Dù không được nhiều người biết đến như Mark Zuckerberg, Jack Ma hay Elon Musk, nhưng Jensen Huang - CEO của Nvidia, đã vượt qua tất cả những cái tên đình đám kể trên để lên ngôi “Doanh nhân của năm 2017” do tạp chí Fortune bình chọn.
Nhận định về Jensen Huang, ông Shantanu Narayen - CEO Adobe nói: “Jensen nằm trong số những cá nhân hiếm hoi hội tụ cả tầm nhìn chiến lược lẫn sự tập trung cao độ trong việc hiện thực hóa mục tiêu”. Còn các đối tác của nhà sáng lập Nvidia thì nhận xét rằng Jensen Huang có thể đứng ngang với Jeff Bezos (Amazon), Marc Benioff (Salesforce) hay Jamie Dimon (JPMorgan).
Theo tạp chí Forbes, hiện tổng tài sản thực của vị CEO 54 tuổi này đạt 5,3 tỷ USD. Người đàn ông gốc Đài Loan này cũng đứng thứ 61 trong danh sách những CEO được trả thù lao cao nhất Hoa Kỳ (CEO Compensation) vào năm 2008 do Forbes thống kê, với mức lương 24,63 triệu USD.
Và, Nvidia, do ông sáng lập và dẫn dắt, đã và vẫn đang là một trong những công ty công nghệ danh giá nhất tại Silicon Valley với doanh thu gần 7 tỷ đô la vào năm 2016. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhiều người biết đến Jensen Huang và Nvidia. Đó là bởi công ty này không phải là nơi chuyên thiết kế hay viết nên các ứng dụng giải trí hướng đến mặt bằng chung người tiêu dùng smartphone hiện nay.
“Con cưng” của các đại gia công nghệ
Nvidia là nhà cung cấp chip xử lý đồ họa (GPU), nền tảng không thể thiếu cho hầu hết ứng dụng công nghệ hiện đại ngày nay, như phép tính hỗ trợ thị trường tiền mã hóa, mạng nơ-ron nhân tạo (Artificial Neural Network), ô tô tự lái và cả trò chơi điện tử 3D… Do vậy, khách hàng của Nvidia “chỉ” là những công ty hàng đầu trên thế giới trong những lĩnh vực đó.
Và, với việc GPU đóng vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực công nghệ, nhu cầu của thị trường dành cho Nvidia cũng vì thế mà tăng phi mã.
Chỉ trong 3 năm qua, doanh số bán hàng của Nvidia tăng bình quân 19% mỗi năm và lợi nhuận hàng năm tăng đến 55%. Cuối năm rồi, công ty này lại một lần nữa làm những chuyên gia tài chính Phố Wall ngỡ ngàng với thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng 24% so với dự kiến. Trong 4 quý gần nhất, Nvidia đã đạt mức bán hàng tương đương 9 tỷ USD và thu về 2,6 tỷ USD lợi nhuận.
Những con số biết nói kể trên đã biến Nvidia thành “đứa con cưng” trong mắt nhiều nhà đầu tư. Hiện, giá một cổ phiếu của Nvidia đã lên đến hơn 200 USD, quá cao so với mức khiêm tốn 30 USD vào hai năm trước và giá trị vốn hóa thị trường của công ty này vào khoảng 130 tỷ USD, tiệm cận với IBM và McDonalds. Còn trên thị trường, Nvidia đã và đang đè bẹp những đối thủ cạnh tranh của mình, trong đó có là Intel và AMD, để nắm xấp xỉ 70% thị phần GPU.
Dù vai trò của GPU trong việc giúp đỡ phát triển trí thông minh nhân tạo là rất lớn, nhưng con chip này lại không phải ý tưởng ban đầu của những người sáng lập: Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem. Họ gặp nhau năm 1993, khi Jensen đang là giám đốc của công ty sản xuất chip LSI Logic, hai người còn lại làm kỹ sư tại Công ty Sun Microsystems.
Do bất đồng quan điểm trong phương hướng phát triển Sun Microsystems nên Chris và Curtis đã thôi việc. Cả ba đều tin rằng tương lai tiếp theo của công nghệ thế giới sẽ là kỹ thuật điện toán dựa trên nền tảng đồ họa. Và, chỉ bấy nhiêu đã đủ để thuyết phục Jensen rời vị trí của mình tại LSI. Với 40.000 USD tiền vốn, Nvidia đã được khai sinh.
Jensen Huang - CEO của Nvidia, đã vượt qua nhiều cái tên đình đám khác trong làng công nghệ để lên ngôi “Doanh nhân của năm 2017” do tạp chí Fortune bình chọn. Ảnh: Nvidia
Jensen Huang nhớ lại: “Ba chúng tôi đã tin rằng mô hình điện toán này sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà một chiếc máy tính thông thường về cơ bản là không tài nào thực hiện nổi.
Bên cạnh đó, chúng tôi phát hiện ra một trong những thách thức lớn nhất đối với công nghệ máy tính thời bấy giờ là trò chơi điện tử. Ắt hẳn, triển vọng bán hàng dành cho sản phẩm giải trí này sẽ là vô cùng lớn và quả thật, game đã là “con gà đẻ trứng vàng” của Nvidia. Số tiền khổng lồ thu được từ nó là nguồn hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty”.
Sản phẩm đầu tiên của Nvidia là card multimedia NV1 dành cho máy tính cá nhân. Dù ra đời vào năm 1995, giữa lúc thị trường game 3D bắt đầu khởi sắc nhưng NV1 lại không nhận được nhiều sự đón nhận như dự đoán. Tuy vậy, Nvidia vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu và tiếp tục cho ra sản phẩm khác để cạnh tranh với những đối thủ là 3dfx, ATi và S3.
Jeff Fisher, hiện là Phó giám đốc điều hành Nvidia, cho biết: “Chúng tôi biết nếu muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp thì bản thân cần phải mang lại nhiều giá trị hơn chỉ đơn thuần là cung cấp một thành phần thay thế cho máy tính. Và, Nvidia đem đến nhiều giá trị hơn là một mặt hàng bình thường”.
Văn hóa lạ: Công ty không có… ông sếp
Năm 1999 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Nvidia. Thời điểm ấy, doanh nghiệp thành công phát hành cổ phiếu ra trước công chúng (IPO) và giới thiệu GeForce 256, GPU đầu tiên trên thế giới.
Năm 2006, Nvidia tiếp tục cho ra mắt CUDA, một kỹ thuật điện toán song song cho phép người dùng triển khai nhiều công việc cực kỳ phức tạp trên nhiều ngàn chip GPU. Giờ đây, con chip xử lý đồ họa này không còn bị giới hạn trong lĩnh vực game 3D nữa mà có tầm ứng dụng rộng khắp trên mọi loại hình vi tính khác.
Trong năm 2014, Nvidia thay đổi hướng đi của mình với dòng chip Tegra, hướng nó đến thị trường ô tô vì sản phẩm này không thành công lắm với mảng kinh doanh smartphone. Đây là bước đi giúp Nvidia “hốt” doanh thu từ các lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, sản xuất và an ninh.
Rev Lebaredian - Phó chủ tịch GameWorks và LightSpeed Studios, đơn vị trực thuộc Nvidia, nhớ lại: “Công việc kinh doanh cũng có lúc khó khăn. Cứ thử nhìn vào giá cổ phiếu của chúng tôi 10 năm trước thì sẽ rõ. Thị trường khi ấy chưa ý thức được thứ mà Nvidia đang dốc sức sáng tạo. Cái mà chúng tôi cố gắng làm ra là nền tảng cho cả loài người. Mô hình điện toán này quá quan trọng cho xã hội để mà bị từ chối như vậy”.
Cũng theo Rev, chìa khóa cho sự bền bỉ của Nvidia, bấp chấp mọi nghi ngờ đến từ thị trường, chính là Jensen Huang, người lãnh đạo với ý chí sắt thép và tầm nhìn vượt trước thời đại.
Sự kiên định của Jensen cũng đã lan tỏa sang các nhân viên và góp phần định hình cho văn hóa cả doanh nghiệp. Với một công ty có hơn 11.000 nhân viên như Nvidia, sự khăng khít có được quả là đáng kinh ngạc.
Đây là thành quả của chiến lược kinh doanh đúng đắn, tinh thần vì cộng đồng từ CEO cũng như sự “chung lưng đấu cật” giữa các thành viên trong thời gian dài. Bên cạnh đó là hệ giá trị cốt lõi khuyến khích nhân viên tìm sự xuất sắc bằng chính năng lực của bản thân mình.
Rene Haas - lãnh đạo của công ty thiết kế vật liệu bán dẫn ARM, nhớ lại những cuộc họp kéo dài 6 tiếng hồ tại Nvidia, trong đó quản lý sẽ liên tục cập nhật tình hình kinh doanh với Jensen Huang. Rene nói: “Nếu không ưng ý với những gì được nghe, dù là nhỏ nhất, Jensen sẽ ngay lập tức gọi người phụ trách lên phòng họp để làm rõ vấn đề. Và, nếu phát hiện ra bất cứ điều gì cần thiết phải tiến hành ngay thì Jensen sẽ hoãn lại cuộc họp trước mắt”.
CEO Jensen Huang giới thiệu máy tính AI đầu tiên trên thế giới của Nvidia tại Triển lãm Điện tử và Công nghệ (Consumer Electronics Show - CES) 2017. Ảnh: Nvidia
Tinh thần cầu thị, sự trung thực và điều hoàn hảo được lan tỏa đến từng ngóc ngách trong công ty, giúp Nvidia loại bỏ những “chiêu” thường được sử dụng để leo lên vị trí cao hơn, vốn kìm hãm sự phát triển của nhiều doanh nghiệp. Theo Jensen Huang thì: “Không có ai là sếp cả. Chính dự án mới là ông sếp!”.
Khi được hỏi về tương lai của trí tuệ nhân tạo, Jensen tiên đoán: “Điều tuyệt vời nhất sẽ xảy đến với trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai là việc chúng sẽ tự mình viết nên trí tuệ nhân tạo. Thời gian tới, AI sẽ được sử dụng để quan sát tất cả mọi giao dịch, mọi tiến trình kinh doanh đang xảy ra 24/24 của doanh nghiệp. Nhiều mô hình giao dịch cũng như khuôn mẫu đang được lặp đi lặp lại và quá trình để hoàn thành chúng là vô cùng khó khăn. AI sẽ tự viết nên những chương trình “con” của mình để tự động hóa quá trình này, điều mà vốn dĩ con người bất lực vì quá khó”.
“Và, hiện chúng tôi đã thấy điều này ít nhiều được ứng nghiệm. Đơn cử như Generative Adversarial Networks (mạng nơ-ron đối kháng) còn gọi là GAN. Chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến việc các mạng nơ-ron tự phát triển mạng nơ-ron. Và, trong vài thập kỷ nữa, AI sẽ giúp con người viết những phần mềm mà vốn con người không thể thực hiện được. Giải quyết vấn đề không thể giải quyết”, Jensen nhận định.