Không chỉ cung cấp nguồn thịt bò quý hiếm này tại thị trường nội địa, trong tương lai, KVB sẽ trở thành nhà cung cấp giống bò Kobe Việt Nam (còn gọi là bò KVB Kuroge) chất lượng để chuyển giao cho nông dân.
Rẽ sang lối đi khó
Chuyên kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, mía đường, khách sạn du lịch…, vậy cơ duyên nào đã đem ông đến với việc chăn nuôi và sản xuất giống bò lông đen Nhật Bản quý hiếm?
Nuôi và phát triển được giống bò quý hiếm Kobe của Nhật Bản ngay tại Việt Nam (nước thứ 7 trên thế giới nuôi được giống bò này) chính là niềm mơ ước từ lâu của tôi và người bạn thân thiết là anh Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty Kềm Nghĩa (hiện là Chủ tịch KVB). Mong ước đó của chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ và đồng cảm của những người bạn Nhật Bản là các ông Yasuhara Fuminori, ông Kawamura Noriyuki, ông Fujii Shigeru.
Thực sự, ước mơ về việc nuôi giống bò gen quý của Nhật Bản đã được ấp ủ từ năm 2002, nhưng phải đến gần cuối năm 2009, KVB mới chính thức ra đời để thực hiện Dự án sản xuất bò Kobe tại Việt Nam. Kể từ khi khởi công xây dựng trang trại vào đầu năm 2010 đến nay, chúng tôi luôn đồng hành với từng bước đi của dự án, từ việc nhập bò, lai tạo giống bò, chăm sóc với các kỹ thuật đặc biệt cho đến khi bò đạt các tiêu chuẩn về chất lượng.
Kết quả bước đầu ra sao? KVB đã thành công với dự án này chưa?
Cuối tháng 10/2015, sau gần 36 tháng nuôi dưỡng, chúng tôi tiến hành kiểm tra chất lượng thịt bò thành phẩm, với sự xác nhận của các chuyên gia về bò Kobe hàng đầu của Nhật Bản. Chúng tôi tự tin khẳng định, giống bò lông đen quý của Nhật Bản được nuôi thành công tại Việt Nam, chất lượng thịt không thua kém chất lượng thịt bò F1 được nuôi tại Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Tiếp thị phân phối thịt bò Kobe tại Nhật Bản, để được gọi là bò Kobe thì phải hội tụ đầy đủ các yếu tố sau: giống bò Tajima sinh ra tại TP. Kobe nằm ở tỉnh Hyogo, được nuôi dưỡng ở trang trại thuộc tỉnh Hyogo; đó là bò tơ chưa sinh sản đối với bò cái và bò thiến đối với bò đực; được giết mổ tại các lò mổ quy định thuộc thủ phủ Hyogo ở các thành phố Kobe, Nishinomiya, Sanda, Kakogawa hay Himeji.
Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng, thịt bò được gọi là thịt bò Kobe đạt chuẩn có số lượng rất ít (khoảng 3.000 con/năm). Cũng giống bò đó mà nuôi ở tỉnh khác, chưa nói đến bò nuôi ở quốc gia khác, thì cũng không thể gọi là thịt bò Kobe, mà chỉ có thể gọi là bò Wagyu hay bò giống Nhật mà thôi. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển của KVB, để hôm nay ra được sản phẩm như trên là một đoạn đường dài và nhiều thử thách.
Được biết, không thể nhập bò giống Kobe vì liên quan đến việc bảo tồn loại gen chỉ có ở Nhật Bản. Vậy KVB làm thế nào để có thể nhập khẩu giống bò này về Việt Nam?
Theo thống nhất của đối tác Nhật Bản, chúng tôi đã nhập khẩu tinh bò Kobe từ Mỹ (trong lịch sử Nhật Bản đã tặng nước này 3 cặp bò Kobe giống). Sau đó, chúng tôi phối tinh bò này với bò sữa của Hà Lan cho ra đời bò Kobe F 1 đầu tiên tại xã Tân Lạc, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng vào tháng 11/2012. Sau đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện lai tạo tinh bò Kobe và bò cái F1 để có bò Kobe F2. Quy trình này được lặp lại với Kobe F2 để cho ra đời thế hệ F3 thuần chủng, được đặt tên là KVB Kuroge.
Việc nhập khẩu tinh bò Kobe không khó vì đã có nhiều công ty tại Việt Nam có giấy phép nhập khẩu. Điều quan trọng nhất chính là thức ăn, cách chăm sóc sức khỏe đàn bò. Đó là những kỹ thuật mà chúng tôi vẫn đang học để hoàn thiện hơn. Theo những gì tôi được biết, thì KVB không phải là đơn vị đầu tiên và duy nhất nhập khẩu, nuôi dưỡng trực tiếp giống bò cao cấp này. Nhưng đến thời điểm này, tôi có thể tự hào nói rằng, KVB đã thành công trong việc nuôi dưỡng giống bò có gen quý này và chính thức xuất bán tại thị trường Việt Nam.
Kinh doanh là sứ mệnh
Điều gì khiến ông tự tin với quyết định đầu tư có phần mạo hiểm và táo bạo này? Ông có thể chia sẻ khó khăn cũng như giải pháp khắc phục để duy trì số lượng đàn bò lớn hiện nay?
Tôi nhận thấy người tiêu dùng cần phải được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá tốt nhất. Những doanh nhân khi đã có đam mê thì sẽ luôn ý thức được kinh doanh là sứ mệnh, chứ không chỉ là quyền lợi và phải làm sao góp phần hiện thực hóa nhu cầu của khách hàng với các phương pháp tối ưu nhất.
