Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, quan hệ thương mại - đầu tư trực tiếp giữa Việt Nam và Hy Lạp còn quá nhỏ, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ quốc gia này sang Việt Nam hầu như không đáng kể.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang Hy Lạp đạt hơn 185 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, nếu xét về mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam cũng như cán cân thanh toán, tài khoản vãng lai giữa hai nước thì cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp hầu như tác động không nhiều.
Tuy nhiên, đứng trên góc độ gián tiếp thì khả năng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này là có, bởi Hy Lạp là một phần của châu Âu và là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vốn là khu vực thị trường xuất khẩu trọng yếu của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 22 tỷ USD trong năm 2014.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp kéo dài khiến đồng Euro giảm giá thì với một nước xuất khẩu mạnh vào EU như Việt Nam, khả năng chịu thiệt hại từ khủng hoảng nợ Hy Lạp là điều hoàn toàn thấy rõ.
“Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chính sách neo giữ tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ với USD. Như vậy, việc đồng Euro giảm giá so với USD dẫn tới đồng VND tăng giá so với Euro. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện tại không thanh toán trực tiếp được bằng đồng Euro, mà vẫn phải thông qua việc quy đổi từ Euro sang USD và sau đó mới quy ra tiền VND để thanh toán. Như vậy, khi đồng Euro giảm giá, chắc chắn các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu thiệt, bởi hàng của Việt Nam lúc này sẽ trở nên đắt hơn và từ đó giảm sức cạnh tranh”, ông Hiếu giải thích.
Cũng theo vị chuyên gia này, về nguyên tắc, đồng Euro giảm giá làm xuất khẩu thiệt hại, song ngược lại sẽ có lợi cho nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay trong quan hệ thương mại hai chiều, cán cân thương mại đang thặng dư về phía Việt Nam, bởi Việt Nam xuất siêu vào khu vực này với mức rất lớn.
Vì vậy, tuy nhập khẩu có phần được lợi, song xét về tổng thể thì Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực nhiều hơn từ cuộc khủng hoảng và tác động này sẽ càng lớn nếu cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các nước chủ nợ kéo dài.
Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn hiện nay là giày dép, thủy sản, điện thoại và các linh kiện điện tử… Do đó, các DN xuất khẩu trong các lĩnh vực này sẽ phải chiu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng.
Đây cũng là lý do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại, cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD của Việt Nam trong năm nay.
Theo đại diện VASEP, việc đồng Euro mất giá khiến DN chịu thiệt hại trong thanh toán do DN xuất khẩu thủy sản thường phải bán hàng theo phương thức trả chậm giao hàng trước, nhận tiền sau. Đó là chưa kể tới việc giảm sức mua và suy giảm kinh tế sẽ gây khó khăn cho DN khi tìm thêm hợp đồng mới.
Tương tự như ngành thủy sản, ngành dệt may cũng phải chịu tác động ngay khi đồng Euro xuống giá, bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tác động này tuy chưa quá lớn, song đã ít nhiều làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2014. Để chuẩn bị ứng phó với sự suy giảm này, Hiệp hội đang tính tới việc mở rộng các thị trường khác.
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện Hiệp hội đang tích cực hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới. Với việc ký kết FTA với Hàn Quốc và tham gia Liên minh Kinh tế Á - Âu, trong đó có thị trường Nga, bà Dung cho rằng, đây sẽ là những thị trường tiềm năng mới, giúp bù đắp suy giảm từ thị trường truyền thống cho ngành dệt may.
Không chỉ ảnh hưởng từ việc đồng Euro giảm giá, các chuyên gia còn cho rằng, tác động gián tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam có thể còn lớn hơn và kéo dài, bởi cuộc khủng hoảng của Hy Lạp đang và sẽ tiếp tục làm nền kinh tế châu Âu suy giảm, dẫn tới giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, khó khăn kinh tế cũng như đồng tiền giảm giá sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch của người dân châu Âu, tác động tiêu cực tới ngành du lịch Việt Nam.