Doanh nhân Đồng Đức Trọng, CEO Rakuna.

Doanh nhân Đồng Đức Trọng, CEO Rakuna.

Doanh nhân Đồng Đức Trọng, CEO Rakuna: Khó khăn là lúc cần thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
Đam mê kinh doanh, ưa mạo hiểm và thích thử thách bản thân, nên với Đồng Đức Trọng, khó khăn cũng là cơ hội để anh thay đổi, tìm ra hướng đi mới…

Nhìn thấy cơ hội từ thách thức

Sau nhiều lần dời lịch hẹn, chúng tôi mới gặp được Đồng Đức Trọng tại văn phòng của Rakuna tại Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội).

CEO trẻ tuổi của Rakuna bắt đầu câu chuyện bằng một chuỗi động từ mạnh như sa thải, đóng cửa, ngủ đông... Anh chia sẻ, tác động tiêu cực của Covid-19 hằn rõ tại hai doanh nghiệp mà anh đang điều hành, gồm Rakuna - doanh nghiệp công nghệ trong mảng nhân sự và một công ty công nghệ thép.

“Tháng 3, hai thị trường lớn nhất của chúng tôi là Mỹ và Australia bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Thị trường tuyển dụng bị tác động mạnh mẽ. Ở Mỹ, hơn 21 triệu người bị thất nghiệp, hầu hết công ty đều phải sa thải nhân viên hoặc cho làm việc cầm chừng. Các đối tác cũ, mới và tiềm năng của Rakuna ở Mỹ rơi vào trạng thái ngủ đông, chúng tôi vẫn duy trì kết nối và gửi email, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào trong tháng 3 và tháng 4. Công ty thép cũng gặp khó khăn khi đối tác phải giãn cách xã hội giữa các tiểu bang”, Trọng chia sẻ.

Trong lúc khó khăn bủa vây, Trọng thấy, cần phải thay đổi, mà đầu tiên là thay đổi công nghệ và sản phẩm, chuẩn bị trước cho giai đoạn sắp tới. Theo anh, khi dịch bệnh được kiểm soát, các công ty dần phục hồi, chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến người lao động, an ninh và sức khỏe. Đó cũng là cơ hội cho công ty của anh bán được sản phẩm thép về an ninh (bộ thanh chắn đảm bảo khoảng cách trong siêu thị, nhà ga… với mục đích đảm bảo yêu cầu giãn cách). Còn đối với Rakuna, đây cũng là thời điểm thích hợp để thay đổi sản phẩm, đặc biệt là phát triển mạnh tuyển dụng qua hình thức online để giúp các đối tác tuyển dụng nhân sự khi quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.

“Tôi quan niệm, đối với hoạt động kinh doanh, trong nguy luôn có cơ. Dịch bệnh làm ngưng trệ nhiều hoạt động, nên sản phẩm thép thuần xây dựng sẽ gặp khó vì nhu cầu bị gián đoạn, song vẫn có những lĩnh vực được hưởng lợi từ Covid-19. Chúng tôi đã nhìn ra cơ hội và đang tập trung tận dụng. Đơn cử, sản phẩm mà chúng tôi đang bán rất tốt là hệ thống được làm bằng thép chứa các máy chủ triển khai ở Dự án Trang trại máy chủ (Server farm) của Amazon và Google. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp tăng cường hoạt động online, nên phải đầu tư mạnh vào trung tâm cơ sở dữ liệu”, Trọng bộc bạch.

Trước Covid-19, Rakuna đã đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng 4 lần so với các năm trước, nhưng hiện tại, mục tiêu đơn giản là nhanh chóng đưa ra sản phẩm mới.

Đam mê kinh doanh và hành trình thử thách

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh thép, Trọng mang trong mình “dòng máu” đam mê kinh doanh. Nhưng, anh cũng tự nhận, mình khá “ương”, thích mạo hiểm, không muốn đi con đường dễ dàng khi chưa thử thách bản thân.

Năm 2007, Trọng du học theo diện tự túc, ngành quản lý hệ thống thông tin tại Đại học Iowa State (Mỹ). Vì vốn tiếng Anh không tốt, anh quyết định chọn một thành phố có ít du học sinh Việt Nam, để có cơ hội trải nghiệm trong môi trường bản địa.

Tốt nghiệp đại học đúng thời điểm kinh tế thế giới gặp khủng hoảng (cuối năm 2009, đầu năm 2010), nhiều doanh nghiệp phải sa thải hàng loạt nhân viên, nhưng Trọng vẫn tìm được việc làm. “Tôi gọi đó là may mắn, vì vừa mới ra trường đã được làm ‘tỷ thứ’, từ lập trình, quản lý dự án, đến bán hàng, chăm sóc khách hàng…”, Trọng vui vẻ nói.

Anh kể, ngày đầu tiên vào làm “full-time” (toàn thời gian) tại Boston Scientific - một tập đoàn chuyên sản xuất công nghệ y khoa với quy mô khoảng 25.000 nhân viên, anh được biết, lãnh đạo Tập đoàn vừa sa thải khoảng 200 nhân viên ở Văn phòng Minnesota.

