Doanh nhân Bùi Thị Hồng Vân.
Tin vui cho khối tư nhân
Kết thúc Diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Hồng Vân có lẽ là một trong những người vui nhất. Qua Diễn đàn, Chính phủ Việt Nam đã phát đi tín hiệu rõ ràng trong việc khuyến khích khối tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng sạch. Trước khi có Nghị quyết 55-NQ/TW, khối tư nhân chỉ tham gia trong lĩnh vực phụ trợ cho ngành năng lượng, thì nay, chúng tôi có thể mạnh dạn tham gia các dự án lớn”, Hồng Vân nói.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng và làm lạnh ở nhiệt độ âm 162 độ C) với tổng công suất 15.000-19.000 MW. Đồng thời, Quy hoạch Phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu, với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Hồng Vân, có 4 lý do khiến khí LNG đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Đầu tiên và quan trọng nhất là để giảm thiểu tác động môi trường. Theo website elengy.com, một nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG thay vì than giảm đến 81% lượng khí CO2, 8% khí Nox và 100% SO2 và phát thải mịn. Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng, các nhà máy nhiệt điện ở châu Âu chạy bằng khí LNG sẽ giúp giảm 60% lượng khí thải CO2 của châu Âu và 20% trên toàn cầu.
Thứ hai, LNG hiện chủ yếu được khai thác ở Qatar, Australia, Nga…, nên không phụ thuộc vào số lượng quặng khí ở Việt Nam. Mặt khác, sản lượng điện năng được tạo ra từ loại khí này ổn định và kiểm soát dễ hơn, chứ không quá phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió, điện mặt trời.
Thứ ba, theo Nhóm các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng quốc tế (GIIGNL), châu Á vẫn là điểm đến của các tuyến cung cấp LNG. Năm 2019, sản lượng tiêu thụ khí này ở châu Á là lớn nhất với hơn 240 triệu tấn, chiếm gần 70% thị phần toàn cầu. Vì vậy, việc thiếu nguồn cung hay tăng chi phí vận chuyển về Việt Nam vì giao thương khó khăn là gần như không có.
Cuối cùng, đó là sự linh hoạt trong giá bán của khí LNG đang tạo cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp cận hơn. Hồng Vân cho biết, cách đây khoảng 20 năm, rất hiếm hợp đồng khí LNG ngắn hạn hoặc bán với quy mô nhỏ. Khoảng 5 năm trước, thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ môi trường, nên khí LNG đang được mua bán dễ dàng hơn.
Theo tính toán của Hồng Vân, có hai đối tượng sử dụng khí LNG là các nhà máy điện và khu công nghiệp, nơi có các doanh nghiệp cần khí đốt như công ty sản xuất thép, kính hay gạch ngói. Vấn đề hiện nay là các kho chứa chuyên biệt dành cho LNG và nhà máy điện khí vẫn chưa có. Tuy nhiên, Việt Nam đã có ít nhất 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư, trong đó riêng Hải Linh và PVGas đang tham gia xây dựng kho chứa LNG tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với khách hàng khu công nghiệp, sau khi khí LNG về cảng, sẽ được vận chuyển bằng xe container với bồn chuyên dụng ISO Tank đến các nhà máy. Angelin Energy, đơn vị chuyên tư vấn, phát triển và cung cấp LNG, sẽ đầu tư trạm tái hóa khí thiên nhiên (LNG Satelline Station) và cung cấp khí cho khách hàng. “Nhìn chung, hạ tầng đang được thiết lập tại Việt Nam, nên việc lưu trữ và vận chuyển đang từng bước được giải quyết”, Hồng Vân nói.
Angelin Energy dù mới thành lập đầu năm nay, nhưng đối tác chiến luợc là Japex (Nhật Bản) có hơn 36 năm kinh doanh LNG và hơn 65 năm kinh doanh dầu khí quốc tế.
Đến với ngành năng lượng vì yêu thiên nhiên
Hồng Vân đến với ngành năng lượng vì lý do duy nhất là yêu thiên nhiên. Sáu tuổi, cô đã bộc lộ ý thức giữ gìn môi trường xung quanh, lớn hơn một chút là xót xa khi thấy hình ảnh các nhà máy than xả khói trên các bản tin thời sự. Cô không thể giải thích được nguồn gốc của việc yêu thiên nhiên, dù đó là động lực dẫn cô đến với ngành công nghệ môi trường của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Mới đầu, cô nghĩ rằng, sau khi ra trường, sẽ được đi chăm sóc động vật hoang dã hoặc vào rừng bảo vệ cây xanh, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ được đào tạo việc xử lý nước thải, xử lý không khí, rồi vận hành nhà máy lọc nước, đánh giá tác động môi trường. Thói quen đã vô tình dẫn Hồng Vân ngày càng “lậm” sâu vào việc tìm hiểu các hình thức bảo vệ môi trường, kể cả việc sử dụng nguồn năng lượng sạch để tạo ra điện.
