Doanh nhân Đào Đình Dư, Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Trí
Hành trình khởi nghiệp
Sau quá trình làm việc, phấn đấu và khẳng định năng lực, Đào Đình Dư đã vươn lên vị trí “chỉ dưới một người” trong doanh nghiệp, nhưng với hoài bão lớn, anh quyết định bỏ lại tất cả để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của riêng mình. Đó là vào năm 2016. Quyết định của Dư khiến bạn bè, người thân, đồng nghiệp vô cùng bất ngờ, nhiều người hoài nghi về khả năng thành công của anh, bởi làm chủ một doanh nghiệp hay khởi đầu một dự án mới không bao giờ là điều đơn giản, dễ dàng.
Bỏ qua những lời nghi hoặc, khuyên can, chàng trai trẻ Đào Đình Dư vẫn quyết tâm bước đi trên con đường mình đã chọn với việc đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại quê hương Thanh Miện (Hải Dương).
Những ngày đầu thành lập Công ty cổ phần May Việt Trí, thiếu vốn và chưa có nhiều cộng sự, Dư phải trực tiếp thực hiện nhiều công việc. Đưa nhà máy vào vận hành, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt đã khó, nhưng đưa sản phẩm ra thị trường, chinh phục khách hàng, nâng mức tiêu thụ… còn khó hơn gấp nhiều lần. Một phần bởi thương hiệu Việt Trí còn quá non trẻ, trong khi đó, thị trường đang tràn ngập hàng may mặc Trung Quốc và sản phẩm của các thương hiệu lớn.
“Rất khó để sản phẩm của Việt Trí có được chỗ đứng nhất định giữa ma trận các mặt hàng đã có danh tiếng trong và ngoài nước”, Dư nhớ lại những tháng ngày đầy thử thách.
“Vạn sự khởi đầu nan, gian nan thì tìm cách giải quyết”, Đào Đình Dư đã biến câu nói đó thành hành động. Anh xác định, sản phẩm của Việt Trí chưa được nhiều người biết đến, thì phải đưa sản phẩm đến tận tay đối tác, khách hàng; hạ giá thành sản phẩm, nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo, thậm chí phải tốt hơn trước.
Dần dần, tiếng lành đồn xa, bằng những sản phẩm với chất lượng tốt nhất, giá hợp lý nhất, Việt Trí đã tạo dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều bạn hàng trên cơ sở đảm bảo lợi ích song phương. Công ty nhận được những đơn hàng lớn đầu tiên, rồi những đơn tiếp theo, tiếp theo nữa… Doanh thu hàng năm của Việt Trí liên tục tăng trưởng mạnh. Đối tác thường xuyên của Việt Trí là các thương hiệu nổi tiếng như KOHL’S, Walmart, Macys, Belk… Nhà máy may số 1 của Giám đốc Đào Đình Dư đã đảm bảo việc làm cho gần 1.000 lao động với mức lương hấp dẫn.
Chưa đầy 3 năm sau, Dư quyết định thực hiện kế hoạch vượt sông Luộc, “đổ bộ” vào Thái Bình - địa phương hiện có nhiều tập đoàn với hệ thống các nhà máy may lớn, hiện đại bằng việc đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy may số 2.
Anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ 8 huyện, thị xã trong tỉnh Thái Bình để lựa chọn địa điểm tối ưu nhất cho việc xây dựng nhà máy và tìm ra đáp án cuối cùng là xã Quỳnh Hội (huyện Quỳnh Phụ). Dư chia sẻ, sở dĩ anh lựa chọn địa điểm này vì Quỳnh Phụ là nơi “tiếng gà vang 3 tỉnh”, giáp Hưng Yên, Hải Dương, đặc biệt là cận kề thành phố cảng Hải Phòng sôi động. Huyện Quỳnh Phụ có hạ tầng giao thông tốt, rất thuận tiện cho công đoạn nhập nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Chưa kể, đây cũng là địa bàn còn nhiều dư địa cho việc tuyển dụng nguồn nhân lực - vốn đang là “điểm nghẽn” của các nhà máy may xuất khẩu.