Trọng làm việc tại Boston Scientific gần 5 năm. Trong khoảng thời gian đó, anh tham gia một cuộc thi dành cho các dự án khởi nghiệp nội bộ và giành được giải thưởng để phát triển một công nghệ trên iPhone/iPad chuyên về lĩnh vực tuyển dụng. Sau đó, anh tiếp tục tham gia cuộc thi khởi nghiệp của toàn tiểu bang và được một nhà đầu tư thiên thần (cũng là giám khảo của cuộc thi) đề nghị đầu tư 10.000 USD cho dự án, nhưng không có pháp danh nào để nhận tiền. Anh quyết định thành lập công ty và Rakuna ra đời từ đó.

Là một công ty công nghệ dành cho doanh nghiệp, bộ sản phẩm đầu tiên của Rakuna phục vụ mảng nhân sự, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ và tiết kiệm thời gian. Giải pháp của Rakuna giúp các nhà tuyển dụng số hóa quy trình tuyển dụng. Điểm khác biệt của Rakuna so với các đơn vị tuyển dụng thông thường là, Công ty không bán giải pháp cho ứng viên, mà chỉ bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Rakuna cũng không tìm kiếm các ứng viên, mà cung cấp công cụ cho các công ty mang theo trong quá trình tuyển dụng.

Chia sẻ dự định trong thời gian tới, Đồng Đức Trọng cho biết, Rakuna sẽ tiếp tục phát triển, cung cấp giải pháp toàn diện về công nghệ tuyển dụng và quản lý nhân sự, còn công ty công nghệ thép sẽ nghiên cứu hoàn thiện và đưa ra thị trường các bộ sản phẩm made in Viet Nam, sử dụng nguyên liệu của Việt Nam, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu.

“Giả sử, công ty của bạn tới Đại học Stanford để tuyển dụng nhân sự, thay vì mang theo giấy tờ, những người tuyển dụng chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng, để chụp ảnh, số hóa hồ sơ của ứng viên, thay vì phải mang hồ sơ giấy về văn phòng. Ứng dụng cho phép nhà tuyển dụng phỏng vấn người ứng tuyển qua form đánh giá được thiết lập sẵn. Trưởng phòng nhân sự có thể ngồi ở văn phòng mà vẫn trực tiếp thấy được thông tin ứng viên cập nhật trong thời gian thực và nhanh chóng đưa ra quyết định cho bước tiếp theo”, Trọng giải thích.

Thời gian đầu khởi nghiệp, Trọng và đội ngũ Rakuna gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm. Kiên trì và không từ bỏ mục tiêu, sau 112 cuộc gặp mặt, nói chuyện thất bại, cuối cùng, anh cũng chốt được hợp đồng đầu tiên. Khách hàng đó từng sử dụng sản phẩm tương tự của Rakuna từ một đơn vị khác, nhưng không hài lòng. Sau 6 tháng theo đuổi, Trọng đã thuyết phục được họ ký hợp đồng 3 năm.

Rakuna phát triển gói giải pháp tuyển dụng cho sự kiện và gói dài hạn, có mức giá khoảng 650 USD cho một sự kiện hoặc 10.000 - 100.000 USD/năm đối với hợp đồng dài hạn, tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp. Công ty có khoảng 300 khách hàng sử dụng dịch vụ, từ start-up tới các công ty trong danh sách “Fortune 100” (100 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ xét theo doanh thu, do Tạp chí Fortune công bố) như Applied Materials, Express Scripts & National Grid.…

Năm 2016, giữa lúc Rakuna đi vào hoạt động ổn định, thì vợ chồng Trọng quyết định về Việt Nam. Sau khi về nước, với nền tảng kinh doanh của gia đình, Trọng thành lập một công ty công nghệ thép, sử dụng sản phẩm thô từ nhà máy thép của gia đình, nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm cuối cùng mới. Một trong những sản phẩm của công ty là hệ thống chuồng trại nông nghiệp, đã được xuất khẩu sang Mỹ, Australia.

Ý tưởng thành lập công ty công nghệ thép đến với Trọng khá tình cờ, trong một tình huống thực tế khi anh đảm nhận vị trí trợ lý tổng giám đốc cho công ty thép của gia đình. Gặp gỡ và trao đổi với khách hàng nước ngoài, anh được biết, sau khi nhập khẩu thép từ Việt Nam, họ vẫn phải sản xuất để làm ra sản phẩm cuối cùng.

Trọng nhận thấy, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng làm ra sản phẩm cuối cùng từ thép, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa của Australia, Mỹ và hàng Trung Quốc tại các quốc gia này. Anh nhanh chóng quyết định thành lập công ty công nghệ thép để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh.

Điều hành cùng lúc 2 doanh nghiệp là việc không đơn giản, nhất là khi Trọng còn trẻ, vẫn đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm. Anh luôn tâm niệm, phải học cách quả trị, quản lý thời gian, xây dựng bộ máy nhân sự để có thể chuyển giao quyền lực.

Tin bài liên quan