Vị thuyền trưởng dẫn dắt doanh nghiệp phát triển nông nghiệp thông minh
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - nông nghiệp, triết lý kinh doanh của Ức My luôn xoay quanh mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững. Bà chính là vị thuyền trưởng đã dẫn dắt AgriS từng bước chuyển mình vững chắc, tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu trở thành “doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam”.
Đến nay, AgriS thuộc nhóm doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp, chiếm gần 50% thị phần ngành đường, đồng thời xuất khẩu sản phẩm đến hơn 29 quốc gia. AgriS cũng là doanh nghiệp mía đường duy nhất có mặt trong rổ chỉ số VNSI20 - Top 20 cổ phiếu có điểm Phát triển bền vững cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà Ức My cũng tiếp tục được vinh danh là Doanh nhân xuất sắc châu Á tại APEA 2022.
Niên độ 2020 - 2021 là giai đoạn khó khăn của ngành đường Việt Nam nói chung và AgriS nói riêng, khi đại dịch bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Tuy vậy, kết quả kinh doanh của Công ty vẫn rất tích cực, tổng sản lượng tiếp tục vượt mốc 1 triệu tấn, tương ứng doanh thu thuần đạt 18.319 tỷ đồng, tăng 23% so với niên độ trước và hoàn thành 108% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.046 tỷ đồng, tăng 33% so với niên độ trước và vượt 39% kế hoạch đề ra. Đây cũng năm đầu tiên kể từ khi thành lập đến nay, AgriS ghi nhận con số lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng trong một niên độ kể từ khi thành lập.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, kết quả này là nhờ Công ty đã có biện pháp linh hoạt đảm bảo nguồn cung trong giai đoạn đứt gãy nguồn cung ứng trong giai đoạn mở cửa trở lại sau đợt bùng phát dịch Covid-19 (từ đầu tháng 10/20221). Ngoài ra, Công ty cũng ứng dụng công nghệ quản lý hàng tồn kho, tiết giảm chi phí..., nhờ đó biên lãi gộp vượt kế hoạch và đạt 13%. Với kết quả trên, Công ty dự kiến chia cổ tức niên độ 2021 - 2022 với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu.
Bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà. |
Đáng chú ý, năm qua, AgriS đã thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn, thành công mở mới hạn mức tín dụng 100 triệu USD tại các ngân hàng, tăng hạn mức vốn nội tại các ngân hàng trong nước lên 3.500 tỷ đồng.
Trong 2 niên độ tài chính vừa qua, bà Ức My đã đưa AgriS trở thành doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ứng dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp với hệ thống Oracle Cloud ERP, chuẩn hóa và thống nhất toàn bộ quy trình hoạt động của 24 đơn vị tại 4 quốc gia: Việt Nam, Singapore, Lào và Campuchia. Ứng dụng lõi Oracle Cloud ERP này cũng sẽ được tích hợp với các ứng dụng khác như hệ Farmer Relationship Management (FRM), Customer Relationship Management (CRM), eOffice… Từ đó, AgriS có được bức tranh xuyên suốt và minh bạch về hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời quản trị được rủi ro, hài hòa về quyền lợi cho các bên liên quan.
Dưới sự dẫn dắt của bà My, AgriS đã nhanh chóng nắm bắt xu thế và thành công gia nhập thị trường hàng hóa thế giới thông qua cánh tay nối dài “Trading house” - Nhà thương mại hàng hóa quốc tế, mở rộng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từng bước chuyển mình thành doanh nghiệp toàn cầu.
Hút vốn ngoại, tiếp tục mở rộng sang thị trường Singapore, Úc
Bước sang niên độ 2022 - 2023, bà Ức My cho hay, AgriS dự báo thị trường còn nhiều bất ổn, liên quan đến rủi ro địa chính trị, rủi ro thanh khoản, rủi ro biến động tỷ giá khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất điều hành khiến USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền còn lại…
Nền kinh tế Việt Nam nói chung và AgriS còn chịu nhiều sức ép trước thách thức vĩ mô. Theo đó, trọng tâm hoạt động của AgriS trong niên độ mới xoay quanh việc chuyển đổi mô hình quản trị từ kỹ thuật sản xuất sang thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu, song song với việc mở rộng kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Công ty.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - nông nghiệp, triết lý kinh doanh của Ức My luôn xoay quanh mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững |
AgriS chọn Global Mind Agriculture Pte. Ltd. (GMA) - công ty con tại Singapore - là hạt nhân trong kế hoạch vươn ra biển lớn. Quy mô của GMA sẽ được mở rộng, thông qua việc tái đầu tư từ một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận của dự án này cũng như phát hành cổ phần huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, có thể thấy, Đặng Huỳnh Ức My đã tạo ra nhiều giá trị mang tính bền vững không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại nói chung và ngành mía đường Việt Nam nói riêng.
“AgriS sẽ chuyển đổi từ doanh nghiệp có thế mạnh về kỹ thuật sản xuất thành doanh nghiệp thương mại quốc tế, lấy công nghệ làm nền tảng phát triển, toàn diện chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động R&D nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh mới. Cuối cùng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh thuần tuý sang mô hình Commercial Center (trung tâm thương mại) - mô hình kinh doanh đa kênh nhằm tối ưu sức mạnh của đội ngũ kinh doanh thông qua đa dạng ngành hàng cùng nhóm khách hàng, mở rộng hệ thống phân phối”, bà My chia sẻ.
Tương ứng với kế hoạch này, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng, cổ tức từ 4 - 6% trong niên độ tài chính 2022 - 2023.
AgriS đã trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng quy mô nguồn vốn hoạt động. Số lượng dự kiến chào bán là gần 126 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành.
Thời gian thực hiện trước ngày 30/6/2023, giá sẽ được uỷ quyền cho Hội đồng quản trị xác định và công bố sau. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán, có chiến lược phù hợp với Công ty.
Cổ phiếu đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Công ty cũng thống nhất phương án phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá tối đa 1.000 tỷ đồng, chủ trương sáp nhập công ty con theo phương án tái cấu trúc nhằm tối ưu hoá hoạt động…
Bà Ức My chia sẻ thêm về đợt phát hành riêng lẻ: “Phương án phát hành này hướng tới đối tác châu Âu, căng thẳng Nga - Ukraine từ đầu năm tới nay đã làm cho thời gian có sự trì hoãn. Tuy nhiên, hiện nay có thể khẳng định, đối tác chưa hề giảm sự thích thú với AgriS. Bởi, AgriS với bộ sản phẩm được khai thác từ chuỗi giá trị cây mía, cây dừa và cây ăn quả (cụ thể có cây chuối), thì nội lực thực chất Công ty mạnh hơn những gì mà các nhà đầu tư chiến lược thấy”.
Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hội đồng quản trị AgriS, thị trường hàng hoá tiêu dùng hiện vô cùng lớn, với quy mô 100 triệu dân trong nước, chưa kể thị trường quốc tế. Do đó, AgriS chủ trương đẩy mạnh R&D, nhất là khâu nghiên cứu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, Công ty sẽ ra mắt nhiều sản phẩm, tạo ra điểm nhấn nổi bật tại phân khúc gia vị, nước mía, trà…
Bà Ức My cũng cho biết thêm về cơ hội của AgriS tại Úc: “AgriS phát triển tại Úc để tiếp cận những công nghệ tiên tiến từ nước này. Úc được xem là quốc gia bảo tồn giá trị nông nghiệp tự nhiên ở một mức rất cao. Bản thân tôi cũng đang ở Úc để đảm bảo cập nhật những công nghệ này một cách nhanh nhất cho AgriS. Úc còn là thị trường nông sản xuất khẩu bậc nhất thế giới. Thông qua kênh đó, Công ty có thể tiếp cận chuỗi giá trị tốt hơn”.
AgriS đã mở rộng 1.244 ha tại Úc, tiếp tục mở rộng khoảng 2.000 ha, nhằm mở rộng lên khoảng 9.000 ha vùng nguyên liệu tại thị trường quốc tế.
Với mục tiêu đưa SBT trở thành “Nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu khu vực”, bà Ức My cho biết, Công ty luôn đặt mục tiêu đẩy mạnh kết hợp tất cả các hoạt động của mình vào khung quản trị ESG.
Bà nhấn mạnh, chiến lược quản trị nguồn nhân lực dài hạn sẽ là một trong những mục tiêu trọng yếu, tập trung vào các yếu tố tiên quyết là “số hóa”, “nông nghiệp hiện đại bền vững” và “danh mục sản phẩm đa dạng”, hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, có tri thức đầu ngành để đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng tốt với mọi biến động trong bối cảnh hội nhập.
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, có thể thấy, bà Đặng Huỳnh Ức My đã tạo ra nhiều giá trị mang tính bền vững không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại nói chung và ngành mía đường Việt Nam nói riêng.