Nhà máy may xuất khẩu hiện đại của Công ty cổ phần May Việt Trí tại Thái Bình |
“Công thức” thành công
Trong câu chuyện triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy may số 2 của chàng thanh niên khởi nghiệp có nhiều chuyện làm tôi bất ngờ, như chuyện Dư sang Nhật Bản mua máy móc thiết bị. Việc đặt mua máy may của Nhật Bản - một quyết định thông minh, sáng suốt - cũng là điều đáng nói, nhưng bất ngờ hơn là Dư đã mạnh dạn góp ý cho đối tác những chi tiết có thể thay đổi, cải tiến ở những chiếc máy đã hoạt động ổn định và xuất khẩu sang các nước trên thế giới bao năm qua. Đề xuất đó khiến người Nhật bất ngờ, nhưng họ thấy hợp lý và đã chỉnh sửa theo yêu cầu của doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Một câu chuyện khác của Dư cũng đầy bất ngờ là việc thực hiện “nhiệm vụ kép” ở 2 nhà máy. Nhà máy may số 2 ở Thái Bình vừa xây dựng, tuyển công nhân xong thì “cơn bão” Covid-19 ập đến; nhà máy ở Hải Dương thì nằm trong tâm dịch. Cùng thời điểm này, nhiều công ty may mặc đã hoạt động lâu năm, sản xuất ổn định cũng phải cắt giảm nhân công, tạm thời đóng cửa, thậm chí dừng hoạt động.
Vậy mà, Dư vui mừng chia sẻ, gần 2.000 công nhân tại hai nhà máy của Việt Trí không ai bị thất nghiệp hay không có lương vì Covid-19. Để đối phó với đại dịch, Việt Trí đã xây dựng 5 kịch bản hoạt động, cắt giảm chi phí tối đa, chủ động nội địa hóa sản phẩm, chuyển sang sản xuất khẩu trang xuất khẩu, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động...
Trong quỹ thời gian 5 năm, khởi nghiệp từ con số 0, Đào Đình Dư đã đưa sản phẩm may mặc Việt Trí nhanh chóng hòa nhịp với thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu. Việt Trí đã được công nhận là doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế với tiêu chuẩn về hạ tầng, cơ sở, máy móc và chế độ đãi ngộ với người lao động. Thành công này, không phải doanh nhân khởi nghiệp nào cũng gặt hái được.
Đào Đình Dư chia sẻ, anh rất trọng người tài, người ham học hỏi, sẵn sàng nhận những người chưa có kinh nghiệm, sinh viên thực tập vào làm việc tại Công ty. Anh luôn tâm niệm, con người là vốn quý nhất, nên đặc biệt quan tâm tới người lao động, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người lao động, dành thời gian tham dự các bữa ăn cùng công nhân, tham gia các hoạt động ngoài giờ… Trong khuôn viên 2 nhà máy, Dư dành một diện tích đủ lớn để bao phủ cây xanh, tạo môi trường làm việc trong lành, thư giãn cho người lao động.
Đặc biệt, Việt Trí còn ứng dụng năng lượng tái tạo vào quy trình sản xuất. Bản thân Dư cũng tham gia tích cực vào khâu thiết kế, thi công để đạt hiệu quả cao nhất về tính chất khoa học, tạo sự gắn kết giữa các bộ phận, công đoạn, tạo thành chuỗi khép kín, thuận tiện cho việc di chuyển, vận hành để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Dư cho rằng, trí tuệ và năng lực của người Việt không thua kém bất cứ quốc gia nào, nên anh luôn động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên, người lao động vận dụng năng lực, sức sáng tạo của bản thân để đạt năng suất lao động cao nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá thành hạ, chi phí tiết kiệm nhất - một công thức đơn giản của thành công. Đây cũng là tâm huyết của Đào Đình Dư khi chọn tên Công ty Việt Trí cho dự án khởi nghiệp của mình.
Giấc mơ Việt Trí
Dư mong muốn Việt Nam có thêm nhiều tập đoàn lớn trong nước, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài để các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Việt Trí có thể bắt tay trực tiếp với họ, từ đó “cắt bỏ” được chi phí trung gian, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế để có thể nâng cao thu nhập cho người lao động trong nước. Dư còn chia sẻ, nếu không đạt mức thu nhập từ 1.000 USD/tháng cho người lao động, thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại. Vì thế, doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể đi đường dài.
Cùng với đó, Dư mong đất nước có những đặc khu kinh tế như các mô hình đã thành công trên thế giới, để thế hệ doanh nghiệp trẻ như Việt Trí có thêm dư địa, cơ hội để phát triển, tạo ra giá trị thương mại lớn.
Thêm một giấc mơ nữa của doanh nhân 38 tuổi Đào Đình Dư là đầu tư thành công một dự án mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình, không những lớn hơn, hiện đại hơn, mà còn hoàn thiện hơn nhờ đúc rút kinh nghiệm đầu tư, vận hành 2 nhà máy trước đó, đưa tổng số công nhân của Việt Trí lên con số 10.000. Dư luôn ấp ủ hoài bão đưa Việt Trí trở thành công ty đa quốc gia với mô hình sản xuất - kinh doanh và dịch vụ, trong đó, sản xuất - kinh doanh sản phẩm may mặc là lĩnh vực hoạt động cốt lõi; đưa nhãn hiệu thời trang Việt Trí từng bước chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới; xây dựng Việt Trí trở thành một điển hình về văn hóa doanh nghiệp, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội…