Doanh nhân Dương Xuân Phi: Đầu tư vào con người là đầu tư cho phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh khó khăn buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lương, thậm chí giảm bớt nhân sự, nhưng Dương Xuân Phi, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Uto Tech JSC lại dũng cảm làm ngược lại.
Ông Dương Xuân Phi, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Uto Tech JSC.

Ông Dương Xuân Phi, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Uto Tech JSC.

Dương Xuân Phi hiểu rằng, củng cố nền móng nhân lực chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Việt Nam đang khôi phục nền kinh tế, ngành du lịch mở cửa trở lại, là một start-up công nghệ về du lịch, chắc hẳn Uto Tech JSC cũng gặp nhiều khó khăn. Điều gì đã giúp anh cùng các cộng sự vượt qua và trở thành một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam?

Công ty Công nghệ Uto Tech JSC được thành lập năm 2020, đúng khi dịch bệnh bùng phát, nhưng Công ty vẫn nhất quán theo đuổi đúng mục tiêu ban đầu đặt ra. Từ 3 nhân sự ban đầu, đến nay, Công ty có tới 50 nhân sự, phát triển một mạng xã hội du lịch, thêm 1/20 ứng dụng trong hệ sinh thái của Công ty - Time Diary, có trụ sở chính ở Đà Nẵng và văn phòng tại TP.HCM, lọt vào Top 15 công ty công nghệ có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Những ngày tháng đầu tiên, Công ty gặp vô vàn khó khăn, như thiếu vốn để tạo ra bứt phá trên hành trình phát triển sản phẩm; nhân sự công nghệ thông tin khan hiếm, khó tuyển dụng, khó tìm kiếm được người phù hợp; thiếu hiểu biết về pháp lý, tài chính để huy động vốn đúng luật ở Việt Nam…

Khó khăn là thế, nhưng nếu tôi sợ, tôi đã không làm. Nếu tôi ngại khó, tôi đã không xuống núi và giờ tôi đã có thể về hưu ở tuổi 30. Nếu tôi dễ dàng từ bỏ, thì tôi đã không thể hoàn thành chuyến xuyên Việt chỉ với 1 triệu đồng trong tay trong 1,5 năm. Tôi đã nhìn thấy trước những khó khăn trên hành trình mà tôi lựa chọn và quyết định đối mặt với mọi thử thách để tự rèn giũa cho mình sự bền bỉ, bền chí để không bao giờ biết bỏ cuộc.

Tôi lan tỏa nguồn năng lượng mạnh mẽ này đến từng thành viên của Uto Tech.

Để có được thành công, cũng không thể không kể đến những cộng sự đã đồng hành cùng tôi trong suốt quá trình xây dựng, phát triển.

Được biết, do đại dịch, nhiều doanh nghiệp không ngừng cắt giảm lương và nhân sự, nhưng anh đi ngược xu thế, khi tăng lương cho nhân viên. Bí quyết nào giúp anh có thể phát triển Công ty ngày càng lớn mạnh và đưa Uto Tech JSC trở thành công ty công nghệ lọt Top 15 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam?

Khi tuyển dụng nhân sự, tôi chưa bao giờ xem họ là người đi làm thuê cho mình, mà xem họ như khách hàng nội bộ, với tiêu chí win - win được chú trọng. Tôi xem con người là nhân tố cực kỳ quan trọng. Họ là những người đồng đội, đồng hành cùng tôi trên hành trình dài đầy cam go và thử thách. Tôi tìm kiếm những con người có tâm tốt và cùng chung chí hướng, còn chuyên môn chưa tốt thì tôi có thể đào tạo.

Để làm được điều đó, tôi đã dành thời gian, tiền bạc, tâm huyết để chia sẻ tư duy của mình, bởi tư duy là thứ cốt lõi để dẫn đến hành động, kể cả trong công việc hay trong cuộc sống. Quan trọng hơn hết, tôi giúp họ xác định mục tiêu cuộc đời và Uto Tech chính là môi trường tốt nhất để giúp nhân viên phát triển bản thân, tốt lên từng ngày.

Tôi vô cùng tự hào vì đã có nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng nhân viên Công ty vẫn nỗ lực làm việc, bởi họ hiểu rằng, ở đây, họ sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi, thử sai, sửa sai, trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm. Công ty thành công, thì chắc chắn mọi người sẽ có cuộc sống như mong ước.

Là một start-up, nhưng Uto Tech JSC có văn hoá đặc trưng khi còn thuở sơ khai vài người, trong khi đa phần các công ty lớn mạnh mới chú trọng xây dựng văn hóa. Anh nghĩ sao về điều này?

Cái cây chỉ uốn nắn được khi nó còn nhỏ, còn khi đã lớn lên mà bạn uốn nhanh sẽ gãy, uốn chậm thì tốn mất rất nhiều thời gian.

Tôi luôn nghĩ rằng, mọi việc cần xây dựng bài bản, chuyên nghiệp ngay từ sơ khai và những con người được đào tạo ban đầu sẽ là những người giúp tôi nhân bản hệ thống tư duy và văn hóa đến lớp nhân viên kế tiếp. Khi số lượng nhân viên ngày càng nhiều, thì tôi không sẽ có nhiều thời gian để tiếp cận và phổ cập kiến thức cho họ.

