Doanh nghiệp đang vô cùng khó

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tuần này, một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở Hà Nội đã quyết định đóng máy.
6 tháng đầu năm, đã có 29.169 doanh nghiệp (tăng 38,2% với cùng kỳ năm 2019) đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

6 tháng đầu năm, đã có 29.169 doanh nghiệp (tăng 38,2% với cùng kỳ năm 2019) đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

Hơn 1.500 thùng khẩu trang tồn trong kho, không có đơn hàng xuất khẩu đã buộc doanh nghiệp nói trên phải quyết định như vậy dù vừa nhập nguyên liệu về.

Khó khăn với ngành kinh doanh cũ, bắt theo xu thế thị trường khi Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp này đã đầu tư máy móc, tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Nhưng, đơn hàng xuất khẩu 1.000 thùng đi Hungary vào tháng 4/2020 là đơn hàng duy nhất mà doanh nghiệp đó kiếm được.

“Chúng tôi đủ điều kiện về tiêu chuẩn, có năng lực sản xuất, nhưng doanh nghiệp quá nhỏ để tự tìm kiếm thị trường, nên lúc này, nếu các doanh nghiệp lớn có thể chia sẻ đơn hàng thì quý quá. Chúng tôi sẽ không phải tạm dừng hoạt động”- vị giám đốc doanh nghiệp đôn đáo tìm kiếm các mối làm ăn, để có việc làm, thu nhập cho người lao động của mình trải lòng.

Nhưng rất nhiều doanh nghiệp không thể cố được như vậy.

Khó khăn bủa vây khiến số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh ngắn hạn trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm tính trong giai đoạn 2015-2020.

Đã có 29.169 doanh nghiệp (tăng 38,2% với cùng kỳ năm 2019) đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Điều đáng nói là không có ngành nào trong 17 lĩnh vực được thống kê nằm ngoài tình trạng này.

Đứng đầu là kinh doanh bất động sản (tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2019). Tiếp sau là nghệ thuật, vui chơi giải trí (tăng 73,9%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 71,3%); giáo dục và đào tạo (tăng 62,9%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 57,1%)…

Nhưng so với 19.625 doanh nghiệp chờ giải thể, 7.433 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của 6 tháng đầu năm 2020, những doanh nghiệp chọn phương án tạm dừng hẳn đang chờ đợi cơ hội để trở lại thị trường.

Theo khảo sát điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2020 của Tổng cục thống kê, 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng có thể tốt lên trong quý III/2020; 31,5% doanh nghiệp tin là tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và chỉ khoảng 19,4% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Tuy vậy, nhìn vào lý do các doanh nghiệp dự báo khó khăn, với trên 50% doanh nghiệp cho là khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước và nhu cầu thị trường thấp, thì với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sẽ rất khó đoán định khả năng sớm quay lại thị trường của nhiều doanh nghiệp.

Nếu không có những giải pháp hỗ trợ quyết liệt, rất có thể, trong những tháng tới, doanh nghiệp sản xuất khẩu trang nói trên sẽ phải gia nhập nhóm doanh nghiệp tạm dừng. Ngay trong khảo sát của Tổng cục Thống kê, chỉ khoảng 6,5% doanh nghiệp dự báo khó khăn trong quý tới là do khó tiếp cận nguồn vốn vay. Có thể, khi không còn đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng không cần vay vốn ngân hàng để sản xuất…

Một lần nữa, bên cạnh các đề xuất thực thi tích cực những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà Chính phủ đang thực hiện, các chuyên gia kinh tế tiếp tục đề nghị có thêm giải pháp miễn, giảm các khoản phải nộp cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…

Nhưng chính vào lúc này, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp lớn phải được thể hiện rõ hơn trong kết nối chuỗi sản xuất, thực hiện xúc tiến thương mại…

Có lẽ, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từng doanh nghiệp, thì giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn bắt tay doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được xem xét.

Tin bài liên quan