Hội đồng quản trị PNC: “Cuộc chiến” không khoan nhượng

Hội đồng quản trị PNC: “Cuộc chiến” không khoan nhượng

(ĐTCK) Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường vào ngày 5/4/2017 để thông qua các nội dung: kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo của Ban kiểm soát, bầu cử bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2021… 

Đây là các nội dung chưa được thông qua tại ĐHCĐ tổ chức ngày 15/2.

Triệu tập họp ĐHCĐ lần này vẫn là quyết định của nhóm cổ đông nắm giữ vị trí quản lý ở PNC mà đại diện là bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đại diện nhóm cổ đông nắm giữ 47% vốn điều lệ PNC, ông Phạm Uyên Nguyên chia sẻ: “Khi nhận được thông báo về kế hoạch triệu tập Hội đồng quản trị lần thứ nhất để bàn về kế hoạch tổ chức ĐHCĐ bất thường, tôi và anh Quỳnh (Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PNC - PV) vì bận công tác ngoại tỉnh nên đề nghị lùi cuộc họp sau ngày 15/3. Tuy nhiên, qua email, Chủ tịch PNC phản hồi là vì tính chất quan trọng nên phải tổ chức họp HĐQT gấp để triệu tập họp ĐHCĐ sớm, nếu thành viên HĐQT bận việc thì có thể ủy quyền cho thành viên khác tham dự”.

Theo ông Nguyên, khi triệu tập Hội đồng quản trị vào ngày 27/2 không thành công, Chủ tịch PNC đã ấn định ngày triệu tập HĐQT lần 2 là vào ngày 6/3/2017. Cả 2 thành viên HĐQT PNC là ông Nguyên và ông Quỳnh đều không thể tham dự.

Cuộc họp Hội đồng quản trị PNC (triệu tập lần 2) ngày 6/3 có sự tham gia của 3 thành viên là bà Phan Thị Lệ, ông Nguyễn Hữu Hoạt và ông Võ Ngọc Thành (cổ đông PNC, đồng thời là chủ đầu tư Siêu thị Maximark, nơi PNC có đầu tư mở nhà sách). Hai thành viên Hội đồng quản trị PNC khác là bà Trần Thị Mai và ông Nguyễn Ngọc Bích ủy quyền cho bà Lệ và ông Hoạt tham dự cuộc họp.

Hội đồng quản trị PNC: “Cuộc chiến” không khoan nhượng ảnh 1

Bà Mai là cổ đông của PNC, thường xuyên ở bên Mỹ và không tham gia các cuộc họp Hội đồng quản trị trong vòng 1 năm qua. Còn ông Nguyễn Ngọc Bích là thành viên hội đồng quản trị độc lập, không phải là cổ đông của PNC.

“Quyết định của Hội đồng quản trị PNC tại cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 6/3 thuần túy là quyết định của nhóm bà Lệ. Nhiều nhà sách mở ra đều kinh doanh thua lỗ nên chúng tôi từng yêu cầu đóng cửa các nhà sách để bán online. Ông Thành là một thành viên Hội đồng quản trị, có quyền lợi mâu thuẫn với PNC”, ông Nguyên nói.

Đáng chú ý, điều lệ PNC quy định, các cuộc họp Hội đồng quản trị phải có tối thiểu 3/4 thành viên tham dự và ủy quyền. Như vậy, theo ông Nguyên, cuộc họp Hội đồng quản trị PNC ngày 6/3 không đáp ứng đủ điều kiện này.

Theo thông lệ ở nhiều công ty, trong bối cảnh nhóm cổ đông lớn không thông qua kế hoạch kinh doanh và các tờ trình, cũng như có những phản ứng bất bình thì những người điều hành doanh nghiệp nên đàm phán, thỏa thuận để đi đến thống nhất và nhận được sự ủng hộ. Ngay cả ở những doanh nghiệp niêm yết mà cổ đông lớn đồng thời là người quản lý doanh nghiệp có toàn quyền quyết định thông qua các quyết định tại ĐHCĐ thì họ cũng rất tôn trọng cổ đông nhỏ lẻ và thường có sự tiếp xúc nhằm tạo sự đồng thuận với các cổ đông sở hữu 5% vốn trở lên trước thềm các ĐHCĐ, hay trước khi thông qua các chủ trương lớn.

Thế nhưng, câu chuyện ở PNC cho thấy sự không khoan nhượng, không muốn thỏa hiệp giữa nhóm cổ đông là những người điều hành PNC (bà Lệ và ông Hoạt) với nhóm cổ đông lớn. Cụ thể, trong biên bản họp Hội đồng quản trị PNC ngày 6/3 ghi rõ, hai thành viên là ông Quỳnh và ông Nguyên “vắng mặt không thông báo và không có lý do”, mặc dù trước đó qua email, thành viên này đã đề nghị “do bận công tác ở miền Trung nên đề nghị rời họp Hội đồng quản trị sang ngày 15/3”.

Mẫu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn và các thành viên Hội đồng quản trị tham gia điều hành ở PNC đã kéo dài vài năm nay và hiện lên đến đỉnh điểm khi Hội đồng quản trị PNC dường như muốn vô hiệu hóa sự tham gia của một số thành viên Hội đồng quản trị khác. Cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 6/3 với quyết định chủ yếu của bà Lệ và ông Hoạt sẽ không tạo được tiền đề tốt cho khả năng thành công của ĐHCĐ bất thường mà PNC đang triệu tập.

Trong một diễn biến khác, nhóm cổ đông lớn của PNC đã gửi đơn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị xem xét tính pháp lý của cuộc họp ĐHCĐ 2017 tổ chức ngày 15/2 (xem thêm bài: “Vội vã tổ chức đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch PNC có động cơ gì?” trên Báo Đầu tư Chứng khoán ra ngày 3/3/2017). Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có ý kiến rằng, Sở chỉ xem xét hồ sơ giấy tờ theo quy định của luật. Nhóm cổ đông có quyền khởi kiện ra tòa án nếu thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ trách nhiệm, quyền hạn…               

Tin bài liên quan