Trước khi thành lập Angelin Energy, Hồng Vân là Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Bùi Nguyễn Gia Phát do gia đình cô thành lập. Công ty chuyên phân phối khí hoá lỏng và cung cấp chuyển giao công nghệ chuyển đổi dầu FO, DO sang khí nén thiên nhiên cho thị trường Việt Nam. Phần kỹ thuật như xây các trạm chuyển đổi khí từ 1.000 m3/giờ đến 5.000 m3/giờ thường là công việc của cô.
Còn trẻ, lại là nữ, nên nhiều đối tác cũng ái ngại khi gặp Hồng Vân lần đầu, nhưng sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm làm việc của cô đã dỡ bỏ tất cả.
Hồng Vân vô tình biết thông tin khí LNG cách đây hơn 5 năm thông qua các hội nghị về năng lượng ở quốc tế. Thấy hay, cô nghiên cứu, rồi hứng thú vì khả năng bảo vệ môi trường của nó. Và đây cũng là cơ duyên dẫn cô đến với Japex.
Khoảng giữa năm 2019, Japex tìm đến Hồng Vân để tìm cơ hội phát triển khí LNG ở Việt Nam. Trước đó, đơn vị này đã biết đến Hồng Vân thông qua những chuyên gia quốc tế có uy tín trong ngành LNG.
Người Nhật có thói quen tìm hiểu rất kỹ đối tác trước khi hợp tác chiến lược. Vì vậy, Hồng Vân phải làm việc với nhiều phòng ban khác nhau từ kinh doanh đến kế toán để chứng minh năng lực. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến lợi ích của LNG với môi trường Việt Nam, Hồng Vân lại tiếp tục.
“Đầu tư LNG đòi hỏi các đối tác chiến lược phải có tài chính và kinh nghiệm vận hành thực tiễn, nên tôi càng phải cố gắng thuyết phục họ tham gia”, Hồng Vân nói.
Chuẩn bị cho tương lai
Nghị quyết 55-NQ-TW được ban hành là cơ hội để Hồng Vân phát huy những gì có được trong hơn 5 năm tìm hiểu và nghiên cứu ứng dụng LNG vào thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, cô sẽ tiến hành đánh giá rủi ro, cơ hội đầu tư trước khi quyết định đầu tư.
Hơn 7 năm quản lý Công ty Bùi Nguyễn Gia Phát cho cô khả năng đánh giá thị trường, nhu cầu khách hàng và khả năng chuyển đổi của họ. Trước mắt, tập khách hàng của Angelin Energy là các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp trên toàn quốc.
Hồng Vân cho biết, cô đang đánh giá chi tiết từng dự án để tham gia vì Công ty xác định đầu tư và xem đây là nguồn thu chính, chứ không đi theo mô hình xây dựng giai đoạn ban đầu, rồi sang nhượng cho doanh nghiệp như các quỹ đầu tư.
Dù Nghị quyết 55-NQ-TW đã nêu rõ chủ trương của Chính phủ, nhưng phải cần 2 - 3 năm để thông tin LNG bắt đầu tiếp cận doanh nghiệp ở Việt Nam, cũng như để hạ tầng lưu trữ và vận chuyển khí này hoàn thiện. “Chúng tôi kỳ vọng năm 2022, khách hàng của Công ty sẽ bắt đầu sử dụng năng lượng này”, Hồng Vân nói.
Chat nhanh với Bùi Thị Hồng Vân
Liệu có khí nào sạch hơn LNG không?
Có chứ. Khí Hydrogen tách từ nước với mức mức độ tác động đến môi trường khi đốt là 0. Hiện trên thế giới đã có các doanh nghiệp đầu tư khai thác, nhưng phải ít nhất 5 năm nữa, giá thành loại khí này mới phù hợp với thị trường Việt Nam.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua tại Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra báo cáo phân tích và định hướng phát triển Hydrogen trong tương lai, xác định tầm quan trọng của Hydrogen trong phát triển kinh tế bền vững.
Tên công ty có ý nghĩa gì đặc biệt không?
Thật ra, Angelin là cách đọc trại đi của từ Angle (thiên thần). Tôi là phụ nữ làm trong ngành năng lượng, nên đặt tên công ty nhẹ nhàng, linh hoạt, gặp khó khăn thì uyển chuyển như dòng nước mà trôi.
Nếu không theo ngành năng lượng, Vân sẽ làm gì?
Chắc tôi sẽ làm nghệ sĩ violon, vì rất thích môn nghệ thuật này, nhưng chưa biết làm sao để có kinh phí theo đuổi. (cười)