Nước ta có truyền thống nông nghiệp cũng như điều kiện khí hậu tự nhiên phong phú. Nếu biết học hỏi, khai thác để phát huy thành tựu chăn nuôi của nước bạn, thì không những tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp nước nhà, mà còn góp phần cải thiện đời sống của người dân so với việc nuôi trồng các sản phẩm nội địa như trước đây.
Do sức đề kháng yếu, ban đầu tỷ lệ chết trên đàn bò con lên đến 20%. Do đó, các chuyên gia Nhật phải mất nhiều thời gian nghiên cứu để khắc phục tình trạng này. Tuy nhhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện, bởi chỉ có giống bò thuần chủng mới cho chất lượng thịt hảo hạng.
Công nghệ nuôi và chăm sóc giống bò KVB Kuroge được chuyên gia Nhật Bản thực hiện ra sao?
Công nghệ chăm sóc cũng từng là một bài toàn nan giải đối với Công ty, nhưng các chuyên gia Nhật đã làm được điều đó. Nhật Bản nổi tiếng với những phương pháp chăm sóc độc đáo, tỉ mỉ, chuyên nghiệp; đó cũng chính là yếu tố không nhỏ làm nên danh tiếng của loại thịt bò này. Cuộc sống “ông hoàng bà chúa” của bò lông đen không phải chỉ là lời đồn đại, đó là thực tế mà tôi chứng kiến khi tận mắt tham quan trang trại bò tại Nhật Bản.
Ngày nay, các phương pháp “cho bò uống bia, nghe nhạc, massage” có thể không quá xa lạ, song không nơi nào cho chất lượng thịt hảo hạng như Nhật Bản. Đó cũng là lý do tôi và những nhà đồng sáng lập KVB quyết tâm hợp tác với các chuyên gia Nhật Bản. Toàn bộ quy trình xây dựng chuồng trại, nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi tại trang trại KVB đều do các chuyên gia này thiết kế và chuyển giao. Mỗi năm, họ sang Việt Nam khoảng 4 lần để kiểm tra quy trình chăn nuôi, đánh giá tốc độ phát triển đàn bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các kỹ sư và công nhân Việt Nam...
Bên cạnh sự hợp tác quý báu của đối tác Nhật Bản, chúng tôi cũng có đội ngũ kỹ sư tuyệt vời, đứng đầu là Anh Vũ, Giám đốc Công ty KVB, người đã có 13 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, hiểu văn hóa Nhật và đặc biệt là vô cùng yêu nghề mến nghiệp, có quyết tâm để cùng chúng tôi sản xuất được “sản phẩm bò tiêu chuẩn Kobe” tại Việt Nam.
So với sản phẩm bò thông thường, bò Kuroge đem lại lợi ích vượt trội nào tới người tiêu dùng?
Khác với thịt bò nuôi tại Việt Nam hiện nay, bò giống bò lông đen nuôi tại trang trại của KVB không sử dụng cám hỗn hợp, mà thức ăn được phối trộn và điều chỉnh theo từng độ tuổi, giới tính và sức khỏe thực tế của con bò. Bò được nuôi trong môi trường nhiệt độ mát mẻ của vùng cao nguyên (giảm thiểu stress nhiệt thường có) và tạo mọi điều kiện để bò được thư giãn như nghe nhạc, chăm sóc sức khỏe theo từng cá thể...
Chính vì vậy, sản phẩm thịt bò Kuroge của Công ty mềm, thơm hơn những sản phẩm thịt bò đang bán trên thị trường. Và với việc sử dụng thức ăn chủ yếu cho đàn bò là những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như như bắp, gạo, khoai lang khô..., thì theo các chuyên gia, vị của thịt bò cũng sẽ khác với thịt bò nuôi tại Nhật Bản và mang hương vị Việt Nam.
Lứa bò Kobe “made in Việt Nam” đầu tiên đã được xuất chuồng. Ông đánh giá thế nào về triển vọng nhân rộng loại bò này và việc đưa sản phẩm ra thị trường?
Khi KVB mới ra đời, đã có không ít cái nhìn hoài nghi về sự liều lĩnh này và chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi hiện thực hóa mong muốn nuôi giống bò chất lượng cao này tại Việt Nam, từ quá trình nhân giống cho tới duy trì, chăm sóc. Nhưng may mắn là chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực của đối tác Nhật Bản cũng như chính quyền địa phương tại Lâm Đồng - nơi đặt trang trại chăn nuôi giống bò quý hiếm trên. Sau khi xuất chuồng gần 100 con bò lứa đầu tiên, KVB sẽ đưa ra thị trường lượng thịt ổn định.
So với nhu cầu của thị trường, thì số lượng bò nuôi tại trang trại còn rất nhỏ, nhưng với chiến lược kinh doanh dài hơi, chúng tôi đã có kế hoạch cung cấp mặt hàng này định kỳ hàng tháng. Trong tương lai, Công ty sẽ kết hợp với người nông dân trong việc nuôi dưỡng loại bò này
. KVB cung cấp khi bò khoảng 4 tháng tuổi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Người dân nuôi đến thời gian 26 tháng tuổi, KVB ký hợp đồng mua lại để vỗ béo và xuất bán ra thị trường. Đây là sự kết hợp win - win mà ở đó, cả người nông dân, người tiêu dùng và KVB đều được lợi.