Thủy sản là ngành dính nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua. Ảnh: Đức Thanh.
Xuất khẩu tăng, kiện tụng cũng tăng
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa lưu ý tới các doanh nghiệp xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời sang Mỹ cần tiếp tục rà soát hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh thuế sang Mỹ, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà xuất khẩu.
Khuyến cáo này bắt nguồn từ việc Tổng thống Joe Biden giao Bộ Thương mại Mỹ xem xét có hành động phù hợp, cho phép miễn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (nếu có) đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á (gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam) với thời hạn là 24 tháng.
Cơ quan này nhấn mạnh, việc hoãn thi hành biện pháp phòng vệ (nếu có) với tấm pin năng lượng mặt trời chỉ là tạm thời. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ Mỹ vẫn là thúc đẩy năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước. Do đó, nếu năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời của Mỹ tăng lên, các biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu sẽ được áp dụng.
Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế vào cuối năm 2021, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Quy mô xuất nhập khẩu tăng cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó hàng xuất khẩu của Việt Nam dính kiện tại Mỹ nhiều nhất. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6/2021, Mỹ đã điều tra tổng cộng 1.137 vụ việc và áp dụng 774 biện pháp phòng vệ, đồng thời Mỹ đã điều tra 41 vụ việc đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ấn Độ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc.
Australia đã điều tra 17 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan đã tiến hành 8 vụ việc, Malaysia 10 vụ kiện, Indonesia tiến hành 11 vụ kiện…
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, thời gian qua, nhiều thành viên WTO cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.
Khi một nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ, các doanh nghiệp nước này có xu hướng tìm cách tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang nước áp dụng biện pháp đó (thường là những thị trường xuất khẩu lớn, chủ đạo), từ đó nảy sinh các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba, dịch chuyển đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Kết quả kháng kiện tích cực
Ông Lê Triệu Dũng chia sẻ, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, tham gia 17 FTA, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực. Xuất khẩu gia tăng đi kèm tăng số vụ việc phòng vệ, song năm 2021 cũng ghi nhận nhiều vụ Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Canada, Australia, Ấn Độ…
Việt Nam đã chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu trong nước; nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu thông qua xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Chẳng hạn, trong một số vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá (như cá tra, cá basa, tôm, lốp xe).
Trong các vụ việc Canada điều tra chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của nước này đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể.
Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc như vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng...
Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh... nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.