc này không đơn giản và phải có lộ trình. “Với nông nghiệp Việt Nam, quan điểm của tôi là làm quy mô lớn cho những ai cần họ mua. Mang thương hiệu của họ không sao, miễn là chúng ta làm tốt chuỗi giá trị sản xuất và tạo ra giá trị thực sự”, ông Dương nói.
Thực tế, ngành nông nghiệp Việt Nam gần đây thu hút khá nhiều tên tuổi lớn trong các lĩnh vực tham gia. Họ đều mang khát vọng không chỉ là “xoá đói, giảm nghèo ở trong nước”, mà còn phải vươn xa ra thế giới.
Mỗi khi có dịp xuất hiện ở thị trường quốc tế, The PAN Group (Công ty cổ phần Tập đoàn PAN) luôn muốn nâng tầm những câu chuyện về các sản phẩm thực phẩm truyền thống của Việt Nam.
Đó là câu chuyện của ngành điều, là câu chuyện với những bí quyết ủ chượp lưu hương nước mắm truyền thống để đạt đến hương vị hảo hạng của 584 Nha Trang, hay chuyện của những quả dưa lưới Nhật Bản khiến khách hàng đến thăm gian hàng tấm tắc ngợi khen.
Đặc biệt là câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam… Sau 30 năm xuất khẩu, gạo Việt vẫn gian nan trong hành trình xây dựng thương hiệu. Đây là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình tại các thị trường cao cấp trên thế giới.
Câu chuyện gạo VJ Pearl Rice, RVT, Ban Mai, Phúc Thọ... của Vinaseed - thành viên của The PAN Group hiện diện trên các kệ hàng EU và Australia là ví dụ điển hình cho việc tập trung vào phát triển nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu riêng.
“Người nông dân Việt Nam nếu không được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (EVFTA) thì Hiệp định chưa thành công”, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc The PAN Group chia sẻ.
Sau khi “đường cao tốc đã mở”, muốn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU, đem lại lợi ích thực sự cho người sản xuất cuối cùng, ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, doanh nghiệp, còn phải chuẩn bị bài bản, quy mô trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín.
Từ việc gieo trồng, sử dụng giống bản quyền, thu hoạch và chế biến bằng công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất những sản phẩm tốt nhất để đáp ứng tiêu chuẩn của EU.
Trong khi đó, “Vua thép” Trần Đình Long bắt đầu tham gia làm nông nghiệp từ năm 2015 với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Nhưng hơn ai hết, ông Long hiểu làm nông nghiệp sẽ không thể nhanh như thép.
Việt Nam vẫn là số 0 trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới trước khi TS. Bùi Hải Hưng rời bỏ Google DeepMind về Việt Nam theo lời mời của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup để lập ra Viện Nghiên cứu AI (VinAI Research) 2 năm trước.
Trong cuộc gặp với ông Phạm Nhật Vượng, ông Hưng nói: ‘Nếu anh muốn làm cái gì đó ở mức độ Việt Nam thì em sẽ không về, nếu anh muốn làm tương đương mức độ thế giới thì em sẽ về”.
Tại Hội nghị quốc tế về Máy học (ICML) 2020 được ông Hưng ví như “sân chơi World Cup” của giới AI, thông qua VinAI Research, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 21 trên bản đồ AI thế giới, sánh ngang với các nền kinh tế tương đối phát triển như Hồng Kông, Brazil, Phần Lan...
Tất nhiên, Top 4 vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh. Nhưng việc Việt Nam bắt đầu công cuộc nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu và bài bản là việc quan trọng để khẳng định năng lực về AI trên trường quốc tế.
Chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam tạo ra được những kỳ tích như Vingroup. |
Trong khi đó, ở các trận địa khác của Vingroup, điện thoại Vsmart sẽ ra mắt thị trường Mỹ trong năm 2020, xe VinFast sẽ được bán ở thị trường Mỹ vào cuối năm 2021. Ngoài ra, VinSmart vừa thành lập Khối Gia công và Linh kiện với mục tiêu trở thành đối tác thiết kế và sản xuất chiến lược cho các tập đoàn công nghệ thế giới. Trước đó, chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam làm được điều này.
Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật doanh nghiệp, mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường. Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Vingroup từng thừa nhận, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, với tư duy đổi mới của Đảng và Chính phủ, chắc chắn khu vực này sẽ có sự phát triển mạnh mẽ.
Theo ông, tiềm năng còn lại rất lớn, những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được, nhất là khi Việt Nam cùng với thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu, năng suất lao động còn rất thấp, nếu biết ứng dụng khoa học, công nghệ vào vận hành thì có thể tạo ra các đột phá lớn.
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng, với nguồn lực dồi dào, tinh thần khởi nghiệp, lòng yêu nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ là nền tảng để hình thành các tập đoàn kinh tế mang thương hiệu quốc gia, nhưng đạt tới tầm vóc quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group. |
“Trong một môi trường đầu tư thuận lợi, các doanh nghiệp yêu nước không có lý do gì lại không dốc sức, dốc lòng để cống hiến cho đất nước”, ông Trường chia sẻ với giới truyền thông.
Cầu vàng do Sun Group đầu tư xây dựng vang danh khắp thế giới. |
Nhiều năm gắn bó với mảng nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn, rất cần đội ngũ doanh nhân tư nhân trong nước khai phá. Muốn vậy, thể chế chính sách trong lĩnh vực này phải hấp dẫn hơn với doanh nghiệp lớn.
Trong 2 loại doanh nghiệp (có ảnh hưởng lớn và thành công), mục tiêu của doanh nghiệp thành công rất đơn giản là tìm kiếm thị trường để cung cấp sản phẩm có tính cạnh tranh.
Còn với doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn, trừ những trường hợp ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi, người chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ về quy mô rất lớn khi bước chân vào bất cứ lĩnh vực nào.
Chẳng hạn, công nghệ thông tin, Internet, bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm, nông nghiệp… chi phối hầu hết người tiêu dùng phổ thông, tức là cả xã hội, khi đó họ sẽ dễ dàng có tầm ảnh hưởng hơn.
Môi trường của các doanh nhân luôn bất ổn và thay đổi không ngừng. Họ luôn phải nắm được ngành nào đang hấp dẫn, những gì đang diễn ra bên trong ngành đó và tự tìm cách gia tăng giá trị cho bản thân một cách độc đáo nhất.
Họ không chỉ chấp nhận thế giới xung quanh như cách mà họ nhìn thấy. Họ nhận ra mình muốn thay đổi thế giới xung quanh ra sao và tìm cách thay đổi nó theo cách mà họ muốn.
Các doanh nghiệp của Việt Nam thường được nhắc đến vì họ đã làm điều đó bằng cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà họ cho là cần phải có trên đời này.
Nhiều doanh nhân dấn thân vào kinh doanh không phải vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn, mà vì kinh nghiệm của cá nhân họ đối với ngành kinh doanh đó chưa đủ và họ muốn tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho bản thân, bạn bè và gia đình.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng nhiều lần khẳng định, vấn đề ông quan tâm là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng, nói rộng ra là cho dân mình. Bởi ông nghĩ, làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới, thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc, chứ không phải riêng Vingroup.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiển, Chủ tịch T&T Group lại mở biên ra nước ngoài, nhưng đi theo một cách rất bất ngờ. Không tiếp cận Lào, Campuchia hay Myanmar, ông lại chọn Mỹ, Đức, Nga… là những đấu trường cạnh tranh rất khốc liệt.
Trường hợp này giống như với Tập đoàn TH, bởi lựa chọn thâm nhập Nga, Trung Quốc… là quyết định rất mạnh mẽ với một phụ nữ. Chính họ đã xung phong tới những tuyến hội nhập vô cùng quan trọng, có vai trò vô cùng lớn với đất nước.
Thông lệ của kinh doanh là tập trung vào một lĩnh vực, nhưng hầu hết các doanh nhân thành công đều theo kiểu “nhạc gì cũng nhảy, món nào cũng xơi”, vì họ biết quản trị mọi thứ trong tầm tay. Dĩ nhiên, trong quá trình đó, họ phải chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan theo kiểu “liều ăn nhiều”.
Họ phân biệt được những rủi ro chết người (tức sau khi thất bại thì không có cơ hội nào khác nữa) và rủi ro gây đau đớn (khi thất bại, chấp nhận đau đớn để sửa chữa sai lầm)… Họ chọn con đường ít người đi và đi đến cùng, hoàn thành nó như một điều tâm huyết thú vị trong cuộc đời.
