Quý I không phải là mùa tiêu thụ thủy sản, nguyên liệu đầu vào thường khan hiếm và giá cao hơn

Quý I không phải là mùa tiêu thụ thủy sản, nguyên liệu đầu vào thường khan hiếm và giá cao hơn

Khó khăn cuốn dần lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản

(ĐTCK) Giá xuất khẩu giảm, gánh nặng lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá… khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản có kết quả kinh doanh quý I/2016 tụt dốc, thậm chí với cả những doanh nghiệp lớn như HVG hay “Vua tôm” MPC.

HVG - lãi cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý II niên độ 2015 - 2016 (tức quý I/2016) của CTCP Hùng Vương (HVG) cho thấy, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp khá thấp, 0,23%. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 50%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ niên độ trước.

Chi phí lãi vay trong 3 tháng đầu năm 2016 của Công ty là 136,7 tỷ đồng, gấp 2,6 lần quý I/2015; chi phí bán hàng, chi phí quản lý cũng tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty liên doanh, liên kết lỗ gần 2 tỷ đồng trong kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 22 tỷ đồng.

Theo lý giải của HVG, chi phí lãi vay trong quý I/2016 tăng mạnh do Công ty triển khai đầu tư các dự án nhà máy mới, với nguồn tài trợ chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Thời điểm 31/3/2016, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của HVG là hơn 4,5 lần, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. 

MPC - tồn kho 4.280 tỷ đồng, lãi giảm 33%

Đối với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), năm 2015, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu đều sụt giảm, lỗ gần 7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do giá tôm thành phẩm và nguyên liệu xuống thấp nhất trong 5 năm trong bối cảnh giá dầu lao dốc, đồng tiền của Ấn Độ, Indonesia sụt giảm giá trị nên giá bán tôm vào các nước này bình quân giảm 30 - 40% so với năm 2014...

Quý I/2016, MPC đạt 2.051 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm hơn 56%, chi phí lãi vay tăng gần 42%, ở mức hơn 66 tỷ đồng, cộng thêm lỗ chênh lệch tỷ giá 18 tỷ đồng, khiến chi phí tài chính trong kỳ của MPC tăng mạnh. Kết quả, MPC lãi ròng 17,3 tỷ đồng trong quý I/2016, giảm gần 33% so với quý I/2015. Tại thời điểm 31/3/2016, hàng tồn kho MPC là 4.280 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng tài sản ngắn hạn, chủ yếu là tồn kho thành phẩm.

Năm 2016, MPC đặt kế hoạch lãi hợp nhất 546 tỷ đồng (tương ứng với kịch bản giá tôm tăng 10%). Tuy nhiên, lãnh đạo MPC chia sẻ, nếu giá tôm tiếp tục giảm thì kết quả kinh doanh năm nay sẽ không như mong muốn. 

VHC và FMC - giảm nhẹ lợi nhuận

Quý I/2016, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 100,53 tỷ đồng lợi  nhuận sau thuế, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong kỳ, VHC lỗ chênh lệch tỷ giá gần 19 tỷ đồng (quý I/2015 lỗ chênh lệch tỷ giá 2,3 tỷ đồng). Cuối tháng 3, VHC có khoản phải thu ngắn hạn 1.325 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; hàng tồn kho 1.255 tỷ đồng; nợ phải trả chiếm 55% tổng nguồn vốn, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.597 tỷ đồng.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt sản lượng tiêu thụ tôm 2.243 tấn trong quý I/2016, tăng 20% và sản lượng nông sản tiêu thụ đạt 262 tấn (trị giá 1 triệu USD), tăng 19% so với quý I/2015. Tuy nhiên, doanh số trong kỳ là 24,8 triệu USD, tăng 5% so với quý I/ 2015. Theo FMC, doanh số không tăng tương ứng với sản lượng tiêu thụ là do cỡ tôm nhỏ, giá bán tăng nhẹ. Về lợi nhuận, quý I/2016, FMC lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Thủy Sản 4 (TS4) có lợi nhuận quý I/2016 tăng 11,4% so với quý I/2015, dù doanh thu giảm nhẹ, nhờ tiết giảm chi phí và có định mức chế biến. Ngoài ra, 2 chi nhánh ở Kiên Giang và Đồng Tháp được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp. 

AGF và VHN thua lỗ

CTCP Thủy sản An Giang (AGF) lỗ 2,6 tỷ đồng trong quý I/2016 do các chi phí đều tăng, nhất là chi phí giá vốn, trong khi mức giá xuất khẩu suy giảm.

Tương tự, CTCP Thủy sản Việt Nhật (VNH) lỗ gần 1 tỷ đồng trong quý I/2016 (lỗ liên tiếp quý thứ 10). Trong kỳ, Công ty ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, không có doanh thu bán hàng, trong khi phải trả lãi ngân hàng 650 triệu đồng, chi phí quản lý 300 triệu đồng.

Tính đến 31/3/2016, VNH lỗ lũy kế gần 51 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng hơn 30 tỷ đồng. Công ty có khoản phải thu ngắn hạn khách hàng hơn 15 tỷ đồng, trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 2 tỷ đồng. Hàng tồn kho hơn 23 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên liệu cá ngừ, nhưng do không còn vốn nên không thể thuê công ty khác sản xuất hàng thành phẩm để xuất khẩu. Từ năm 2013, VNH đã chuyển nhượng nhà đất, văn phòng làm việc, máy móc, xưởng sản xuất. Từ tháng 2/2015 đến nay, Công ty buộc phải ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh. 

Triển vọng quý II/2016

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong quý I/2016 đã có tín hiệu hồi phục, đạt giá trị 1,45 tỷ USD, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tăng lần lượt 8% và 2,4%.

VASEP dự báo, ngành thủy sản trong quý II sẽ tiếp tục phục hồi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá, thiếu nguyên liệu… Việc cải thiện kết quả kinh doanh sẽ tùy thuộc vào nỗ lực vượt khó của từng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan