Khởi nghiệp từ số không
Quyết định từ giã con đường binh nghiệp để “rẽ ngang” sang kinh doanh, lại ở lĩnh vực chả liên quan, chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh thực phẩm sạch, Hà Minh Đức làm cho những người thân “mất ăn mất ngủ” suốt một thời gian dài.
Khó có cơ sở để tin vào sự thành công từ những con số không. Thực tế đã phũ phàng chứng minh điều này. Sau 3 tháng gom góp tiền mở cửa hàng bán thực phẩm sạch tại một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), số vốn mỏng của 3 người bạn là 90 triệu đồng tan thành mây khói, để lại đống công nợ.
Nhưng mong muốn có trong tay chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Minh Đức lại còn nguyên. Vì đơn giản, Đức nghĩ, mình và mọi người có quyền được hưởng sự an tâm trong từng bữa ăn.
3 tháng sau thất bại trên, Đức cùng vợ quyết định làm lại. Huy động ngược xuôi, 2 vợ chồng xoay được hơn 700 triệu đồng, nhưng xử lý công nợ cũ ngốn hết một nửa, vốn cho kế hoạch tái khởi nghiệp của Đức còn vẻn vẹn 350 triệu đồng. Đức thú nhận, gần 80% số tiền trên là của bố mẹ Đức cho con trai mua nhà, nhưng đã bị anh con trai âm thầm đổ vào giấc mộng kinh doanh.
Thấm thía sau thất bại từ lần khởi nghiệp nóng vội trước, lần này, Đức kể, hai vợ chồng quyết tâm không để rơi tiền. Các tài liệu về thực phẩm sạch, nguồn cung cấp thực phẩm sạch, cách thức bảo quản, phân biệt thực phẩm… rồi các bí kíp kinh doanh… được hai vợ chồng cày nát. Tiền đầu tư được phân chia phần đầu tư hệ thống tủ cấp đông, các loại thiết bị bảo quản, phần để lựa chọn địa điểm phù hợp…
Kết quả, năm 2013, cửa hàng Clever Food đầu tiên của Hà Minh Đức đã hiện diện tại 10/106 Hoàng Quốc Việt với những dấu ấn khó trộn lẫn và sự nhiệt huyết của cả hai vợ chồng. Nhưng, chưa nhiều khách là nhận ra điều đó.
Đức tiếp tục nhân rộng tầm phủ Clever Food. Trong năm 2014, 2 cửa hàng mới của Clever Food ra đời. Nhưng từ đây, khó khăn mới lại ập đến. Điều hành cùng lúc 3 điểm bán, nhưng kinh nghiệm điều hành chưa có, thành thử, mỗi cửa hàng kinh doanh một kiểu. Nơi thì bán hàng loại 1, cửa hàng thì bán hàng loại 2… dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Chưa kể, hàng lỗi, hàng hỏng nhiều hơn dự tính, khiến tiền lại bắt đầu rơi...
“Tôi luôn nhìn nhận khó khăn chỉ mang tính thời điểm. Thất bại chỉ đến khi hết động lực và ý chí để phấn đấu. Điều này tôi học được từ những ngày trong quân đội. Bây giờ, chính quan điểm sống này giúp tôi không bị sa lầy trong khó khăn”, Hà Minh Đức kể.
Đức quyết định rà soát lại toàn bộ quy trình kinh doanh của mình, từ khâu nhập hàng, hướng dẫn lại nhân viên cách thức bán hàng, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ bảo quản hàng hóa, tăng tủ mát, dán hạn sử dụng cho sản phẩm, đào tạo nhân viên biết cách giới thiệu hàng cho khách… Clever Food cũng được định vị lại rõ ràng để khách hàng dễ nhận diện.
Dần dà, tỷ lệ hàng hỏng, hàng lỗi do quy trình bán hàng không khoa học đã giảm từ 13% xuống chỉ còn chưa đầy 2%. Tên tuổi chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Clever Food dần được nhắc tới. Tháng 8 vừa qua, Clever Food đã đánh dấu số cửa hàng của Clever Food lên con số 6.
Tại sao là thực phẩm sạch
Đem câu hỏi, tại sao chọn thực phẩm sạch cho thương vụ khởi nghiệp đầu đời tới người sáng lập thương hiệu Clever Food, vì đây là món hàng kinh doanh quá khó, đòi hỏi nhiều tiêu chí, Đức bảo, 7 năm gắn bó trong quân đội, đã từng đi tới 50 đồn biên phòng, nhà giàn, biển đảo, tận mắt chứng kiến quê hương có quá nhiều nông sản, thực phẩm quý, nhưng người dân lại không có nhiều cơ hội được ăn ngon, ăn sạch. Còn người nông dân chân lấm tay bùn đấy, đầu tắt mặt tối đấy mà lúc thu hoạch nhiều khi chẳng biết mang đi đâu.
“Thực trạng trên đáng ra không thể có ở đất nước có vô số sản vật ngon lành như Việt Nam. Tôi muốn thay đổi điều này, dù có thể là một phần nhỏ thôi, có thể sẽ khó khăn, nhưng tôi muốn đưa được thực phẩm sạch của người nông dân tới người tiêu dùng, muốn người nông dân không phải khóc ròng mỗi khi được mùa”, Hà Minh Đức chia sẻ.
Khác với nhiều người kinh doanh thực phẩm, ông chủ Clever Food không áp dụng chiến lược “cạnh tranh bằng giá”. Vì, theo tính toán của Hà Minh Đức, thực phẩm sạch có hạn sử dụng ngắn do không sử dụng chất bảo quản, mẫu mã lại không đồng đều, hàng mau hư hỏng, trong khi khách hàng của mặt hàng này thường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, hình thức sản phẩm…
“Điều kiện tiên quyết với đối tác cung thực phẩm cho Clever Food là chất lượng, chứ không phải giá. Tôi cũng nghĩ, nếu ép giá quá, sẽ không thể khuyến khích người trồng sản xuất hàng hóa chất lượng. Đây cũng là giải pháp win – win (cùng thắng), vì nếu tôi có sản phẩm tốt, tôi giữ được khách hàng của mình, đối tác của tôi có tiền để đầu tư đảm bảo quy trình sản xuất. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phạt rất nặng với những đối tác không giữ chữ tín về chất lượng. Mọi việc đều được ghi rõ trong hợp đồng”, Hà Minh Đức nói.
Thậm chí, để kiểm soát được nguồn cung, Hà Minh Đức đến từng địa phương, nơi có các nhà cung cấp để giao lưu, tìm hiểu thông tin. Đức nói, các chuyến đi để gặp gỡ, để học hỏi những người nông dân cách thức chăm sóc, bảo quản thực phẩm, nhưng cũng để thấy tận mắt ai là người làm thật, ai là người thu gom, ai là người chấp nhận làm đúng quy trình mà hai bên đã cam kết… Nhiều lần đi, Hà Minh Đức có thêm nhiều người bạn, nhưng cũng loại đi không ít người muốn tranh thủ kiếm lời nhanh.
Tuy chấp nhận cuộc chơi khó, luật chơi khó, nhưng Đức thừa nhận, không phải như vậy là đã đủ để thuyết phục khách hàng, nhất là câu hỏi thế nào là sạch, làm sao phân biệt được thực phẩm sạch và không sạch, làm sao biết sản phẩm Clever Food là sạch.
Khách hàng có quyền đòi hỏi như vậy. Thực tế, ngoài các văn bản giấy tờ cần phải có như Giấy tờ chứng nhận sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…, thì khách hàng đến với các doanh nghiệp bằng niềm tin với thương hiệu, cũng có nghĩa là áp đặt tiêu chuẩn cho thương hiệu mà họ chọn.
“Chúng tôi hiểu điều đó, nên cam kết bằng tất cả uy tín và sản nghiệp của mình về những gì chúng tôi đang cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi xác định sẽ đi đường dài và chỉ có uy tín mới giữ thương hiệu của tôi ở lại trong sự lựa chọn của khách hàng”, ông Chủ của Clever Food thẳng thắn.
Clever Food và Hà Minh Đức
Và giờ Hà Minh Đức đã có trong tay chuỗi 6 cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch với gần 60 nhân viên, doanh thu mỗi cửa hàng đã đạt tới 1 tỷ đồng/tháng.
Trong số những điều Hà Minh Đức muốn kể về con đường khởi nghiệp của mình, bên cạnh mong muốn mọi người có quyền ăn sạch, thì tạo ra được công ăn việc làm, tạo thụ nhập cho nhân viên là niềm hạnh phúc mà chỉ có doanh nhân mới thực sự cảm nhận hết.
“Khi mới bắt đầu, tôi chỉ nghĩ đến làm sao không bị lỗ, làm sao khoản tiền bố mẹ tôi dành dụm không bị mất đi. Nhưng giờ, vị ngọt trong kinh doanh còn là khi tôi trả được lương cho nhân viên, thấy được sự hài lòng của khách hàng khi chọn được thực phẩm đúng ý, thấy được niềm vui thu hoạch của bà con nông dân. Cũng thấy công sức của mình trong việc tuyên truyền cho thực phẩm sạch thực sự có ý nghĩa. Nghe thì có vẻ văn hoa, nhưng đó là cảm giác thực”, Đức nói.
Mục tiêu 5 năm tới của người sáng lập Clever Food là nhân rộng điểm bán, mỗi quận ở Hà Nội sẽ có 1 điểm bán lẻ lớn cùng kho bảo quản, khu vực sơ chế ngay tại chỗ.
Ngay trong tháng tới, Clever Food sẽ đưa vào hoạt động một Trung tâm giết mổ tập trung đặt tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Trung tâm này sẽ phục vụ giết mổ nguồn gia súc, gia cầm từ trang trại 2 ha của Clever Food gây dựng cùng các đối tác…
Công việc để đưa Clever Food đi đường dài như mong muốn của người sáng lập Hà Minh Đức chắn chắn còn dài. Nhưng đúng như Đức chia sẻ, vị ngọt của cuộc chơi win - win và quyền được an tâm của người tiêu dùng trong mỗi bữa ăn sẽ có trong các kế hoạch mới của Clever Food…