Ngoài sự nỗ lực của bản thân, một điều dễ nhận ra trong công thức bí mật chung là họ tuyển những cộng sự cực kỳ thông minh, dẫn đầu ngành, lĩnh vực đó, không màng đến giới tính để trao công cụ tốt nhất, cũng như quyền kiểm soát, thay đổi các thông số sản phẩm sao cho phù hợp nhất với người tiêu dùng, khách hàng để được thị trường chấp nhận.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua có thể coi là đầy ắp sự đổi mới, nhưng cũng chứa đựng sự điên rồ, có thời điểm lạc quan quá mức rồi lại bi quan. Đó là làn sóng khởi nghiệp bùng nổ. Không hiếm start-up quên hết giá trị kinh tế của các phương thức kinh doanh truyền thống khi tiếp cận mô hình kinh doanh mới.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu mức sàn để gia nhập một sân chơi quá thấp, sẽ khiến việc tạo dựng giá trị lâu dài, bền vững khó khăn hơn.
Do đó, chỉ rất ít công ty khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển được đến quy mô đáng kể và gây chú ý tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực và thế giới.
Dĩ nhiên, cũng có những thương vụ đầu tư lớn giống như cơn sốt vàng khiến một số nhà đầu tư thua đau đớn. Đó cũng là bản chất thị trường: luôn lựa chọn những ý tưởng mới mẻ và hỗ trợ ý tưởng hiệu quả.
Cũng có thể, nhiều người nhìn thấy, các thế hệ doanh nhân Việt Nam hăng say làm việc, cày cuối trên mặt trận thương trường chỉ để làm màu, hay muốn để lại di sản cho thế hệ sau. Dù ở góc độ nào, thì điểm chung ở họ là đang trao sức mạnh cho mọi người. Đó mới là điều thật sự ý nghĩa.
Những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng, ông Đỗ Quang Hiển, ông Trần Bá Dương, bà Thái Hương, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Nga (BRG), ông Đoàn Nguyên Đức, bà Nguyễn thị Phương Thảo (Vietjet Air)… trở thành hình mẫu của doanh nghiệp Việt Nam điển hình. Dù khoa trương, hay ẩn mình, họ đều sở hữu những khía cạnh rất đặc sắc. “Họ đang làm cho khái niệm doanh nhân Việt trở nên chân thực và rất có giá trị với đất nước này, đó là doanh nhân dân tộc”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Chúng ta đều biết, thoát nghèo đã khó, trở nên giàu có và hùng cường càng khó khăn hơn gấp bội lần. Để hoàn thành sứ mệnh này, chúng ta phải tiếp tục phát huy tinh thần của một dân tộc 'con rồng cháu tiên', tinh thần dân tộc đã là cội nguồn của những chiến thắng vĩ đại, 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và giờ đây chúng ta hy vọng tinh thần dân tộc sẽ lại là cội nguồn sức mạnh để đưa dân tộc ta tới đài vinh quang trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa đất nước.
Họ là những người không chỉ tạo ra việc làm, biết chia sẻ với người lao động, tuân thủ luật pháp, mà còn luôn có động lực tạo nên sức mạnh cho dân tộc, tạo ra vị thế, vẽ nên chân dung của đất nước trong thế giới hội nhập, mang trong mình khát vọng khiến Việt Nam ngẩng cao đầu.
Giới chuyên gia, học giả tâm huyết với vận mệnh đất nước cho rằng, với những con người ấy, vinh danh không thể chỉ dừng lại ở danh hiệu, mà Nhà nước cần phải có những khuyến khích vật chất xứng đáng hơn.
Đó không hẳn phải là tiền, mà cái họ mong muốn có lẽ là một môi trường bình đẳng và sự đối xử công bằng, được trao cơ hội và niềm tin, tạo ra động lực để chính họ lớn lên và đưa đất nước trở nên hùng cường.
30 năm qua, dân tộc Việt Nam đã cùng nhau làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế. 30 năm tới, Việt Nam sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện một Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu.
Chiến lược Phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được vạch ra. Đó là thời điểm hệ trọng, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước. Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể chế, năng lực cạnh tranh vượt trội, nằm trong nhóm các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN và châu Á.
Đó là ước mơ, là chỉ thị, là hành động quyết tâm của Chính phủ. Để làm được điều đó, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì doanh nghiệp, vì xã hội, vì tương lai dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắn nhủ các thế hệ doanh nhân Việt Nam rằng, trong thời đại hội nhập, phải có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mới có thể phát triển. Kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một doanh nhân trẻ có thể xuất phát điểm thấp, nhưng tương lai sẽ trở thành một doanh nhân nổi tiếng, gánh trên vai sứ mệnh của đất nước, xã hội.
Chúng ta hy vọng, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2, tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, cũng như sáng mãi tinh thần khởi nghiệp của một thế hệ doanh nhân gạo cội.