Xung đột cổ đông tại Coteccons: Một mất thì ai còn?

Xung đột cổ đông tại Coteccons: Một mất thì ai còn?

(ĐTCK) Việc cổ đông The 8th Pte Ltd (The 8th), rồi đến PXP Vietnam Emerging Equity Fund (PXP) đồng thuận với Kusto đòi bãi nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công đã đẩy xung đột cổ đông tại Coteccons lên đỉnh điểm “một mất một còn”. 

Thách thức khi “một mất...”

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột giữa các nhóm cổ đông trong công ty niêm yết với mục tiêu thay thế ban lãnh đạo cũ, nhóm cổ đông cũ, đưa các nhân sự mới, đại diện cho nhóm cổ đông mới sở hữu nhiều cổ phần hơn vào nắm quyền điều hành doanh nghiệp.

Phần lớn ở những cuộc chiến này, cổ đông nhỏ, tạm gọi là bên thứ ba có thể “tọa sơn quan hổ đấu”, nhưng ở Coteccons, bên thứ ba lại là những cổ đông lo lắng nhất.

Một cổ đông nhỏ tại Coteccons, ông Nguyễn Văn T. chia sẻ: “Vai trò của nhà đầu tư và nhà quản trị rất khác nhau. Xây dựng là một ngành kinh doanh phụ thuộc vào con người nắm công nghệ, tổ chức đội ngũ và trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn hiện nay, thay thế Ban điều hành Coteccons cũ thì những người mới có khả năng điều hành Công ty hay không? Tôi nghĩ là rất khó khăn, nhất là khi Kusto đã từng đầu tư và tham gia điều hành Beton 6 hay Descon, những thương hiệu nổi tiếng, thì giờ không còn được nhắc tới”.

Điều mà cổ đông nhỏ của Coteccons và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm hiện nay là nếu Kusto và nhóm cổ đông liên kết đạt được mục tiêu gạt một số nhân vật chủ chốt là người sáng lập và điều hành Coteccons nhiều năm qua ra khỏi doanh nghiệp, thì họ có thể tham gia điều hành hay đề cử, lựa chọn được người để dẫn dắt nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam hiện nay tiếp tục phát triển hay không?

Kusto hiện diện ở Việt Nam đã lâu, nhưng nhắc đến tên tuổi nhà đầu tư này, nhiều người nhớ đến Beton 6 và Descon, hai công ty niêm yết có bóng dáng đầu tư của Kusto. Descon đã phá sản và Beton 6 đang làm thủ tục phá sản.

Beton 6 từ công ty có 1.000 lao động hiện nay giảm còn dưới 200 người. Hồi tháng 7/2019, Hội đồng quản trị Beton 6  đánh giá: “Công ty Beton 6 đã lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, có thể dẫn đến nguy cơ mất vốn”.

Kusto chưa gắn với thương vụ đầu tư thành công nào ở thị trường Việt Nam ngoài khoản đầu tư vào Coteccons, công ty mà Kusto đánh giá là đang hoạt động dưới tiềm năng do các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành vi phạm về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là Coteccons Group từ năm 2017.

Kusto công bố muốn triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị mới, yêu cầu người gây dựng Coteccons là ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc, ông Trần Quang Quân - Phó tổng giám đốc rời khỏi vị trí do vi phạm các vấn đề về quản trị công ty, gây thiệt hại cho khoản đầu tư của Kusto. Các cổ đông khác như The 8th, PXP đã lên tiếng ủng hộ Kusto.

Câu hỏi các cổ đông bên ngoài cuộc chiến này đặt ra là nhóm cổ đông Kusto sẽ đề cử ai thay thế Ban lãnh đạo hiện nay, nếu như cổ đông lớn này đạt được mục tiêu bãi miễn họ?

Việc chuyển giao quyền lực điều hành ở Coteccons sẽ diễn ra như thế nào để không ảnh hưởng đến các chủ đầu tư, tiến độ các dự án và ổn định tâm lý người lao động?

Và nhìn xa hơn, liệu Coteccons có đi theo vết xe của Beton 6 hay Descon, những bài học hậu M&A kinh điển được nhắc đến trên thị trường?

Trong thông cáo báo chí Coteccons phát đi sau khi cổ đông The 8th lên tiếng ủng hộ Kusto đòi miễn nhiệm các thành viên Ban điều hành và Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công khẳng định: “Chúng tôi (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và tất cả các cấp quản lý) nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên (do cổ đông lớn tiến cử) với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt Công ty phát triển lâu dài, bền vững”.

Coteccons cũng khẳng định văn hóa doanh nghiệp: “Ở Coteccons, không ai được phép đứng trên tập thể và hệ thống Công ty, không có việc “sống lâu lên lão làng”, một người suốt đời làm vị trí lãnh đạo…”.

Tháng 6/2018, văn hóa này đã được bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Giám đốc nhân sự Coteccons nêu lên để trả lời phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về dư luận một phó tổng giám đốc nghỉ việc kéo theo một số nhân sự khác ra thành lập công ty riêng, ảnh hưởng đến Coteccons: “Trong trường hợp vì lý do nào đó mà một nhân sự muốn ra đi, chúng tôi sẽ không giữ, ngay cả khi là một thành viên có năng lực. Vì đối với Coteccons, không ai là không thể thay thế, ngay cả sếp và không ai được ảo tưởng mình là người quan trọng nhất Công ty”.

Như vậy, những ứng cử viên mới cho vị trí trong Ban điều hành Coteccons đứng trước thách thức không nhỏ, phải vượt qua thành tích mà Ban điều hành hiện nay đã đạt được.

Coteccons cho biết, với vốn điều lệ 792,55 tỷ đồng, trong nhiều năm qua, Công ty luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng doanh thu/năm, là đơn vị xây dựng hiếm hoi từng lọt vào tốp những doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng nhiều năm liên tiếp.

Xung đột cổ đông tại Coteccons: Một mất thì ai còn? ảnh 1

Doanh thu các năm qua của CTD và HBC.
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng doanh thu từ năm 2012 đến nay, doanh thu của CTD cao hơn nhiều doanh thu của Hòa Bình, đối thủ truyền thống, thường đứng vị trí thứ 2 trên thị trường xét về doanh thu.

Ở thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản như năm 2019, Công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ.

Sang năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lợi nhuận quý I của Coteccons vẫn đạt 123 tỷ đồng, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành nghề đang niêm yết. Ngoài ra, biên lợi nhuận của Công ty được cải thiện trong 4 quý gần nhất (hiện đạt 5,5%).

Dự báo kịch bản nếu Coteccons có Ban điều hành mới

Nếu Kusto và một số cổ đông khác hiện nắm giữ cổ phần lớn ở Coteccons, mà theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán có thể lên đến 58% cổ phần biểu quyết, thực hiện được mục tiêu bãi nhiệm thành viên Ban điều hành hiện nay để đưa đại diện của mình vào vị trí điều hành thì có hai kịch bản chính được dự báo xảy ra.

Kịch bản thứ nhất, Hội đồng quản trị và Ban điều hành mới sẽ điều hành Coteccons phát triển thành công, vượt lên mức “dưới tiềm năng hiện nay”. Điều này tốt cho các cổ đông nhỏ lẻ, nhưng không dễ thực hiện trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện tại.

Thêm vào đó, Coteccons ngoài các đối thủ hiện hữu có thể có thêm đối thủ mới là Ricons. Theo trình bày tại Đại hội đồng cổ đông Coteccons năm ngoái, Ricons định hướng phát triển là công ty xây dựng hướng đến phân khúc thị trường là dự án có quy mô nhỏ và vừa, khác với phân khúc dự án quy mô lớn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, yêu cầu kỹ thuật khó của Coteccons.

Nếu sáp nhập Ricons thành công sẽ giúp Coteccons đa dạng phân khúc khách hàng và công ty mới có lợi thế về quy mô, nhưng dưới áp lực của nhóm cổ đông lớn, Coteccons không giao thầu cho Ricons từ tháng 9 năm ngoái. Như vậy, Ricons sẽ rộng đường phát triển.

Kịch bản thứ hai, kết quả kinh doanh của Coteccons ngày càng đi xuống, giá cổ phiếu suy giảm, cổ đông nhỏ lẻ thoái vốn tìm cơ hội mới. Trong khi đó, cổ đông có tiềm lực tài chính có thể gom cổ phiếu giá thấp để sở hữu tài sản Công ty.

Giá trị sổ sách của cổ phiếu CTD hiện nay là 112.000 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi thị giá cổ phiếu trên sàn. Công ty này có ít nợ vay ngân hàng, trong khi có gần 3.800 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, tương đương tiền trên mỗi cổ phiếu là 50.000 đồng.

Như vậy, trong cuộc chiến tại Coteccons, dù kịch bản nào xảy ra thì người thiệt hại được nhận định là những cổ đông nhỏ lẻ.

Tin bài liên quan