Hơn nữa, hệ thống hoá và chuyên biệt ngay lúc đầu sẽ giúp tôi và nhân viên tiết kiệm thời gian của nhau, để đồng hành cùng nhau lâu dài, chứ không phải họ vào làm việc một thời gian.

Thậm chí, tất cả nhân viên ở Công ty tôi đều phải dọn dẹp bàn làm việc và giữ gìn khu sinh hoạt chung. Họ hiểu rằng, văn hoá công ty luôn đề cao sự công bằng và bình đẳng, dù bạn là ai, giữ vị trí quan trọng như thế nào, chức vụ cao hay thấp, thì quy định công ty không ưu tiên hay ngoại lệ một ai. Đó cũng là cách giúp mọi người gạt bỏ cái tôi cá nhân và gần gũi nhau hơn. Tôi có thể thuê người dọn dẹp vì chi phí đó rất nhỏ, nhưng tôi muốn rèn cho nhân viên tính kỷ luật, chỉn chu trong từng việc nhỏ nhất. Tôi chưa thấy người thành công nào mà tính cách bề bộn cả, họ vô cùng ngăn nắp.

Cách bạn làm một việc cũng như cách bạn làm mọi việc. Chỉ khi bạn làm tốt nhất những việc nhỏ thì mới cẩn trọng khi làm việc lớn. Công ty tôi thiết kế có khu vực giải trí, không gian lãng mạn, đầy cảm hứng, tôi muốn nhân viên thật sự thoải mái khi đi làm và xem nó như ngôi nhà thứ hai của mình.

Giới trẻ trong ngành công nghệ thông tin dường như đang ảo tưởng về ngành nghề và vị trí của mình, do đó họ có xu thế nhảy việc để tìm kiếm mức lương tốt hơn. Anh có lời khuyên gì với vai trò là một CEO của công ty công nghệ?

Nếu tôi không thành lập công ty công nghệ thì tôi vẫn có một lời khuyên cho các bạn trẻ, không chỉ riêng gì dân công nghệ thông tin rằng, các bạn đừng bao giờ theo đuổi lương, vì lương sẽ không khiến các bạn giàu lên được. Hãy dành thời gian đầu tư vào trí tuệ, kỹ năng và mối quan hệ. Lúc ấy, tiền là hệ quả và khi bạn có đủ, bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Hoặc nếu bạn vẫn muốn tìm kiếm lương bằng cách nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, tôi tin rằng, bạn sẽ không có những bước tiến xa trong tương lai.

Hãy đặt ra một mức lương mà mình muốn đạt được và nỗ lực đạt được nó bằng cách tăng năng lực của mình lên. Khi đó, bạn có quyền thỏa thuận về lương với các ông chủ và tôi tin, với những ông chủ đủ tâm, đủ tầm, họ sẽ đáp ứng để mong có được những nhân sự có thực lực giỏi. Không những thế, khi bạn chứng minh bằng kết quả làm việc của mình, bạn sẽ lên các vị trí với mức lương vượt mong muốn của mình.

Ngoài vai trò là một doanh nhân, anh còn là diễn giả, mentor và đã thay đổi tư duy cốt lõi, cuộc sống của rất nhiều người. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tôi đơn giản chỉ là một người theo đuổi ước mơ đến cùng, sẵn sàng đem những kinh nghiệm, tri thức của bản thân để chia sẻ, truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người. Tôi mong mỏi một ngày nào đó, người Việt Nam sẽ tự hào về dân tộc của mình không chỉ bởi tinh thần bất khuất trong chiến tranh, mà còn vì những đức tính cao quý và thành tựu xuất chúng.

Tiếp xúc không ít bạn trẻ thế hệ ngày nay, tôi thấy, các bạn giỏi, nhưng tư duy, kỹ năng mềm còn hạn chế. Tôi mở các khóa học mang tên “Khai Ngộ”, khóa học kỹ năng mềm về lãnh đạo, phát triển tư duy hệ thống, xây dựng văn hoá doanh nghiệp…

Đó cũng được xem như là hành trình kiểm chứng lại mọi tư duy của bản thân. Mọi thứ tôi chia sẻ lúc đó sẽ là thực chiến hoàn toàn. Vì bản thân tôi rất ghét “diễn giả” dạy bằng việc đọc sách hay đi học lại từ người khác mà họ không có từng trải qua thực chiến trong cuộc sống, bởi nhiều khi, nghe có vẻ hay, nhưng không thể áp dụng được.

Tôi cần phải chỉnh lại tư duy của rất nhiều người có lối sống thực dụng, ăn sổi, kiếm tiền nhanh - một trong những tư duy khiến đất nước của chúng ta không bao giờ phát triển nhanh được. Tôi kỳ vọng, thế hệ học trò mà tôi tận tâm chỉ dạy sẽ đáp ứng các tiêu chí lựa chọn nhân sự của doanh nghiệp trong tương lai.

Tin bài liên quan